Trẻ đang chán nản mà nói "Thôi đừng buồn nữa, nín đi con" thì không khác gì "đổ thêm dầu vào lửa"

San San, Theo Phụ nữ Việt Nam 04:49 19/08/2022
Chia sẻ

Những câu nói này giúp cha mẹ an ủi con lúc thất bại, buồn rầu, đem lại tác dụng lớn hơn nhiều câu cửa miệng “nín đi con”.

Lúc trẻ gặp thất bại hay chuyện buồn nào đó, con đang mang trong mình tâm trạng ủ dột, một số câu mà bố mẹ vẫn thường hay nói sẽ là "Thôi đừng khóc nữa, có gì đâu"; "Ôi dào, có tí chuyện mà cũng phải khóc", "Nín đi, con trai khóc gì khóc lắm, chẳng khác gì con gái" hoặc tệ hơn nữa là "Có nín đi không thì bảo, đời còn lắm chuyện buồn hơn"...

Dẫu biết tương lai còn có thể xảy ra những chuyện tồi tệ hơn, thế nhưng với một đứa trẻ, chuyện mà con đang đối mặt đã là quá sức chịu đựng. Với những em bé sống nội tâm, dễ xúc động thì việc tâm lý con bị ảnh hưởng nặng nề cũng là điều dễ hiểu. Những lúc này, một vài câu nói mà người lớn cho rằng sẽ giúp con vực dậy thực ra lại có tác dụng ngược. Trẻ không thấy tâm trạng tốt lên, thậm chí còn đẩy bố mẹ ra xa mình vì cho rằng người lớn đang không hiểu nỗi đau mình phải trải qua.

Thế nên, khi con đang gặp thất bại hoặc buồn rầu, dưới đây sẽ là những câu mà một phụ huynh thông minh sẽ nói. Nó có tác dụng hơn rất nhiều lần so với những lời mắng mỏ, đay nghiến và cả loạt lời khuyên sáo rỗng nữa.

Trẻ đang chán nản mà nói Thôi đừng buồn nữa, nín đi con thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa - Ảnh 1.

Hãy an ủi con đúng cách. Ảnh minh họa.

1. Nếu con buồn thì hãy khóc đi

Khóc chính là cách để mỗi người giải toả cảm xúc đơn giản nhất. Khi nước mắt rơi cũng có nghĩa là trẻ đang cảm thấy buồn rầu, ấm ức và có điều khó nói. Lúc này, con cần được xả ra hết nỗi lòng thay vì cứ giấu kín nó. Những đứa trẻ không khóc khi gặp chuyện thuộc tuýp người bên ngoài mạnh mẽ nhưng nỗi ấm ức bên trong thì có thể bộc phát bất cứ khi nào.

Khi thấy con khóc, thay vì bắt trẻ nín thì bố mẹ nên để con được là chính mình, không cần dồn nén. Sau khi khóc, con sẽ bình tĩnh hơn và lúc đó cả gia đình cùng nhau tìm cách giải quyết tốt hơn.

2. Mẹ hiểu con đang buồn thế nào vì mẹ đã từng trải qua

Một người thường cảm nhận nỗi khổ của ai đó chỉ khi họ đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Khi thấy con đang buồn vì chuyện trên lớp, chẳng hạn như bị bạn bè trêu trọc mà không biết phải làm sao, mẹ có thể gợi mở: "Hồi trước lúc bằng tuổi con, mẹ cũng bị các bạn mỉa mai, chế giễu, mà mẹ chỉ cần làm cách này là từ đó không ai dám trêu mẹ nữa". Nghe đến đó, hẳn trẻ sẽ rất tò mò không biết mẹ dùng cách gì.

Trẻ đang chán nản mà nói Thôi đừng buồn nữa, nín đi con thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa - Ảnh 2.

Đồng cảm với trẻ bằng cách nói rằng bạn thấu hiểu nỗi buồn của con sẽ giúp bé cảm thấy được an ủi. Và không chỉ có mình con, chính bố mẹ hay nhiều bạn khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng điều quan trọng là chúng ta tìm ra cách để vượt qua nó.

3. Mẹ sẽ ở đây bên con dù có bất cứ chuyện gì xảy ra

Những lúc thất bại hay gặp phải chuyện buồn, con cần lời an ủi hơn là lời dạy dỗ sáo rỗng. Những câu nói đại loại như “ôi trời, có cái gì đâu mà phải khóc lóc, chuyện quá là dở hơi” hay “mẹ thấy chỉ có người dở hơi mới khóc vì mấy chuyện vặt vãnh này” còn gây sát thương với trẻ hơn cả đòn roi, bố mẹ cố gắng không nói với trẻ như vậy.

Lúc này, con cần có một chỗ dựa an toàn, và không ai khác ngoài gia đình phù hợp hơn. Thế nên, chỉ cần nói với con rằng bé cứ thoải mái lựa chọn và quyết định, dù có chuyện gì xảy ra thì bố mẹ cũng sẽ đứng sau ủng hộ con.

4. Con có tò mò mọi người đã làm gì lúc rơi vào hoàn cảnh tương tự không

Khi rơi vào thế khó, hẳn bé sẽ rất muốn tìm ra cách giải quyết ổn thoả nhất. Sau khi bé khóc, mẹ có thể gợi ý, trò chuyện với con bằng câu hỏi "Con có muốn biết những người khác đã xử lý sự việc mà con đang gặp phải thế nào không". Chắc chắn là câu nói này sẽ thu hút con, làm con nín khóc và muốn biết đáp án là gì.

Trẻ đang chán nản mà nói Thôi đừng buồn nữa, nín đi con thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa - Ảnh 3.

Con sẽ hết buồn nhanh nếu được mẹ động viên. Ảnh minh họa.

Lúc này, mẹ có thể kể ra vài ba trường hợp và cách giải quyết để bé có thể lựa chọn. Hãy nói rõ ưu/nhược điểm của từng cách giải quyết để bé hiểu nếu chọn điều đó con sẽ phải đánh đổi những gì. Bằng cách này, con sẽ học được bài học nhân - quả trong cuộc sống.

5. Con có muốn cùng mẹ đi chơi riêng 1 ngày không?

Khi tâm trạng tồi tệ, đi chơi để giải toả stress là cách không tồi. Bạn có thể đưa bé đến bất cứ nơi nào con muốn như khu vui chơi giải trí, nhà sách… để con cảm thấy đỡ buồn hơn.

Khi được mẹ gợi ý như vậy hẳn bé sẽ không từ chối mà hạnh phúc đi cùng mẹ ngay. Sau một ngày vui chơi thoả thích, tâm trạng đã tốt lên và bình tĩnh hơn, con có thể bắt đầu suy nghĩ về cách giải quyết cho chuyện mà con đang vướng mắc. Tất nhiên, nếu cứ ôm mãi nỗi buồn trong lòng thì chẳng bao giờ giải quyết được khó khăn cả.

6. Im lặng và ôm lấy con

Nhiều khi một hành động có giá trị hơn vạn lời nói, đó chính là im lặng và ôm lấy bé. Bố mẹ hoàn toàn có thể để con khóc trong vòng tay mình để bé giải toả nỗi buồn.

Trẻ đang chán nản mà nói Thôi đừng buồn nữa, nín đi con thì không khác gì đổ thêm dầu vào lửa - Ảnh 4.

1 cái ôm hơn ngàn lời nói. Ảnh minh họa.

Nếu khó nói lời an ủi, và cũng không muốn mắng nhiếc con, bố mẹ và con cái hãy dành cho nhau những cái ôm, những khoảng lặng để bé bình tĩnh hơn. Không chỉ các bé mà đến người lớn cũng mong muốn có ai đó ôm an ủi vào lúc buồn đúng không nào.

Nếu bố mẹ nào cũng xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng, thông minh và khéo léo như thế, hẳn bé sẽ rất hạnh phúc, trong tương lai có cơ hội trở thành một người luôn vui vẻ, biết quan tâm đến người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày