Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó. Việc chúng ta đi làm kiếm tiền cũng vậy. Hiếm ai có được mức thu nhập đáng mơ ước với công việc đầu tiên, phần lớn đều bắt đầu đi lên từ việc làm thực tập sinh với mức hỗ trợ ít ỏi.
Vấn đề chính là có người đi làm 3-5 năm và thành công tăng thu nhập gấp 4-5 lần so với thời chân ướt, chân ráo bước vào thị trường lao động. Nhưng cũng có người đi làm chừng đó thời gian, mà thu nhập vẫn chỉ ở mức lẹt đẹt chưa được tới 8 con số hàng tháng.
Ảnh minh họa
Lương thấp không phải cái tội, cũng không phải điều gì đáng chê trách nhưng cứ để lương thấp mãi theo thời gian, câu chuyện sẽ rất khác. Chúng ta đều già đi mỗi năm, mà thu nhập mãi "không chịu lớn", chẳng phải điều quá vô lý hay sao?
Chắc chắn chẳng ai muốn mình sống mãi với mức thu nhập thấp. Rất nhiều người muốn tăng lương, muốn giàu lên nhưng điều nghịch lý là họ chẳng làm gì cả. Nói cách khác, tất cả những gì họ làm là... ngồi yên và sợ đủ thứ trên đời, nên mãi chẳng dám bắt tay vào thực hiện bất kỳ điều gì.
Không ít người lương thấp thường sống trong tâm thế "tiền là thứ không được phép mất". Họ cân nhắc từng khoản chi, đắn đo khi mua một cuốn sách, một khóa học, một công cụ làm việc tốt hơn… chỉ vì sợ bỏ tiền ra mà không thu lại được gì. Với họ, giữ được tiền là ưu tiên hàng đầu, còn chuyện đầu tư cho tương lai thì... từ từ tính.
Nhưng chính tư duy này khiến họ mãi đứng yên. Không đầu tư học kỹ năng mới thì sao xin được công việc tốt hơn? Không bỏ tiền nâng cấp công cụ làm việc thì làm sao tăng năng suất? Không dám thử làm gì khác ngoài công việc hiện tại thì sao có thêm nguồn thu nhập?
Ảnh minh họa
Người lương thấp thường nghĩ khi nào dư tiền rồi mới tính tới chuyện học hành, đầu tư mà không biết rằng chính vì chưa chịu đầu tư, nên mới không có dư được. Nếu tư duy chỉ gói gọn trong việc sợ mất, sợ phí vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng, thì quả thực, khó mà làm nên việc lớn.
Một nỗi sợ khác khiến người thấp mãi không bứt phá được, chính là sợ thay đổi. Họ ghét công việc hiện tại, biết rõ rằng mức lương đó chẳng đủ sống, cũng không có tương lai nhưng vẫn chọn gắn bó chỉ vì... quen. Họ nghe bạn bè rủ đầu tư nhỏ, chuyển hướng nghề nghiệp, học một kỹ năng mới… nhưng gạt đi vì cả ngàn lý do: Thấy mình không hợp, thấy mình quá già để bắt đầu lại, thấy không chắc chắn,...
Tâm lý này thực ra rất phổ biến. Chúng ta đều có một vùng an toàn của riêng mình, nhưng nếu vùng an toàn đó đã chật chội, không còn tiềm năng phát triển thì an toàn đồng nghãi với tự kìm hãm, tự kéo lùi bản thân.
Nhiều người không để ý rằng việc trì hoãn thay đổi hôm nay là đang phủi tay rũ bỏ cơ hội của chính mình trong vòng vài năm tới. Đợi tới khi mệt mỏi, chán nản, tụt hậu rồi mới tìm đường ra thì có khi đã quá muộn, vì lúc đó không còn sức, không còn động lực, không còn ai đồng hành.
Ảnh minh họa
Thế nên không ai bắt bạn phải nhảy việc ngay, học cái gì thật to tát nhưng nếu không cho phép mình thay đổi một chút mỗi ngày, thì tương lai cũng chỉ như bây giờ, thu nhập cũng thế và thậm chí còn tệ hơn!
Nỗi sợ này, nghe thì có vẻ không liên quan nhưng lại là cái bẫy khiến nhiều người lương thấp mãi không khá lên được: Sợ người khác đánh giá mình.
Họ không muốn bị nhìn bằng ánh mắt thương hại, nên sẵn sàng chi tiền mua những thứ không thật sự cần thiết: Một chiếc điện thoại mới mua trả góp tới 48 tháng (4 năm) bằng thẻ tín dụng, một đôi giày có giá bằng nửa tháng tiền lương - cũng thanh toán trả góp bằng thẻ tín dụng,... Những thứ không mua thì không sao, mua mới "sao" đó được rước về không phải vì họ cần, mà chủ yếu là vì không muốn bị nghĩ là nghèo.
Thành thật mà nói: Thu nhập đã thấp mà còn sống vì ánh nhìn của người khác thì khó mà khá lên được. Cái nghèo nguy hiểm nhất không phải là nghèo vật chất, nghèo tiền bạc mà là nghèo trong tư duy, nghèo trong tầm nhìn. Sống mà chỉ để chứng minh mình không nghèo, rốt cuộc chỉ khiến mình nghèo thật, nghèo đậm sâu hơn.