Năm 2025 của tôi bắt đầu với mức thu nhập còn dưới cả trung bình, chỉ 9 triệu/tháng. Tiền thực nhận có tháng còn thấp hơn vì những vấn đề phát sinh khó lòng kiểm soát. Ra Tết là khoảng thời gian mà nhiều người gọi là "tháng ăn chơi" nhưng thậm chí ở thời điểm đó, tôi còn không dám ốm, vì 1 ngày nghỉ phép của tháng này đồng nghĩa với nguyên tháng sau chật vật.
9 triệu ở thành phố là mức ngân sách chỉ vừa đủ trả tiền nhà, ăn uống và mua sắm vài thứ cơ bản. Thế nên tôi buộc phải nghiêm túc nhìn lại mọi thứ nếu không muốn tiếp tục sống trong cảnh ăn không dám ăn, mặc không dám mặc.
Ảnh minh họa
Chi tiêu vốn đã ở mức tối thiểu, phương án khả thi duy nhất chỉ là tăng thu nhập. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 1/2025 đến tháng 7/2025, tôi đã thành công nhân 3 thu nhập với tháng cao nhất là 29,6 triệu đồng. Dù không phải tháng nào cũng đạt được con số ấy, nhưng chí ít cũng không còn gói gọn trong 9 triệu đồng.
Không có bí quyết thần kỳ nào theo kiểu 1 đêm tỉnh dậy thấy 3-4 lời mời làm việc, tôi nhận ra để thành công tăng thu nhập, yếu tố quan trọng nhất là sự bền bỉ.
Việc đầu tiên tôi làm là lên 1 danh sách tự đánh giá bản thân: Mình nổi bật với kỹ năng gì, có thể làm gì để bán kỹ năng lấy tiền và cần phải học thêm kỹ năng nào để kiếm được việc trả lương tốt?
Đó là những câu hỏi tôi tự vấn bản thân để tìm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Tôi có khả năng viết tốt, có kinh nghiệm làm truyền thông nhưng chưa biết cách tối ưu hóa nó thành dịch vụ chuyên nghiệp. Cũng phải thừa nhận một điều là tôi không biết định giá bản thân nên mãi vẫn dậm chân ở mức lương 9 triệu.
Trước đó, tôi luôn tin tập trung toàn lực cho một công việc duy nhất mới là lựa chọn đúng đắn, vì người ta có câu một nghề cho chín còn hơn 9 nghề. Nhưng hóa ra điều đúng đắn hơn là phân bổ sức lực hợp lý, để mỗi kỹ năng đều có cơ hội tạo ra giá trị.
Ảnh minh họa
Tôi bắt đầu nhận thêm việc freelance vào buổi tối và cuối tuần, thay vì chỉ dựa vào lương cứng từ công việc chính. Ban đầu chắc chắn sẽ mệt nhưng sau vài tuần, tôi quen với nhịp độ đó và bắt đầu có thêm kiếm thêm được 1-2 triệu mỗi tháng. Càng về sau, con số càng tăng lên, có tháng lên tới 8-9 triệu vì người này giới thiệu người kia, việc dần dần tự tìm đến chứ tôi cũng không còn phải cất công lần mò trong các hội nhóm, trang tin tuyển dụng.
Vì cái tính cả nể, ngại nói chuyện tiền nong nên khoảng thời gian đầu mới nhận thêm việc ngoài, tôi từng nghĩ cứ làm tốt rồi khách hàng sẽ tự trả thêm. Mãi mấy tháng sau mới nhận ra mình sai lầm đến nhường nào. Đến mình còn không trân trọng và đánh giá được công sức mình bỏ ra, thì người khác cũng chẳng có lý do gì để làm điều đó.
Mức lương vừa phải hoặc thấp là điều chỉ nên xảy ra ở 1 tháng đầu, trong giai đoạn làm quen với công việc và chứng minh khả năng của bản thân. Còn từ những tháng sau, nếu đã thấy bản thân làm việc trơn tru, hiệu quả công việc tốt, tôi chủ động đề xuất tăng mức lương lên ít nhất 30%. Ban đầu thì cũng hơi lấn cấn, ngại ngùng nhưng nếu người ta từ chối, tôi sẵn sàng nghỉ để tìm công việc khác tương xứng với khả năng.
Tư duy khan hiếm theo kiểu lương thấp cũng phải cố mà làm, không thì mất thu nhập là sai lầm rất lớn, vì thời gian lẫn sức lực đều có hạn. Tốn công sức cho công việc thu nhập quá thấp thì khó mà tìm được "mối ngon".
Tôi cập nhật lại LinkedIn, viết lại phần giới thiệu bản thân trên Facebook, mở Behance để trưng bày các sản phẩm của bản thân. Điều bất ngờ là chỉ sau khoảng 3 tuần đầu tư xây dựng hồ sơ năng lực, đã có 2 khách hàng liên hệ với tôi. Và 1 trong 2 người đó đến giờ này vẫn là khách hàng của tôi, công việc họ offer thậm chí mang lại mức thu nhập gấp 1,5 lần tiền lương của công việc full-time.
Ảnh minh họa
Thế nên tôi dám chắc chắn: Mạng xã hội không phải chỗ để sống ảo, mà là nơi để chứng minh những điều mình biết, những thứ mình giỏi, miễn là làm đúng cách và đừng ba hoa quá nhiều thì công việc chất lượng sẽ tự tìm đến thôi.
Tôi nghĩ đây là thay đổi lớn nhất và cũng khó nhất: Từ bỏ suy nghĩ "học hỏi", cần người cầm tay chỉ việc. Chẳng ai bỏ tiền ra để thuê nhân sự outsource mà vẫn phải dành thời gian đào tạo, hướng dẫn như một nhân sự full-time.
Lạ lẫm, bối rối là điều có thể vẫn sẽ xảy ra khi nhận 1 công việc mới, đó là chuyện bình thường, nhưng đừng thể hiện ra và cũng đừng nhận việc với lời bày tỏ "mong muốn được học hỏi". Thay vào đó, tôi học cách chứng minh mình có thể làm được việc luôn mà không cần quá nhiều thời gian học việc.
Chính thái độ này khiến tôi nổi bật hơn trong mắt khách hàng, một phần cũng nhờ CV và Porfolio chỉn chu, dày dặn kinh nghiệm. Nhờ đó, tôi được trả tiền cao hơn, nhận được các dự án lớn hơn và có tiếng nói rõ ràng hơn trong quá trình làm việc.
Và điều tuyệt vời là một khi đã quen với tư duy này, thu nhập không chỉ tăng một lần rồi đứng yên tại chỗ, mà sẽ tiếp tục nhích dần lên. Nhờ thế nên 6 tháng qua, tôi đã thành công tăng gấp 3 thu nhập. Bề nổi thì chỉ đơn giản là chịu nhân thêm nhiều việc nhỏ thì tiền kiếm được cũng tăng lên, nhưng phải làm sao để giữ được "nhiều việc nhỏ" đó, thì phải thành thục 5 kỹ năng trên mới được!