Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 00:08 15/02/2025
Chia sẻ

Đến cả cha mẹ của nam sinh cũng phải công nhận trí tuệ thiên tài của con trai.

Tài năng không đơn thuần là món quà trời phú, mà còn là kết quả của sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi. Mỗi người đều có thể vươn tới thành công nếu không ngừng nỗ lực. Quan trọng là dám đặt ra những mục tiêu lớn, từng bước chinh phục chúng và không bỏ cuộc trước khó khăn. Chính quá trình bền bỉ ấy sẽ rèn giũa khả năng, mở ra những cơ hội mới và giúp ta vươn xa hơn trên hành trình chinh phục tri thức.

Minh chứng rõ ràng cho điều này có thể kể đến câu chuyện của một nam sinh từng được mệnh danh là “học sinh giỏi nhất chín tỉnh” tại Trung Quốc. Vào năm 2009, một cậu bé 16 tuổi đến từ Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, đã khiến nhiều người kinh ngạc khi giành vị trí “thủ khoa” trong kỳ thi tuyển sinh chung của chín tỉnh với số điểm ấn tượng - 716 điểm. Cậu bé đó chính là Vương Bách Dương, một học sinh xuất sắc với niềm đam mê tri thức đặc biệt. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi đạt được thành tích này, Vương Bách Dương từng bị giáo viên đề nghị học lại khi còn học tiểu học.

Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng- Ảnh 1.

Vương Bách Dương - “học sinh giỏi nhất chín tỉnh” tại Trung Quốc.

Cha mẹ của Vương Bách Dương không hề nghĩ rằng con trai mình là một thiên tài cho đến khi tận mắt chứng kiến khả năng học tập của cậu. Từ năm ba tuổi, cậu đã bắt đầu tập đọc và có thể hiểu được nội dung sau một lần nghe giảng. Đến năm bốn tuổi, cậu đã có thể đọc trọn một cuốn sách. Dù gia đình không có điều kiện tài chính dư dả, cha của cậu – một người bán sách trên phố – đã tạo ra một môi trường đầy sách vở, giúp con trai mình có cơ hội tiếp cận tri thức từ sớm.

Chính thói quen đọc sách từ nhỏ đã giúp Vương Bách Dương có một nền tảng kiến thức rộng lớn. Từ thiên văn học đến địa lý, cậu đều hứng thú tìm hiểu và không ngừng đặt câu hỏi để thỏa mãn sự tò mò của mình.

Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng- Ảnh 2.

Thói quen đọc sách từ nhỏ đã giúp Vương Bách Dương có một nền tảng kiến thức rộng lớn (Ảnh minh hoạ).

Khi học lớp 3, do mẹ chuyển công tác, Vương Bách Dương phải chuyển sang một trường tiểu học mới. Giáo viên tại trường lo lắng rằng cậu không theo kịp chương trình nên đề nghị cho cậu học lại lớp. Tuy nhiên, Vương Bách Dương ngay lập tức khẳng định: “Con có thể làm hết các bài trong sách giáo khoa, con muốn học những điều mới hơn”.

Để kiểm tra, giáo viên đưa cho cậu một bộ đề thi thử của nhiều môn học khác nhau. Không ngờ, chỉ trong vòng nửa tiếng, Vương Bách Dương đã hoàn thành xuất sắc tất cả các bài kiểm tra với điểm số tuyệt đối. Sau khi chứng kiến khả năng của cậu, giáo viên quyết định để cậu học vượt lên lớp 5.

Vì nhảy cóc hai lớp nên Vương Bách Dương kém hơn các bạn cùng lớp hai tuổi. Tuy nhiên, thành tích học tập của cậu lại vượt xa tất cả. Cậu luôn đứng đầu khối, nắm vững kiến thức và không ngừng đặt câu hỏi mỗi khi có thắc mắc.

Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng- Ảnh 3.

Dù kém tuổi hơn nhưng thành tích học tập của Vương Bách Dương lại bỏ xa các bạn cùng lớp.

Lần đầu tiên, cha của Vương Bách Dương cảm thấy phấn khích khi nhận ra con trai mình thực sự có tố chất đặc biệt. Tuy nhiên, vợ chồng ông không biết cách dạy kèm con, mà điều kiện gia đình cũng không cho phép đầu tư vào các khóa đào tạo. Sau nhiều lần suy nghĩ, họ quyết định cứ để con phát triển tự nhiên, không ép buộc.

Đến lúc Vương Bách Dương vào trung học cơ sở, gia đình cậu đã chuyển về trường học ở quê. Tình huống cũ lại lặp lại – giáo viên tiếp tục đề nghị cậu học lại lớp. Nhưng khi nhìn thấy bảng điểm của Vương Bách Dương, thầy giáo lập tức kinh ngạc, thậm chí còn phấn khích đến mức muốn để cậu nhảy lớp. Nhưng lần này, cha của cậu đã kịp thời lên tiếng, dù hiểu được ý tốt của thầy nhưng ông vẫn muốn con trai có thời gian học tập từng bước và tận hưởng tuổi học trò cùng bạn bè.

Cuối cùng, giáo viên tôn trọng quyết định của gia đình và vui vẻ chào đón Vương Bách Dương vào lớp. Thậm chí, nhiều giáo viên khác sau khi nghe tin còn tranh nhau muốn nhận cậu về lớp của mình. Nhưng họ không biết rằng, cậu học trò này chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành “nỗi ám ảnh” trong sự nghiệp giảng dạy của họ.

Lý do là bởi ở Vương Bách Dương có một điều đặc biệt, chỉ cần cậu ngẩng đầu lên trong lớp, điều đó có nghĩa là giáo viên đã giảng sai hoặc câu hỏi có vấn đề. Chính điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các thầy cô của cậu. Giáo viên của cậu từng chia sẻ rằng, mỗi lần giảng bài, họ phải kiểm tra kỹ càng nội dung trước khi lên lớp để tránh mắc lỗi trước học sinh “siêu trí tuệ” này.

Vương Bách Dương luôn giữ thói quen đặt câu hỏi khi chưa hiểu bài và rất thích thảo luận với giáo viên để tìm ra lời giải rõ ràng nhất. Cậu không ngại đào sâu vào từng khía cạnh kiến thức, cố gắng nắm vững mọi dạng bài. Nhờ tinh thần ham học này, cậu đã xuất sắc đậu vào một trường trung học phổ thông trọng điểm của thành phố.

So với các môn như Ngữ văn và Khoa học chính trị – vốn cần nhiều sự ghi nhớ – cậu hứng thú hơn với Vật lý và Hóa học. Cậu say mê giải quyết các bài tập, luôn tìm cách đưa ra đáp án đầy đủ và chính xác nhất.

Để có thể giải đáp mọi câu hỏi của Vương Bách Dương trong học tập, các giáo viên cũng thường xuyên phải nâng cao kiến thức. Ai nấy đều hy vọng rằng cậu sẽ sớm được nhận vào trường đại học mà mình yêu thích để tiếp tục thử thách các giáo sư thay vì... làm khó họ mỗi ngày!

Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng- Ảnh 4.

Để có thể giải đáp mọi câu hỏi của Vương Bách Dương trong học tập, các giáo viên cũng thường xuyên phải nâng cao kiến thức.

Năm 2009, Vương Bách Dương tham gia kỳ thi tuyển sinh chung của chín tỉnh và đạt số điểm 716, trở thành thủ khoa của khu vực. Nhưng điều đặc biệt hơn là cậu đã được nhận vào Đại học Bắc Kinh – một trong những trường đại học danh giá nhất tại Trung Quốc – từ trước khi kỳ thi diễn ra. Dù vậy, cậu vẫn quyết định tham dự kỳ thi để tự kiểm chứng năng lực của mình.

Trong suốt thời gian học đại học, Vương Bách Dương không ngừng trau dồi kiến thức. Cậu dành phần lớn thời gian tại thư viện, nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau với mong muốn đóng góp cho xã hội. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, khi sắp tốt nghiệp, cậu đã giành được học bổng toàn phần của Đại học Hồng Kông với tổng giá trị lên tới 450.000 đô la Hồng Kông (gần 1 tỷ rưỡi) và 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) tiền thưởng.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Hồng Kông, Vương Bách Dương tiếp tục được nhận vào Đại học Northwestern (Mỹ) – một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Gia đình lo lắng rằng cậu sẽ ở lại nước ngoài sau khi tiếp xúc với môi trường học tập tiên tiến. Nhưng Vương Bách Dương đã không làm họ thất vọng.

Nhận bằng tiến sĩ xong xuôi, Vương Bách Dương từ chối mức lương hấp dẫn từ các công ty nước ngoài để quay trở về quê hương làm việc. Hiện tại, nam sinh thiên tài ngày nào đang là một nhà nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế, tiếp tục theo đuổi con đường tri thức và cống hiến những gì mình đã học được.

Bí mật đằng sau "học sinh giỏi nhất chín tỉnh", chỉ cần ngẩng đầu trong lớp là thầy cô hốt hoảng kiểm tra lại lời vừa giảng- Ảnh 5.

Vương Bách Dương hiện đang là một nhà nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế.

Hành trình của Vương Bách Dương là một minh chứng rõ ràng cho thấy tài năng không chỉ đến từ bẩm sinh mà còn nhờ vào sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi. Đừng ngại đặt câu hỏi, đừng ngại tìm hiểu sâu hơn về những gì chúng ta chưa biết. Kiến thức là vô hạn, và chỉ có sự kiên trì mới giúp chúng ta tiến xa hơn trên con đường học tập.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày