Sau lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes 2023, bộ phim Jeanne Du Barry do Johnny Depp đóng chính gây chú ý khi được đông đảo khán giả trong rạp đứng vỗ tay ủng hộ trong hơn 7 phút. Ngôi sao Pirates of the Caribbean không kìm nèn được cảm xúc và rơi lệ trước tình cảm của mọi người.
Johnny Depp xúc động khi được vỗ tay tán thưởng hơn 7 phút tại Cannes 2023 (Video: Twitter)
Tuy nhiên, tràng pháo tay dài 7 phút của Johnny Depp còn quá khiêm tốn trong lịch sử LHP Cannes. Sự kiện điện ảnh đình đám của Pháp vốn nổi tiếng với những màn đứng vỗ tay kéo dài bằng thời lượng của cả một bộ phim ngắn. Đôi khi, những người không hiểu nét văn hóa truyền thống này của liên hoan phim thậm chí còn thấy kỳ cục. Dù nghệ sĩ có tự hào với tác phẩm của mình đến đâu, việc đứng nghe khán giả reo hò, tán thưởng hơn 20 phút cũng khiến họ không khỏi ái ngại.
Màn đứng vỗ tay dài nhất được ghi nhận trong lịch sử Liên hoan phim Cannes là tại buổi công chiếu Pan's Labyrinth năm 2006. Bộ phim do đạo diễn Guillermo del Toro thực hiện. Ông là một trong những tượng đài của điện ảnh đương đại, đứng sau thành công của nhiều tác phẩm như Pacific Rim, Hellboy, The Shape of Water...
Pan's Labyrinth - bộ phim giữ kỷ lục với tràng pháo tay dài hơn 22 phút tại LHP Cannes
Theo các nhà phê bình, độ dài của màn vỗ tay đôi khi không tỷ lệ thuận với chất lượng của tác phẩm. Đa phần khán giả tại các buổi công chiếu ở liên hoan phim là đồng nghiệp và bạn bè của ekip. Tuy nhiên, chất lượng của Pan's Labyrinth được đánh giá xứng đáng với màn tán thưởng có phần được làm quá đó.
Kịch bản Pan's Labyrinth lấy bối cảnh Tây Ban Nha thập niên 1940, theo chân cô gái trẻ Ofelia (Ivana Baquero đóng) - người sau này phát hiện ra mình là công chúa của thế giới ngầm bị mắc kẹt ở thế giới loài người. Cô phải trải qua những thử thách của Thần Nông để đạt được sự bất tử và trở lại quê hương thật sự của mình.
Đạo diễn Guillermo del Toro.
Dù thuộc thể loại cổ tích - viễn tưởng, Pan's Labyrinth không phải câu chuyện dành cho trẻ em. Đằng sau lớp áo ngoài màu nhiệm, bộ phim còn là một tác phẩm điện ảnh ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc và nhân văn. Câu chuyện được kể song song giữa hai thế giới hiện thực và thế giới ngầm, tạo cảm giác đan cài giữa các chi tiết thực và mộng. Bối cảnh phim chọn trùng thời điểm với cuộc nội chiến của Tây Ban Nha, nơi cô bé ngây thơ Ofelia rơi vào chuỗi tháng ngày đau khổ khi chuyển đến sống cùng gã cha dượng thuộc phe phát xít. Trong khi đó, ở thế giới của người chết, nữ chính của chúng ta cũng phải đối diện những sinh vật kỳ quái, độc ác không kém.
Yếu tố thần thoại trong phim là chất liệu giúp Guillermo del Toro miêu tả hiện thực trần trụi, phũ phàng một cách thú vị. Qua đó, nhà làm phim muốn nói lên một điều rằng chỉ có tình yêu thương giữa con người với nhau mới có thể giúp cho thế giới - dù ảo hay thật - trở nên tươi sáng hơn.
Khâu hình ảnh cũng là điểm sáng của phim. Đạo diễn chọn ngôn ngữ điện ảnh đậm chất ma mị, ảnh hưởng nhiều từ các tác phẩm kinh dị. Tạo hình các nhân vật đến từ thế giới ngầm trong phim thậm chí có thể khiến những khán giả nhí òa khóc, mất ngủ khi xem. Ekip thực sự đầu tư chất xám cho phần nhìn để tạo nên những thước phim mang đậm phong cách của Guillermo del Toro.
Những quái vật kỳ quái trong Pan's Labyrinth
Lập kỷ lục với tràng pháo tay dài nhất tại Liên hoan phim Cannes, Pan's Labyrinth không thể chiến thắng Cành Cọ Vàng - giải thưởng quan trọng nhất của sự kiện năm đó. Tuy nhiên, tác phẩm sau đó được bù đắp với ba giải Oscar ở các hạng mục Chỉ đạo nghệ thuật, Quay phim và Trang điểm. Những thành tích này cũng giúp Pan's Labyrinth kiếm hơn 37 triệu USD tại Mỹ và 83,9 triệu USD toàn cầu - một thành tích đáng nể của dòng phim nghệ thuật.
Nguồn ảnh: IMDb