Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp chính thức bước vào mùa tuyển dụng đầu năm đầy sôi động. Những cuộc phỏng vấn diễn ra liên tục, ứng viên tấp nập đến rồi đi, ai nấy đều mang theo hy vọng về một khởi đầu mới, một vị trí phù hợp trong chặng đường sự nghiệp phía trước.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn cầm trên tay tấm vé thông hành mang tên “thư mời nhận việc”.
Giữa muôn vàn câu hỏi từ nhà tuyển dụng, có một câu tưởng chừng đơn giản nhưng lại trở thành rào cản khiến nhiều ứng viên lúng túng, mất tự tin, thậm chí đánh rơi cơ hội quý giá đó là: “Vì sao chúng tôi nên chọn bạn?”.
Đây chính là câu hỏi mang tính thử thách sắc bén, buộc ứng viên phải thấu hiểu giá trị bản thân và biết cách trình bày sao cho thuyết phục người đối diện – điều mà không phải ai cũng làm tốt. Tưởng chừng đơn giản, nhưng thực chất câu hỏi này chính là cửa ải mang tính quyết định.
Với những ứng viên sở hữu EQ cao, họ không xem đó là rào cản, mà coi đây là cơ hội vàng để ghi điểm. Bởi lẽ, họ hiểu rằng chỉ cần khéo léo vận dụng 3 bí quyết sau, cánh cửa dẫn đến công việc mơ ước sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.
Người có trí tuệ cảm xúc cao luôn chuẩn bị kỹ càng trong mọi vấn đề. Trước buổi phỏng vấn, họ sẽ dành thời gian tìm hiểu sâu về công ty, nắm vững yêu cầu công việc, đồng thời đối chiếu những thông tin đó với kinh nghiệm, kỹ năng bản thân đang có.
Vì thế, khi được hỏi: “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”, họ không trả lời sáo rỗng như : “Tôi chăm chỉ” , “tôi có kinh nghiệm làm việc” hay “tôi sẽ cố gắng hết sức”,…
Thay vào đó, họ tập trung nhấn mạnh sự phù hợp giữa bản thân với công việc ứng tuyển, bằng những dẫn chứng cụ thể.
Chẳng hạn, ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, ứng viên có EQ cao sẽ tự tin nói: “Tôi đã có hơn 3 năm kinh nghiệm trong mảng kinh doanh phần mềm, từng dẫn đầu về doanh số trong quý III năm ngoái tại công ty cũ. Hơn nữa, tôi tin rằng khả năng đàm phán, thuyết phục khách hàng cùng sự am hiểu thị trường công nghệ sẽ giúp tôi đóng góp tích cực vào sự phát triển của đội ngũ quý công ty”.
Câu trả lời như vậy không chỉ làm nổi bật thành tích cụ thể, mà còn thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần sẵn sàng cống hiến – những yếu tố cốt lõi, ghi điểm mạnh mẽ trong mắt nhà tuyển dụng.
Ứng viên cần hiểu rằng, nhà tuyển dụng không đánh giá cao những lời hứa hẹn chung chung. Điều họ thực sự quan tâm là bằng chứng cụ thể chứng minh bạn có thể mang lại giá trị thiết thực cho công ty.
Người có EQ cao nhận ra rằng, “những con số biết nói”, thành tích rõ ràng chính là vũ khí thuyết phục mạnh mẽ nhất, giúp biến lời nói thành sức nặng và tạo dựng niềm tin cho nhà tuyển dụng.
Vì vậy, khi nhận được câu hỏi: “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”, họ không ngần ngại chia sẻ các thành tích nổi bật đã đạt được, đi kèm với số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục cho lời nói.
Ví dụ, thay vì nói: “Tôi rất giỏi trong việc quản lý đội nhóm” . Ứng viên EQ cao sẽ tự tin khẳng định: “Ở công ty trước, tôi đã dẫn dắt một đội nhóm gồm 10 thành viên, giúp tăng trưởng doanh thu 30% chỉ trong vòng 6 tháng. Tôi tin rằng, với khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm của mình, tôi có thể giúp quý công ty đạt được những kết quả tương đương, thậm chí là tốt hơn”.
Những thành tích cụ thể như vậy giúp nhà tuyển dụng nhận thấy rõ tiềm năng và năng lực thực sự của ứng viên, từ đó để lại ấn tượng mạnh mẽ.
Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, giúp những ứng viên có EQ cao dễ dàng nổi bật giữa đám đông.
Bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn đặc biệt quan tâm đến việc ứng viên có thực sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không.
Người có EQ cao hiểu rõ điều này, vì vậy, họ luôn tìm hiểu trước về sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi của công ty.
Khi trả lời phỏng vấn, họ sẽ khéo léo lồng ghép những thông tin đó vào lời nói của mình, khiến nhà tuyển dụng cảm thấy ứng viên này không chỉ làm được việc, mà còn có thể hòa nhập và phát triển lâu dài cùng công ty.
Chẳng hạn, nếu biết công ty đề cao tinh thần sáng tạo và đổi mới, ứng viên có thể nói: “Tôi rất ấn tượng với văn hóa khuyến khích sáng tạo của quý công ty. Trong quá trình làm việc trước đây, tôi luôn chủ động tìm tòi những giải pháp mới để nâng cao hiệu quả công việc. Tôi tin rằng mình có thể nhanh chóng hòa nhập và đóng góp những ý tưởng sáng tạo tại đây”.
Một câu trả lời như vậy không chỉ thể hiện sự chân thành, mà còn cho thấy ứng viên đã dành thời gian tìm hiểu và có sự chuẩn bị nghiêm túc. Đây chính là điểm cộng lớn trong mắt bất kỳ nhà tuyển dụng nào, giúp ứng viên ứng tuyển thành công.