Trẻ sơ sinh thở ra tiếng gà gáy vì bệnh truyền nhiễm cấp tính

Vân Sơn, Theo tienphong.vn 09:26 25/07/2025
Chia sẻ

Ngày 25/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện một trường hợp mắc bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh chưa đến tuổi tiêm phòng. Ngành y tế địa phương đang khẩn trương vào cuộc điều tra, giám sát nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Theo đó, trường hợp được phát hiện mắc bệnh là bé 1 tháng tuổi, ngụ tại xã Long Điền, TPHCM. Qua khai thác bệnh sử của nhân viên y tế từ phía gia đình ghi nhận, từ khi sinh, trẻ chỉ tiếp xúc với người thân trong gia đình.

Trước thời điểm nhập viện, bé khởi phát bệnh với tình trạng sốt nhẹ, chảy nước mũi, bú ít và ho. Tình trạng diễn tiến nặng khiến trẻ ho rũ rượi, liên tục, không thể kìm hãm được, thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho chảy nhiều đờm, dãi và nôn. Gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị thì được bác sĩ xác định trẻ mắc bệnh ho gà. Sau điều trị, tình trạng sức khỏe của trẻ đã bình phục tốt.

Theo HCDC, đây là trường hợp chưa đến độ tuổi quy định tiêm chủng phòng bệnh ho gà nên bé chưa được tiêm vắc xin. Dù trường hợp trên được phát hiện, khoanh vùng nguy cơ lây nhiễm và bước đầu đã được kiểm soát, song các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây lan vẫn tiềm ẩn. Hiện y tế địa phương đã tiến hành điều tra dịch tễ và đang giám sát ca bệnh để phòng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Trẻ sơ sinh thở ra tiếng gà gáy vì bệnh truyền nhiễm cấp tính- Ảnh 1.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ (ảnh minh họa)

Theo HCDC, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh trong lúc ho, hắt hơi. Bệnh dễ lây lan trong môi trường kín như gia đình, trường học và đặc biệt nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi.

Ho gà thường khởi phát với các triệu chứng giống cảm cúm: ho, chảy nước mũi, đau họng, sốt nhẹ hoặc không sốt, mệt mỏi. Sau vài ngày, trẻ bắt đầu ho từng cơn dữ dội, kéo dài, liên tục không dứt và kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà gáy – dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Sau mỗi cơn ho, trẻ có thể nôn ói, chảy nhiều đờm dãi, tím tái do thiếu oxy. Trong nhiều trường hợp, ho gà diễn tiến nặng gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin hoặc trẻ suy dinh dưỡng.

Hiện nay, bệnh ho gà đã có vắc xin tiêm phòng. Theo khuyến cáo của ngành y tế, trẻ cần được tiêm đủ các mũi vắc xin chứa thành phần ho gà theo lịch: 3 mũi cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, thanh thiếu niên nên tiêm nhắc lúc 11 – 12 tuổi hoặc cách 10 năm kể từ mũi vắc xin ho gà gần nhất.

Phụ nữ mang thai cũng được khuyến khích tiêm phòng ho gà vào đầu tam cá nguyệt thứ ba nhằm truyền kháng thể cho thai nhi, giúp bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời – thời điểm chưa thể tiêm chủng.

Người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền, người thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh hoặc làm việc trong môi trường y tế nên tiêm nhắc vắc xin ho gà mỗi 10 năm để duy trì miễn dịch.

Để chủ động phòng ngừa, ngành y tế khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc trẻ thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh, gồm: đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi ho/hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể – mũi – họng cho trẻ, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng. Khi thấy trẻ có triệu chứng nghi ngờ như ho kéo dài, thở rít, nôn ói, chán ăn… cần cho trẻ nghỉ học, tránh tiếp xúc với người khác và đưa đến cơ sở y tế kịp thời để được khám và điều trị đúng cách. Việc chủ quan có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả trẻ lẫn cộng đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày