Chi tiêu hợp lý là chuyện không đơn giản với các bạn trẻ. Thay vì lập kế hoạch dành dụm, tích cóp, một số người chọn tiêu xài tùy ý để chiều theo cảm xúc cá nhân. Cũng vì thế, nhiều bạn trẻ kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, sau đó phải tìm cách thay đổi cách bản thân quản lý tài chính.
Thường xuyên rơi vào tình cảnh “bội chi" là cô nàng Minh Vân (24 tuổi, nhân viên văn phòng). Với tâm lý “càng kiếm nhiều lại càng chi nhiều”, Vân luôn tiêu hết sạch tiền trong tài khoản trước khi đến kỳ lĩnh lương mới. Dù với mức lương cũ là 6 triệu đồng hay lương mới lên đến 15-18 triệu đồng/tháng, cô nàng cũng không để dành được khoản tiết kiệm nào cho các dự định tương lai.
“Sau khi chuyển công ty mới, tiền lương của mình tăng thêm 9-13 triệu đồng/tháng. 1/3 số tiền này được mình chi cho việc ăn với công ty và di chuyển bằng xe công nghệ. Số tiền còn lại là cho các chuyến du lịch ngắn ngày và chi tiêu sau những ngày làm việc căng thẳng. Đôi khi nhìn lại app quản lý thu chi mỗi tháng, mình giật mình vì không biết tiền lương chuyển hết đi đâu", Minh Vân nói.
Ảnh minh họa
Tăng tiền lương gấp 3 lần chỉ trong hơn nửa năm, Minh Vân đã phải đánh đổi rất nhiều để có được vị trí công việc hiện tại. Chuỗi ngày làm việc không ngừng nghỉ, đi kèm với sức khoẻ yếu từ trước đã khiến Vân từng phải nhập viện điều trị vì bệnh dạ dày. Cũng vì thế, bên cạnh các khoản chi phí sinh hoạt, hiện tại Vân vẫn dành thêm 1-2 triệu đồng để mua thực phẩm bồi bổ và thuốc uống.
Vân tâm sự: “Để sức khoẻ được cải thiện, mình được bác sĩ yêu cầu phải uống thuốc điều độ, tuân thủ một số nguyên tắc trong ăn uống như hạn chế ăn ngoài, thỉnh thoảng nấu món ăn nhiều dinh dưỡng… Thời điểm mình chi nhiều tiền nhất cho căn bệnh này là những đợt nhập viện, tổng tiền mua thuốc và chi phí khám chữa đã tiêu hết sạch hơn một tháng lương", Vân bày tỏ. Sau trải nghiệm "nhớ đời" này, cô nàng đã thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm thiểu các chi phí không cần thiết để cải thiện tình hình tài chính.
Hồng Ngọc (26 tuổi) nhớ lại vào tháng 1/2023, cô nàng được cấp thẻ tín dụng hạn mức 50 triệu. Vốn là người không biết kiểm soát tài chính lại còn nắm trong tay thẻ tín dụng, cô nàng vô tư mua sắm mà không nghĩ quá nhiều đến hậu quả.
“Mình đã quẹt hết khoảng 9,5 triệu đồng trong tháng đầu tiên dùng thẻ tín dụng, chủ yếu là đi làm tóc với sắm đồ diện Tết. Đến khoảng tháng 5/2023, bắt đầu vào đợt du lịch hè, mình lại dùng tiền trong thẻ tín dụng để đặt vé máy bay, phòng khách sạn. Đi chơi được một chuyến Phú Quốc, một chuyến Phú Yên thì mình tiêu sạch hạn mức thẻ tín dụng” , Ngọc kể lại.
Ảnh minh họa
Khoản nợ 50 triệu treo trên đầu Ngọc kể từ tháng 8/2023. Dù luôn tự nhủ với bản thân rằng tháng này cố chuyển 5 triệu vào thẻ tín dụng, không động vào nữa, nhưng phải tới tháng 3/2024, Ngọc mới thực sự làm được việc đó.
“Mình cứ trả thẻ rồi đến tầm 25-26 hàng tháng lại tiêu lẹm vào. Từ tháng 9/2023, mình đã tự nhủ cố trả thẻ 5 triệu mỗi tháng, 10 tháng là xong nhưng tháng 3 vừa rồi là tháng đầu tiên mình không động vào 5 triệu ấy. Giờ nghĩ lại, ngoài 2 chuyến du lịch, mình không thể nhớ nổi mình đã đốt tiền vào việc gì nữa.
Cứ chán chán là lại mua cái này cái kia, đi ăn uống, đi chơi. Cứ lắt nhắt vậy mà hết cả lương, hết cả 50 triệu trong thẻ tín dụng, chẳng có gì thành tấm thành món. Lúc thẻ vẫn còn hạn mức, mình thậm chí còn nghĩ là phải tiêu tiền mới có động lực kiếm tiền” , Ngọc kể và thừa nhận cái sai của mình là nuông chiều bản thân không phải lối.
Minh Châu (26 tuổi) nhớ lại, thời điểm mới bước chân vào đại học, cô nàng có khoản tiêu xài dư dả hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nhờ tiền bố mẹ chu cấp và đi làm thêm từ sớm. Thế nhưng, tất cả số tiền đó đều bị cô nàng tiêu xài một vô cách vô tội vạ, nào là mua sắm đủ thứ linh tinh, ăn uống cùng bạn bè, chi tiêu cho mỹ phẩm, sách báo,..
Và cái giá phải trả cho những lần vung tay quá trán này của Minh Châu là khá đắt. Cô nàng nhớ lại: "Cho đến khi rơi vào hoàn cảnh không còn xu dính túi, mình mới tỉnh ngộ. Lúc có nhiều tiền thì chả bao giờ nghĩ đến việc đi học thứ gì đó, nhưng khi hết tiền lại nảy sinh bao ý tưởng học đàn rồi học vẽ. Thế là mình đã vay tiền để học, và rồi sau đó phải còng lưng mà trả nợ. Trong lúc đang hết tiền, mình lại dính phải một cơn ốm dai dẳng, nhưng không có tiền mua thuốc chỉ vì nghèo".
Cho đến nay, những bài học đắt giá đã khiến khiến Châu trân trọng đồng tiền hơn bao giờ hết: "Để giờ đây, mỗi đồng tiền mình kiếm được đều trở nên đáng quý. Và mình tâm niệm rằng, tiêu đồng nào là phải đáng giá đồng ấy", cô nàng tâm sự.