Thông tư 29 với những quy định về quản lý học thêm, dạy thêm vẫn đang khiến cộng đồng giáo viên, phụ huynh và học sinh tranh luận rôm rả. Mới đây nhất, chia sẻ của một phụ huynh trên mạng xã hội thu hút nhiều sự chú ý.
Phụ huynh này cho biết, trường cho con chị và một số trường khác trong khu vực đã thông báo ngưng học chiều từ ngày 14/2. Điều này khiến gia đình chị gặp phải một số khó khăn trong việc quản lý con bởi bố mẹ đi làm cả ngày, mà xã hội ngày này lại nhiều cám dỗ, tệ nạn,...
"Đừng ai bảo là do gia đình, sao không giao bài,... xin thưa, ngày một ngày hai không nói trước, nói hay được đâu", phụ huynh cho hay.
Chia sẻ của phụ huynh
Dưới bài đây, rất nhiều người để lại bình luận. Không ít người tỏ ra đồng tình, thấu hiểu sự lo lắng của phụ huynh. Một bà mẹ cho biết, trường con chị cũng đã thông báo dừng học chiều. Vợ chồng ủng hộ việc này vì cũng muốn con giảm tải áp lực, có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, chị cũng lo, sợ con ở nhà một mình thì không ai quản nên đã lắp camera để giảm sát.
Theo chị, chỉ những gia đình có ông bà ở cùng, hoặc mẹ làm nội trợ ở nhà thì mới có thể hoàn toàn yên tâm khi con không đi học, ở nhà một mình cả buổi chiều.
Hay một phụ huynh khác cũng cho biết, quy định mới về dạy thêm, học thêm đã làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của gia đình anh. "Chúng tôi phải tìm chỗ mới cho con học thêm, lại phải xin về sớm ở công ty để đưa đón các con. Trước đây, cho con học ở trường, bố mẹ vừa mất ít tiền hơn, vừa yên tâm đi làm, giờ thì lo ngay ngáy".
Một số phụ huynh tỏ ra lo lắng
Tuy nhiên, cũng không ít người bày tỏ sự phản đối trước chia sẻ trên. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng: "Phụ huynh ngày nay đang "kiểu gì cũng nói được", "cho đi học thì gào lên áp lực, cho nghỉ thì gào lên không ai trông, từ lúc nào mà trường học trở thành chỗ giữ trẻ?",...
Một số người bày tỏ sự phản đối
"Thay vì lên than vãn hết bài này đến bài khác, sao nhiều phụ huynh không nhanh chóng lên kế hoạch thích ứng đi nhỉ? Con không đi học ở trường nữa thì rèn cho con thói quen tự học, tự ôn bài ở nhà. Bố mẹ có thể giao cho con một số bài tập làm buổi chiều, và tối về kiểm tra. Con sẽ không phải học thêm buổi tối nữa mà được nghỉ ngơi.
Nhà nào có điều kiện thì cho con học thêm ngoài trung tâm, đăng ký cho con các câu lạc bộ bơi lộ, võ, cờ vua,... cũng hay. Rồi tập cho con đi xe bus đi", một phụ huynh để lại ý kiến.
Hiện tại hội phụ huynh vẫn đang tranh luận "nảy lửa" dưới bài đăng.
Thông tư 29 chính thức có hiệu lực từ ngày mai (14/2)
Ngày mai (14/2), Thông tư 29 về hoạt động học thêm, dạy thêm sẽ có hiệu lực. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm với các quan điểm và nguyên tắc.
Thứ nhất, để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thứ hai, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…
Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.