Than không có tiền tiết kiệm nhưng nghe tới cách chi tiêu, ai cũng phải thở dài: “Thế này có dư được mới lạ”

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 11:27 10/02/2025
Chia sẻ

Muốn sống hưởng thụ, không muốn cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn muốn dư dả tiền tiết kiệm, nhiều người đồng tình đây là điều không thể.

Không tiết kiệm được tiền vì đang phải tập trung lo cho cha mẹ, hoặc trả nợ xây nhà, đi học lên cao,... đây là điều dễ hiểu, không có gì đáng trách, cần phải tranh luận hay bàn cãi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có những lý do chính đáng cho việc chưa tiết kiệm được tiền. 2 gia đình dưới đây, tiếc thay, lại thuộc trường hợp này.

Dư bao nhiêu cũng dùng để đi du lịch, thu nhập 90 triệu/tháng vẫn "vay" thêm 30 triệu mới đủ tiêu

Điểm chung của 2 gia đình này là đều chưa có tiền tiết kiệm. Nhưng lý do dẫn tới tình cảnh ấy lại có phần khác nhau.

Chưa có nhà riêng, đang ở nhờ nhà bố mẹ, một năm để dành được 50 triệu nhưng đều dùng để đi du lịch trong nước và nước ngoài. Ở độ tuổi U40, đã có con, nhưng cặp vợ chồng này hiện vẫn còn đang băn khoăn giữa việc tiếp tục sống có phần hưởng thụ, hay nên vun vén lại chi tiêu để bắt đầu tiết kiệm.

Than không có tiền tiết kiệm nhưng nghe tới cách chi tiêu, ai cũng phải thở dài: “Thế này có dư được mới lạ”- Ảnh 1.

Mỗi tháng, vợ chồng U40 này tiết kiệm được khoảng 4,5 triệu nhưng số tiền này đều được dùng để đi du lịch hết. Tựu trung lại, vẫn là không tiết kiệm được đồng nào

Còn gia đình dưới đây thì khác, thu nhập của cả 2 vợ chồng khá tốt, trung bình 90 triệu/tháng nhưng không tháng nào đủ tiêu, mà đều phải "bào" thêm 30 triệu từ thẻ tín dụng nữa mới hòm hòm.

Than không có tiền tiết kiệm nhưng nghe tới cách chi tiêu, ai cũng phải thở dài: “Thế này có dư được mới lạ”- Ảnh 2.

“Tháng nào cũng phải dùng thẻ tín dụng 20-30 triệu, riêng Tết tiêu nhiều thì dùng 50-70 triệu”

Trong phần bình luận của 2 cô vợ này, phần lớn mọi người đều thở dài, cho rằng dù sao đã có con, không tiết kiệm cho tương lai về già của bản thân thì cũng nên tiết kiệm cho con. Chưa kể, dù cách chi tiêu của 2 gia đình này có phần khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng nhất là cả 2 đều xem nhẹ tầm quan trọng của tiền tiết kiệm. Tiêu hết tiền kiếm được đã là không nên, đằng này, còn nợ thêm thẻ tín dụng…

"Chưa bàn đến chuyện mua nhà hay sắm được tài sản của riêng mình, chi tiêu thế này không biết đến lúc chẳng may vợ chồng, con cái hoặc bố mẹ ốm đau cần tiền chữa trị thì lấy đâu ra nhỉ? Lúc ấy lại đi vay à? Vay không được thì sao? Chẳng lẽ có con rồi mà không nghĩ tới những trường hợp như vậy hay sao?" - Một người thắc mắc.

"Chi tiêu thế này thì dư dả được mới lạ. Thu nhập 2 vợ chồng có 17 triệu/tháng mà 1 năm vẫn chi 50 triệu đi du lịch, cũng đáng nể về độ chịu chơi" - Một người chia sẻ nửa đùa nửa thật.

"Mỗi nhà, mỗi người có 1 quan điểm khác nhau. Muốn sống hưởng thụ hoặc ưu tiên sống hưởng thụ thì chấp nhận không có tài sản lớn, ít tiền tiết kiệm. Ngược lại, muốn có tiền tiết kiệm và có tài sản thì phải chấp nhận sống khổ so với kỳ vọng sung sướng của bản thân. Chứ gì cũng muốn trong khi thu nhập có hạn thì khó lắm, sao mà được" - Một người bày tỏ.

Làm sao để cân bằng giữa việc sống hưởng thụ và tiết kiệm, tích lũy cho tương lai?

Có làm thì cũng nên có chơi, hay nói cách khác chính là hưởng thụ. Chúng ta đều là con người, không phải một cỗ máy vô tri vô giác, có thể làm quần quật quanh năm suốt tháng mà không biết mệt. Tuy nhiên, để việc hưởng thụ không đi quá xa, đến mức kiếm bao nhiêu tiêu hết chừng ấy, thậm chí là nợ nần, bạn nên tham khảo 3 gợi ý dưới đây.

1 - Lập quỹ chi tiêu hưởng thụ

Nếu bạn chưa biết: Theo quy tắc 6 chiếc lọ - Một quy tắc "kinh điển" trong quản lý tài chính cá nhân, quỹ hưởng thụ chính là 1 trong 6 chiếc lọ mà mỗi người cần chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hưởng thụ là hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng bài trừ nếu đảm bảo được sự cân bằng với 5 chiếc lọ còn lại.

Than không có tiền tiết kiệm nhưng nghe tới cách chi tiêu, ai cũng phải thở dài: “Thế này có dư được mới lạ”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo T. Harv Eker, bạn có thể trích 10% thu nhập mỗi tháng để xây dựng quỹ hưởng thụ, dành cho những khoản chi tiêu giải trí mua sắm, đi du lịch.

5 "chiếc hũ" còn lại lần lượt là: Hũ nhu cầu thiết yếu (55% tổng thu nhập), hũ tiết kiệm dài hạn (10% tổng thu nhập), hũ tự do tài chính (10% tổng thu nhập), hũ giáo dục (10% tổng thu nhập), hũ từ thiện (5% tổng thu nhập).

2 - Đặt giới hạn, tiêu chí cho việc hưởng thụ

Nếu không quản lý tài chính theo quy tắc 6 chiếc lọ phía trên, bạn vẫn có thể vừa tiết kiệm, vừa duy trì ngân sách cho việc hưởng thụ bằng cách đặt ra những tiêu chí cho việc này, thay vì cứ hứng lên là móc hầu bao.

Ví dụ đơn cử như đam mê đi du lịch, bạn có thể coi nó là phần thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành 1 mục tiêu lớn trong cuộc sống như thành công tăng thu nhập, được thăng chức,... Làm như vậy, vừa có động lực phấn đấu làm việc, kiếm tiền; vừa không lo chi tiêu quá tay, thành ra rỗng túi.

3 - Tránh xa thẻ tín dụng nếu chưa biết cách quản lý tài chính

Nếu biết cách sử dụng và có kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, việc dùng thẻ tín dụng có thể giúp bạn tiết kiệm được phần nào, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và sự kỷ luật khi dùng thẻ tín dụng, nên mới có trường hợp nợ nần vì quẹt thẻ không kiểm soát.

Trong trường hợp bạn chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, hoặc chưa tự tin khẳng định mình có mức thu nhập đủ sống, tốt nhất hãy tránh xa thẻ tín dụng. Vì bản chất, thẻ tín dụng là hình thức tiêu trước, trả sau; hạn mức thẻ tín dụng thương cao gấp 5-10 lần thu nhập hàng tháng, nên rất dễ tạo ra ảo tưởng dư dả.

Tiêu không có giới hạn, không biết tính toán, nợ nần là điều rất dễ xảy ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày