Tình hình bất ổn của cô vợ kiếm 30 triệu/tháng, coi chồng như người dưng cùng nhà

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 17:17 07/07/2025
Chia sẻ

Hóa ra hôn nhân có thể nặng nề đến mức này vì chuyện tiền bạc…

Vợ chồng bất đồng quan điểm trong chuyện chi tiêu vốn không phải chuyện lạ, nhưng không thể tìm tiếng nói chung đến mức coi nhau như người lạ chung nhà, quả thực lại là chuyện hiếm.

Cô vợ trong câu chuyện dưới đây tiếc thay lại là một trường hợp như vậy. Đọc những lời giãi bày của cô, không ít người phải tò mò: Không rõ cô ấy phải bế tắc, tuyệt vọng đến nhường nào mà lại coi chồng như người dưng cùng nhà…

Sống chung nhà, có chung con nhưng chồng “thỉnh thoảng phụ ít tiền tã sữa”

Nguyên văn tâm sự của cô vợ như sau: “Mình thu nhập khoảng 14-30 triệu tùy tháng. Chồng thu nhập bao nhiêu thì mình cũng không biết, hỏi không nói.

Tình hình bất ổn của cô vợ kiếm 30 triệu/tháng, coi chồng như người dưng cùng nhà- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hàng tháng, chồng trả tiền thuê nhà điện nước hết khoảng 5 triệu. Thi thoảng mới phụ 1 ít tiền tã sữa cho con. Ăn uống thì mỗi người tự lo, chi phí cho con thì mình lo hết (tiêm phòng, thuốc men, ăn uống, quần áo,...).

Trước đây chồng có mượn tiền mình nhiều lần, tới giờ tổng cộng cũng hơn 50 triệu nhưng không chịu trả mà mỗi lần mình đòi thì anh thì gây lộn. Mình muốn nhà cửa êm ấm nên cũng nhịn. Nhưng thực sự mình không cảm nhận được tình cảm gia đình, nhiều lần mình muốn nói chuyện nghiêm túc nhưng anh toàn lảng tránh. Dần dần cảm thấy như người dưng. Thực sự mình cảm thấy cô đơn, buồn và thất vọng…”.

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên. Vợ chồng có thể bất đồng nhiều chuyện nhưng đến mức vợ không biết chồng kiếm được bao nhiêu, có con rồi mà tiền ăn của ai người ấy tự lo, chồng thi thoảng mới phụ vợ chi phí cho con thì đúng là “hiếm có khó tìm”.

“Thực sự không khác gì người dưng ở với nhau… Cũng không phải muốn bàn lùi nhưng chồng bạn có vẻ không hợp tác trong việc xây dựng gia đình nên cũng chẳng biết khuyên thế nào. Giấu vợ thu nhập cũng được nhưng ít nhất cũng phải cố lo cho con chứ, đóng được tiền nhà tưởng là hết trách nhiệm hay sao? Chán thật” - Một người thở dài.

“Chồng bạn sai là chắc chắn nhưng bạn cũng hơi dại khi cho chồng vay tiền. Vợ chồng tình cảm, đồng lòng thì không nói chứ đằng này, chồng đã bo bo bom bỏm mà còn cho vay tiền thì cứ xác định là mất 50 triệu để hiểu rõ lòng người. Hơi tiếc nhưng cũng không phải cái giá quá đắt, sai thì mình làm lại. Chúc 2 mẹ con vững tâm nhé” - Một người khác động viên.

“Nếu bạn vẫn còn muốn ở với chồng để xây dựng gia đình thì mình khuyên thật là hai vợ chồng ăn chung, chung tiền lo chi phí cơ bản. Gộp tiền nhà, điện nước, tiền ăn và tiền nuôi con lại rồi chia đôi là ra tiền mỗi người phải đóng. Chứ vợ chồng mà cái gì cũng riêng rẽ thế kia thì làm sao mà lâu dài với nhau được” - Một người thẳng thắn nhận định.

2 khoản tiền bắt buộc phải "chung" trong hôn nhân

Vợ chồng không nhất thiết phải quy hết tiền về 1 mối nhưng bắt buộc phải có quỹ chi tiêu chung và quỹ tiết kiệm chung, vì sao?

1 - Cùng chịu trách nhiệm với cuộc sống chung

Cuộc sống gia đình có rất nhiều khoản chi cố định như tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, chi phí nuôi con,… Nếu không có quỹ chi tiêu chung, cứ mạnh ai người đó tiêu, lâu dần sẽ gây ra mâu thuẫn, cảm giác bất công, thiếu sự chia sẻ.

Tình hình bất ổn của cô vợ kiếm 30 triệu/tháng, coi chồng như người dưng cùng nhà- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Có quỹ chi tiêu chung giúp cả hai cùng biết rõ gia đình đang tiêu bao nhiêu và tiêu vào những việc gì, từ đó mỗi người chủ động đóng góp theo khả năng. Không ai cảm thấy phải gồng gánh một mình, không ai cảm thấy bất công hay thiếu sự tin tưởng. Quỹ chi tiêu chung cần thiết vì lẽ đó.

Chưa kể, khi cùng nhau xây dựng và đóng góp vào quỹ chi tiêu chung, quỹ tiết kiệm chung, vợ chồng không chỉ góp tiền mà còn góp ý tưởng, góp niềm tin và góp sự đồng lòng.

Việc cùng theo dõi chi tiêu, cùng bàn bạc chuyện tiết kiệm cho mục tiêu nào đó (du lịch, học phí con, mua nhà) sẽ khiến cả hai cảm thấy mình đang cùng nhìn về một hướng. Điều này khác biệt rất lớn so với kiểu sống ai lo phần nấy, nghe thì rạch ròi nhưng lâu dài dễ khiến hai người trở thành… bạn cùng phòng hơn là vợ chồng.

2 - Dễ lập kế hoạch cho tương lai

Một gia đình khỏe mạnh về tài chính sẽ có kế hoạch rõ ràng: Khi nào mua nhà, lúc nào mua xe,... Nếu không có quỹ tiết kiệm chung, mỗi người tiết kiệm một kiểu, rất khó để đạt được những mục tiêu chung trong tương lai.

Tình hình bất ổn của cô vợ kiếm 30 triệu/tháng, coi chồng như người dưng cùng nhà- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Quỹ tiết kiệm chung cho phép vợ chồng có cái nhìn tổng thể về số tiền tích lũy, chủ động phân bổ cho các kế hoạch lớn và cần sự dài hơi. Thay vì mỗi người tự lo quỹ riêng, việc gom một phần vào quỹ chung sẽ khiến kế hoạch chung có cơ sở để triển khai một cách thực tế chứ không chỉ dừng lại ở... trong mơ hay những hơi thở dài.

3 - Giảm rủi ro khi có biến cố tài chính

Cuộc sống chẳng ai nói trước được điều gì: Bệnh tật, thất nghiệp, biến động kinh tế… đều có thể xảy đến bất ngờ. Khi có quỹ tiết kiệm chung, cả hai có thể chủ động ứng phó kịp thời mà không phải rơi vào thế bị động hay trông chờ vào lòng tốt của người còn lại.

Ngược lại, nếu mỗi người giữ riêng tiền chi tiêu, tiền tiết kiệm và mỗi người chi tiêu một kiểu mà có biến cố xảy ra, khả năng thích ứng sẽ giảm đi đáng kể. Điều này dễ gây tổn thương, đặc biệt trong lúc khó khăn. Có một quỹ chung nghĩa là cả hai đã cam kết khi có biến cố, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua, không để ai phải một mình gánh chịu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày