Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, một cô vợ đã đăng tải bức ảnh chi tiêu hàng tháng của gia đình, kèm theo thắc mắc “như vậy liệu đã ổn hay chưa?”.
“Mình là giáo viên tiểu học, thu nhập sau khi trừ bảo hiểm thì còn khoảng hơn 8 triệu/tháng. Chồng mình làm nhà nước, thu nhập cố định 8 triệu/tháng. Chồng mình sức khỏe yếu nên không thể làm thêm. Mình thì trước có dạy kèm thêm, cũng được khoảng 7-10 triệu/tháng, nhưng 2 tháng gần đây mình đã nghỉ dạy thêm.
Hiện tại, vợ chồng mình đã có nhà. Mua đất, xây nhà tổng cộng gần 1,2 tỷ. Đến giờ đã trả được một nửa số nợ. Mình ở vùng quê nên giá nhà đất không cao như ở các thành phố lớn. Mình cũng may mắn mua được đất lúc giá chưa lên.
Mình có 2 vấn đề mong mọi người cho lời khuyên.
Thứ nhất, mình muốn hỏi kế hoạch chi tiêu như vậy đã hợp lý chưa? Còn khoản nào có thể cắt giảm hay không?
Thứ hai, nếu hợp lý rồi thì mình vẫn còn hụt 4 triệu/tháng, vì lương chồng mình đã trả nợ nhà gần hết, nên không thể phụ thêm mình, thậm chí mình còn phụ thêm 2 triệu/tháng để trả nợ ngân hàng. Liệu có việc gì làm thêm bán thời gian để mình có thể tăng thu nhập tốt hơn mà vẫn đảm bảo thời gian chăm lo gia đình?” - Cô viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều phải trầm trồ vì bảng chi tiêu này quả thực đã gần như hoàn hảo, không có gì để chê. Với mức thu nhập 16 triệu/tháng, nuôi 2 con đang tuổi ăn học mà có thể gói gọn chi tiêu như vậy, chuyện này không phải ai cũng làm được.
“Ôi quá khéo rồi mom ạ, không nên cắt giảm thêm gì nữa đâu để còn đảm bảo chất lượng cuộc sống, đặc biệt là cho các con. Giờ cố gắng tăng thu nhập nữa là ổn, chúc mom sớm tìm thêm được công việc phù hợp” - Một người cảm thán.
“Nhà 2 người lớn, 2 trẻ con mà tiền ăn hàng tháng có 4 triệu bao gồm cả sữa thì đỉnh quá, có thể do ở quê mọi thứ rẻ hơn chăng? Nếu được thì cắt giảm bớt khoản vui chơi, giao lưu để tăng tiền ăn mom à, còn lại thì khéo quá rồi không biết khuyên gì nữa” - Một người khác bày tỏ.
Có nhiều lý do để một người chưa thể được tăng lương, hoặc thăng tiến ở chính công ty họ đang gắn bó, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bản thân họ không thể tăng thu nhập. Vì ngoài công việc chính, chúng ta vẫn có thể làm thêm những công việc khác để đa dạng hóa nguồn thu.
Năm nay, nếu bạn đang đặt mục tiêu có nhiều hơn 1 nguồn thu nhập, phải nhớ lấy 3 điều này.
1 - Phải có ngoại ngữ và kỹ năng mềm
Ở Việt Nam nhưng làm việc từ xa cho công ty nước ngoài là một trong những cách kiếm tiền của không ít dân văn phòng hiện nay. Và để làm được điều đó, giỏi ngoại ngữ là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, ngoài kỹ năng chuyên môn, việc có kỹ năng mềm - là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán,... cũng rất quan trọng. Tất cả đều phục vụ mục đích kiếm được việc lương cao và chứng minh năng lực làm việc của bản thân.
2 - Không ngừng học hỏi, không ngại nâng cấp “cần câu cơm”
Tùy vào lĩnh vực bạn đang theo đuổi mà việc nâng cấp dụng cụ làm việc có thể là cần thiết, hoặc không. Tuy nhiên, việc nâng cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng phụ liên quan, là điều bắt buộc nếu muốn có mức thu nhập cao. Lĩnh vực nào cũng vậy.
Người thành công tìm được “job phụ” có mức lương tốt và thành công duy trì công việc ấy, hay nói chung, là duy trì mức thu nhập cao ổn định chính là người không đi chậm hơn sự phát triển của xã hội, của ngành nghề mà họ đang theo đuổi.
3 - Phải chấp nhận sự vất vả
Mọi lựa chọn đều là sự đánh đổi. Muốn có thu nhập cao, phải chấp nhận bớt thời gian vui chơi, đôi khi là “bận bù đầu” đến mức thiếu ngủ. Ngược lại, muốn có thời gian rong chơi, trải nghiệm khám phá cuộc sống, đồng nghĩa với giảm thời gian làm việc, bạn phải chấp nhận mức thu nhập không vượt trội so với mặt bằng chung.
Quyết định ra sao, lựa chọn thế nào, đương nhiên là tùy người, tùy hoàn cảnh. Chỉ có 1 điều chắc chắn: Không bao giờ có công việc hợp pháp nào “việc nhẹ, lương cao”!