Sáng ngày 28/10/2015, anh Lý ở Giang Tô, Trung Quốc, gửi tiết kiệm 640.000 NDT (hơn 2,2 tỷ đồng) qua app ngân hàng. Đến 11h trưa cùng ngày, khi đang ăn trưa ở nhà, anh Lý nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo tài khoản đã bị trừ hơn 199.000 NDT (hơn 691 triệu đồng). Trước khi người đàn ông này kịp phản ứng, một tin nhắn khác lại được gửi đến và hơn 199.000 NDT nữa tiếp tục được khấu trừ. Chỉ trong tích tắc, anh Lý đã mất gần 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng) mà không rõ lý do.
Để làm rõ mọi chuyện, người đàn ông này ngay lập tức gọi đến ngân hàng và yêu cầu họ tạm thời đóng băng tài khoản. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cho biết: "Chúng tôi không có quyền đóng băng tài khoản của anh. Anh nên mang giấy tờ đến trực tiếp ngân hàng để giải quyết".
Anh Lý lo lắng số tiền còn lại sẽ tiếp tục biến mất nên đã vội lái xe đến ngân hàng. Tuy nhiên, trong suốt 15 phút lái xe này, anh lại tiếp tục nhận thêm 3 tin nhắn trừ tiền khác. Cứ như thế, số tiền tiết kiệm 640.000 NDT của anh chỉ còn lại 19 NDT (hơn 65.000 đồng).
Vừa đến ngân hàng, anh Lý tức giận yêu cầu nhân viên giao dịch cho kiểm tra sao kê. Tuy nhiên, nhân viên giao dịch trả lời một cách hờ hững rằng họ không thể tìm thấy thông tin chi tiết về người nhận số tiền trên. Không những vậy, khi người đàn ông này yêu cầu ngân hàng giải thích lý do 640.000 NDT tiền gửi của mình biến mất, nhân viên ngân hàng đã thẳng thừng tuyên bố:
"Việc này không liên quan gì đến ngân hàng chúng tôi. Khoản tiền gửi của anh được rút thông qua giao dịch của bên thứ ba, chúng tôi thực sự không thể tìm ra thông tin của họ. Nếu cần, anh có thể nhờ cảnh sát địa phương trợ giúp.”
Sau khi ra khỏi ngân hàng, anh Lý đã đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo vụ việc. Trong khi chờ cảnh sát điều tra vụ án, người đàn ông này tiếp tục quay trở lại ngân hàng để đòi bồi thường. Theo anh Lý, ngân hàng với tư cách là một đơn vị tài chính có nghĩa vụ bảo vệ tài khoản của khách hàng. Việc tiền gửi của anh biến mất không rõ lý do chứng tỏ ngân hàng có lỗ hổng trong quản lý nên phải bồi thường cho anh số tiền đã mất.
Tuy nhiên, ngân hàng cho biết họ cũng là nạn nhân trong vụ việc này. Theo phía ngân hàng, hoạt động rút tiền xảy ra với tài khoản của anh Lý là bình thường và hợp lý. Họ cho rằng thông tin cá nhân của anh đã bị một bên thứ 3 phát hiện dẫn đến việc tiền gửi bị đánh cắp.
“Chuyện này thực sự không liên quan gì đến chúng tôi”, đại diện ngân hàng cho biết.
Anh Lý không đồng tình với tuyên bố của ngân hàng. Anh cho biết bản thân luôn mang theo thẻ ngân hàng và chưa bao giờ tiết lộ thông tin cho ai hết nên lý do mà ngân hàng đưa ra không hợp lý. Dẫu vậy, dù anh Lý có cố gắng thế nào thì ngân hàng vẫn không chịu trách nhiệm. Trong cơn tức giận, người đàn ông này đã quyết định kiện ngân hàng ra tòa và yêu cầu bồi thường. Không ngờ ngay lúc đó, anh Lý cũng nhận được tin phía cảnh sát đã bắt được kẻ “ăn trộm” tiền của anh.
Theo đó, khi điều tra, cảnh sát đã phát hiện nguyên nhân anh Lý mất tiền không phải lỗi do ngân hàng mà đến từ việc người đàn ông này đã từng thanh toán tiền bằng máy POS ở một đại lý bán vật liệu xây dựng ở trên địa bàn. Cảnh sát cho biết máy POS tại đại lý này đã bị bọn tội phạm tác động để đánh cắp thông tin người dùng thẻ ngân hàng và anh Lý chính là một trong những nạn nhân của bọn chúng.
Lần theo manh mối, những đối tượng trong đường dây tội phạm này đã bị cảnh sát tóm gọn. Tuy nhiên, số tiền của anh Lý đã bị bọn chúng tiêu hết và những đối tượng này không có khả năng trả lại tiền cho anh. Đường cùng, anh Lý quyết định kiện ngân hàng ra tòa để yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại cho mình.
Tại tòa, người đàn ông này cho biết ngay khi phát hiện tiền trong tài khoản lần lượt bị trừ, anh đã gọi điện ngay đến ngân hàng để xin đóng băng tài khoản nhưng đơn vị này không giải quyết dẫn đến việc tiền trong tài khoản bị kẻ xấu rút hết. Trong vụ việc này, anh Lý tin rằng nếu ngân hàng có thể đóng băng tài khoản kịp thời, tiền của anh đã không bị mất hết.
Tuy nhiên, đại diện ngân hàng phản bác rằng sự chậm trễ đến từ sự nhầm lẫn của anh Lý. Hoá ra, vào ngày xảy ra vụ việc, anh Lý đã gọi điện đến ngân hàng để xin đóng băng tài khoản. Thế nhưng có lẽ vì quá vội, người đàn ông này đã không gọi điện trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng mà lại gọi đến số điện thoại của một phòng ban khác. Đơn vị này không có thẩm quyền xử yêu cầu đóng băng tài khoản ngân hàng nên chỉ có thể đề nghị anh Lý đến quầy giao dịch ngân hàng để xử lý.
Dù lời giải thích mà phía ngân hàng đưa ra là hợp lý nhưng toà án cho rằng trong vụ việc này, ngân hàng cũng phải chịu trách nghiệm khi không thể bảo vệ được tài sản cho khách hàng. Cuối cùng, toà án ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải bồi thường cho anh Lý số tiền 640.000 NDT và trả lãi suất tương ứng. Ngân hàng sau đó đã kháng cáo lên toà án cấp cao nhưng đơn kháng cáo đã bị bác bỏ. Sau nửa năm vật lộn, cuối cùng anh Lý cũng lấy lại được toàn bộ số tiền đã mất.
Theo Toutiao