Tâm lý học có một khái niệm gọi là "GIẢ thông minh" - Nếu con bạn có 5 biểu hiện dưới đây thì hãy cẩn thận

Minh Châu, Theo Đời sống & Pháp luật 15:20 09/05/2025
Chia sẻ

Khái niệm "Giả thông minh" – chỉ những đứa trẻ thích dùng sự lanh lợi để đi đường tắt, nhưng lại thiếu khả năng học tập thật sự và không có khả năng chịu đựng thất bại.

Trong khu dân cư nọ, một số bà mẹ đang trò chuyện với nhau:

- "Con tôi thông minh lắm, thầy cô giảng một lần là hiểu ngay, chỉ là không thích làm bài tập về nhà!". 

- "Nhà tôi cũng thế, học thuộc thơ, truyện rất nhanh, nhưng lười ôn lại, đi thi thì toàn làm ẩu...". 

- "Con trai tôi lanh lợi lắm, gặp câu khó là tìm bạn "tham khảo" ngay, vừa tiết kiệm thời gian vừa đỡ tốn công!".

Các bà mẹ ai cũng đầy tự hào. Nhưng dưới con mắt của các chuyên gia giáo dục, biểu hiện tưởng chừng là "thông minh" kia, thực chất lại là biểu hiện của giả thông minh.

Bạn có biết không? Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là "giả thông minh" – chỉ những đứa trẻ thích dùng sự lanh lợi để đi đường tắt, nhưng lại thiếu khả năng học tập thật sự và không có khả năng chịu đựng thất bại. Những đứa trẻ như vậy có thể học khá khi còn nhỏ, nhưng càng lớn sẽ càng đuối, cuối cùng bị vượt mặt bởi những bạn chịu khó làm việc bền bỉ, sẵn sàng "cần cù bù thông minh".

Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu 5 kiểu biểu hiện của trẻ "giả thông minh". Nếu cha mẹ không kịp thời định hướng, con sẽ dễ gặp phải những trở ngại nghiêm trọng khi trưởng thành. Hãy xem con bạn có đang rơi vào tình huống nào dưới đây không nhé?

Tâm lý học có một khái niệm gọi là "GIẢ thông minh" - Nếu con bạn có 5 biểu hiện dưới đây thì hãy cẩn thận- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

1. Học nhanh nhưng không bao giờ đào sâu 

Có những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh, học cái gì cũng hiểu liền, nhưng lại không chịu tìm hiểu sâu xa. Đây là kiểu "thông minh quá hóa dại". Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy: việc ghi nhớ nhanh chủ yếu dựa vào vùng hải mã trong não, trong khi tư duy sâu đòi hỏi sự hoạt động liên tục của vỏ não trước trán. Những đứa trẻ chỉ học hời hợt, não bộ sẽ dần hình thành các kết nối đơn giản, thiếu chiều sâu. 

Thực tế, học sinh giỏi thật sự không phải là người học nhanh, mà là người học sâu. Biết dành thời gian để đào sâu 1% kiến thức đến 100% chiều sâu mới là người chiến thắng lâu dài. 

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy hạn chế khen "Con thật thông minh", thay vào đó hãy hỏi "Con nghĩ ra điều đó như thế nào?" để khuyến khích trẻ hình thành thói quen tư duy sâu sắc và phân tích logic.

2. Chỉ làm việc dễ, gặp khó là né tránh 

Nhiều trẻ luôn chọn việc đơn giản để làm, gặp chút khó khăn là bỏ cuộc – đó là biểu hiện điển hình của những "con hổ giấy sống trong vùng an toàn". Về mặt tâm lý học, đây là dấu hiệu của chỉ số vượt khó (AQ) thấp. Trẻ không thể nào chỉ làm mãi những việc đơn giản, càng sớm biết đối mặt và vượt qua thử thách thì tương lai càng rộng mở. 

Những đứa trẻ có AQ thấp thường khó tiến xa, vì thế giới không bao giờ chỉ có một chế độ dễ dàng. Những người dám đối đầu với khó khăn mới là người thành công thực sự. 

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy chia nhỏ mục tiêu thành từng bước cụ thể, ví dụ: "Hôm nay con chỉ cần luyện đoạn này", và khi trẻ hoàn thành, hãy khen ngợi nỗ lực thay vì chỉ nhìn vào kết quả.

3. Thích gian lận, không chịu nỗ lực 

Một số trẻ quen thói gian lận: Làm bài thì chép lời giải, thi thì học tủ, nhờ AI viết bài hộ, không ôn bài mà chỉ trông chờ thầy cô "khoanh vùng". Một nghiên cứu tại một trường đại học hàng đầu cho thấy: những sinh viên đỗ vào nhờ tiểu xảo có tỷ lệ trượt môn trong năm đầu cao gấp 6 lần sinh viên học hành tử tế. Những thói quen gian dối sớm muộn cũng sẽ bị hiện thực vùi dập. Những gì lười biếng ngày bé, lớn lên phải trả giá gấp đôi.

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy nói thẳng với con rằng "Con có thể qua mặt thầy cô một lúc, nhưng không thể lừa dối chính mình trong tương lai".

4. Rất thích thể hiện nhưng dễ tổn thương 

Có trẻ ở nhà thì thao thao bất tuyệt, thích biểu diễn, nhưng chỉ cần bị phê bình là buồn bã, khóc lóc, thi mà thua là nổi giận – đó là kiểu nhân cách "diễn viên" với tâm hồn "mong manh như bánh quy". Những đứa trẻ này sống trong ánh nhìn và đánh giá của người khác, không đủ sức chống đỡ trước áp lực. 

Trong khi đó, người mạnh mẽ thực sự là người biết thua, biết chịu trách nhiệm, và biết vươn lên từ thất bại. 

Lời khuyên cho cha mẹ: Hạn chế để trẻ biểu diễn quá nhiều, thay vào đó nên cho con tham gia các hoạt động có tính cạnh tranh như cờ vua, bóng rổ... để trẻ quen với cảm giác thắng – thua và rèn luyện bản lĩnh.

5. Quá sĩ diện, sợ thất bại 

Có những đứa trẻ quá sợ mất mặt, không dám sai – đó là những đứa trẻ bị trói buộc bởi nhãn mác "thông minh". Chẳng hạn, cậu bé 10 tuổi nọ học Toán rất giỏi nhưng không bao giờ giơ tay phát biểu. Cậu nói: "Lỡ trả lời sai thì bạn sẽ cười". 

Tâm lý học gọi đây là hiện tượng bị gò bó bởi "cái mác thông minh", khiến trẻ ngày càng thu nhỏ thế giới của mình. Giống như con thỏ trong truyện "Rùa và Thỏ", thà nằm im còn hơn mạo hiểm. 

Lời khuyên cho cha mẹ: Hãy chia sẻ những thất bại của chính mình, ví dụ: "Mẹ từng nấu cháy món ăn này, nhưng nhờ vậy học được cách làm ngon hơn!".

Cuối cùng, xin gửi đến các bậc cha mẹ 3 lời khuyên quan trọng:

Hãy thay câu khen "Con thông minh quá" bằng "Con chăm chỉ thật đấy";

- Hãy cho phép con được mắc sai lầm;

- Hãy nuôi dưỡng tư duy phát triển (growth mindset).

Thông minh là món quà trời cho, nhưng nỗ lực và kiên trì là sự lựa chọn. Những đứa trẻ sẵn sàng làm việc chăm chỉ và không ngại gian khó mới chính là người chiến thắng thật sự trong cuộc đời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày