*Dưới đây là chia sẻ của Alex - một chàng trai người Mỹ về trải nghiệm xin việc của mình.
Tôi là Alex, sinh viên năm cuối của một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Tôi luôn tự hào về thành tích học tập xuất sắc, điểm số GPA gần như tuyệt đối, những nghiên cứu tôi từng thực hiện và hàng loạt hoạt động ngoại khóa tôi tham gia. Với tâm thế tự tin, tôi gửi đơn ứng tuyển thực tập đến hàng chục công ty lớn nhỏ. Nhưng rồi, từng lá thư từ chối lần lượt gửi về hộp thư điện tử của tôi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá phũ phàng. Không một nơi nào nhận tôi.
Ban đầu, tôi tự an ủi bản thân rằng có thể thị trường tuyển dụng hiện tại - vào năm 2025, đang cạnh tranh quá mức, hoặc tôi chưa đủ may mắn. Nhưng khi thấy bạn bè xung quanh dần tìm được vị trí thực tập, tôi bắt đầu hoài nghi chính mình. Chẳng lẽ tất cả những thành tích tôi nỗ lực đạt được bấy lâu nay không có giá trị sao? Tôi cảm thấy lạc lối và quyết định đến trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường để tìm kiếm lời khuyên từ một giảng viên – người có kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên trong hành trình nghề nghiệp.
Mentor của tôi là một giáo sư kỳ cựu trong ngành. Thầy lướt qua bản CV của tôi, ánh mắt có chút trầm ngâm. Rồi ông ngẩng lên, mỉm cười hỏi: "Em nghĩ điều gì quan trọng nhất trong một bản CV?".
Tôi đáp ngay: "Là thể hiện những gì tốt nhất về bản thân ạ".
Thầy gật gù, nhưng rồi từ tốn nói: "Những gì em có không quan trọng bằng những gì nhà tuyển dụng cần".
Những gì chúng ta có không quan trọng bằng những gì nhà tuyển dụng cần.
Thầy nhìn tôi, rồi giải thích: "Tức là, họ không tìm kiếm một người có bảng thành tích dài nhất hay sở hữu nhiều kỹ năng nhất, mà là người có thể giải quyết vấn đề thực tế của họ một cách hiệu quả nhất. Em có thể rất giỏi trong nhiều lĩnh vực, nhưng nếu không thể đáp ứng đúng nhu cầu của họ, thì tất cả những điều đó cũng không có ý nghĩa".
Câu nói ấy của thầy khiến tôi sững sờ. Tôi nhìn lại CV của mình – một bản danh sách dài với đầy những thành tích học thuật, nghiên cứu khoa học và các dự án mà tôi từng thực hiện. Tôi từng nghĩ rằng những điều này sẽ khiến tôi nổi bật, nhưng có lẽ, tôi đã đi sai hướng.
Mentor chỉ vào phần kinh nghiệm của tôi và giải thích: "Hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng. Khi họ cần một thực tập sinh tài chính, họ sẽ tìm người có kỹ năng phân tích số liệu, thành thạo Excel, hiểu về thị trường. Nhưng trong CV của em, những điều đó không rõ ràng. Em nói về các nghiên cứu sâu xa, thuật toán phức tạp, nhưng thực tế, họ chỉ cần một người có thể xử lý báo cáo tài chính hiệu quả".
Tôi gật đầu, cảm thấy như vừa được khai sáng. Thầy tiếp tục lấy ví dụ về lĩnh vực marketing: "Một công ty marketing không cần thực tập sinh từng tham gia ba hội nghị khoa học về hành vi tiêu dùng, họ cần một người có thể chạy quảng cáo Facebook, viết content thu hút hoặc tối ưu hóa SEO".
Tôi nhìn lại CV của mình, bỗng nhận ra nó chứa quá nhiều thứ cao siêu, nhưng thiếu đi những gì thực tế nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Không phải cứ có thành tích khủng là chắc chắn bạn sẽ được tuyển dụng.
Buổi trò chuyện hôm đó là bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm cơ hội của tôi. Tôi bắt tay vào sửa CV, tập trung vào những kỹ năng thực tế, mô tả rõ ràng cách tôi có thể đáp ứng nhu cầu của công ty thay vì chỉ liệt kê những thành tích cá nhân. Kết quả? Chỉ trong vòng hai tuần sau khi gửi lại hồ sơ, tôi đã nhận được lời mời phỏng vấn đầu tiên.
Tôi học được một bài học quan trọng: Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn giỏi thế nào, họ quan tâm bạn có thể giải quyết vấn đề của họ ra sao. CV không chỉ là nơi thể hiện bản thân, mà là công cụ để kết nối bạn với nhu cầu thực tế của công ty.
Và chỉ khi hiểu được điều đó, tôi mới thực sự mở ra cánh cửa bước vào thế giới việc làm chuyên nghiệp.