Tetris có lẽ là cái tên không còn xa lạ đối với mọi người. Ngày nay, bạn thường hay gọi các tựa game cùng thể loại này với những cái tên gần gũi hơn như xếp gạch hoặc xếp hình.
Tetris, tên tiếng Nga là Тетрис, được thiết kế và lập trình bởi kỹ sư phần mềm người Xô Viết, Alexey Pajitnov. Cái tên đặc biệt này được ghép từ chữ Tetra (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa 4 khối vuông liền nhau rơi xuống) và chữ Tennis, bộ môn thể thao mà ông thích.
Lần đầu được công bố rộng rãi vào 6/6/1984, Tetris đã gây sốc toàn thế giới bởi lối chơi đơn giản mà đầy cuốn hút, dễ bắt đầu nhưng khó để thành thạo. Không những thế, trò chơi này được xem như là những bước đi đầu tiên trên chặng đường phát triển giao thương giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ ấy.
Trò chơi liên kết giao thương giữa Mỹ và Liên Xô. Ảnh: Tetris.
Nhưng liệu bạn có biết rằng, ngoài lối chơi cuốn hút và dễ "gây nghiện", Tetris còn được các nhà khoa học chứng minh là trò chơi này có nhiều ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống và có thể cải thiện kỹ năng bản thân. Sau đây là một số lợi ích mà các chuyên gia đã nghiên cứu thành công trong nhiều năm qua.
Mọi thứ xung quanh bạn đều có thể liên kết với nhau. Ảnh: Behdad.
Trong Tetris, nhiệm vụ của bạn đơn giản chỉ là sắp xếp các khối vuông đang rơi thành hàng ngang. Những hàng đầy đủ ấy sẽ biến mất và người chơi sẽ được thưởng điểm. Khi nào chúng chồng chất lên nhau, chạm tới đỉnh là thua. Việc tính toán và sắp xếp điều chỉnh những hình dạng ấy vô tình đưa người chơi vào trạng thái gọi là hội chứng Tetris.
Theo nghiên cứu, hội chứng Tetris sẽ khiến người chơi chuyển đổi mọi thứ xung quanh cuộc sống hằng ngày thành các khối vuông. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng suy luận hoặc liên kết các sự việc hay thậm chí là thay đổi cách tư duy thông thường, tăng tính sáng tạo.
Ngoài ra, người chơi sẽ luôn thấy hình dáng của các khối vuông liên kết với nhau mỗi khi nhắm mắt lại hoặc ngủ. Có thể nói hội chứng Tetris đã trở thành một thói quen và bản năng của họ.
Theo trường đại học công nghệ Queensland và Plymouth của Úc, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên 31 tình nguyện viên từ 18-27 tuổi. Họ được yêu cầu chơi Tetris trong vòng 3 phút rồi sau đó sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến những ham muốn cá nhân.
Từ kết quả nghiên cứu, giáo sư Jackie Andrade của đại học Plymouth đã công bố rằng việc chơi Tetris đã giảm đi 56% đến 70% mức độ nhu cầu của các đối tượng. "Ham muốn của bản thân sinh ra bởi não chúng ta suy nghĩ tới những hành động và cảm giác khi thực hiện chúng. Việc chơi Tetris sẽ làm não bộ phân tâm, khiến bạn tập trung liên tưởng vào một nhu cầu cụ thể nào khác", giáo sư Andrade giải thích.
Điều này nghe có vẻ phi lý khi phản xạ là một trong những nhân tố chỉ có thể cải thiện qua nhiều năm tháng chứ không thể luyện tập trong vòng vài ngày là được. Đặc biệt là những game hành động.
Tuy nhiên, dựa theo kết quả nghiên cứu trên nhiều game thủ, việc khiến não bộ liên tục suy nghĩ và thao tác, sắp xếp vị trí các khối vuông đang rơi ngày càng nhanh ấy vô tình đã cải thiện phản xạ cá nhân, khiến bạn lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng.
Stress xảy ra khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc có những suy nghĩ tiêu cực cứ lẩn quẩn trong đầu nhưng không thể giải quyết được. Các đối tượng khi có triệu chứng này thường phải tìm cách để giải quyết chúng, không thì sẽ dễ dàng biến chuyển thành trầm cảm.
Bằng việc chơi Tetris, người chơi sẽ cảm thấy vô cùng thích thú, hưng phấn, đã mắt mỗi khi thực hiện được một chuỗi combo ăn một lần 3-4 hàng vô cùng mãn nhãn. Các cảm xúc trên đã được các nhà khoa học ghi nhận có khả năng giảm bớt mức độ stress, đồng thời tạo nên những cảm xúc tích cực cho đối tượng.
Điều này cũng đã được áp dụng tương tự trong những trò chơi tiêu biểu như Left 4 Dead, Dead Rising, Killing Floor… Việc chặt, chém, giết số lượng lớn các thây ma tuy nhận nhiều ý kiến trái chiều về mặt nhân đạo, nhưng chính cảm giác khi làm những việc ấy lại có thể xả stress, trút hết căng thẳng trong cuộc sống lên đầu những người máy vô tri.