Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, nhân viên ngân hàng lập tức dùng tiền mua bảo hiểm, bị phát hiện còn thách thức: “Chị làm lớn chuyện chúng tôi sẽ báo cảnh sát”

Ánh Lê, Theo Đời sống pháp luật 20:26 06/07/2025
Chia sẻ

Đến ngân hàng rút tiền trả nợ, người phụ nữ Trung Quốc sốc khi phát hiện toàn bộ tiền tiết kiệm đã bị dùng mua bảo hiểm.

Hai ngày trước Tết Nguyên đán 2021, bà La, sống tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đến ngân hàng để rút khoản tiết kiệm trị giá hơn 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng), nhằm giúp con trai trả nợ mua nhà trước lễ cưới. Tuy nhiên khi đến nơi, nhân viên ngân hàng thông báo số tiền trong sổ tiết kiệm của bà La không còn.

Khi yêu cầu kiểm tra lại, bà La được thông báo toàn bộ số tiền đã được chuyển đi đầu tư bảo hiểm. Điều này khiến bà vô cùng hoang mang.  

Từ sổ tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm

Trước đó, sáng 14/12/2020, bà La mang 300.000 NDT đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại thị trấn Khúc Giang, thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, để gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 năm. Khi đang tư vấn, nhân viên ngân hàng bất ngờ gợi ý bà mua bảo hiểm. Bà La nghe vậy thì lập tức từ chối vì bà từng biết nhiều người bị mất tiền do mua phải sản phẩm tài chính không minh bạch.

Nhân viên ngân hàng nghe vậy thì không nói thêm gì, chỉ yêu cầu bà La chờ làm thủ tục gửi tiền. Khoảng 10 phút sau, thủ tục hoàn tất, bà La nhận sổ tiết kiệm, xác nhận số tiền rồi ra về mà không hay biết số tiền đã bị dùng mua bảo hiểm.

Phải đến đầu năm 2021, khi quay lại ngân hàng rút tiền cho con trai chuẩn bị đám cưới, bà La mới phát hiện tiền của mình đã “bốc hơi”.

Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, nhân viên ngân hàng lập tức dùng tiền mua bảo hiểm, bị phát hiện còn thách thức: “Chị làm lớn chuyện chúng tôi sẽ báo cảnh sát”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Baijiahao

Trước sự việc bất ngờ, bà La yêu cầu phía ngân hàng đưa ra lời giải thích. Sau khi kiểm tra, ngân hàng xác nhận 300.000 của bà đã được chuyển đi mua sản phẩm bảo hiểm, không thể rút ra được. Nhân viên ngân hàng cũng không đưa ra giải pháp thỏa đáng. Một quản lý thậm chí còn đe dọa sẽ gọi cảnh sát nếu người phụ nữ này tiếp tục làm lớn chuyện.

Ngày hôm sau, bà La cùng chồng quay lại ngân hàng, yêu cầu gặp lãnh đạo chi nhánh. Bà Phó, giám đốc chi nhánh, cho biết nếu muốn rút tiền trước hạn, bà La sẽ bị phạt nặng. Thái độ bất hợp tác từ phía ngân hàng khiến cuộc trao đổi trở nên căng thẳng, buộc bà La phải gọi điện nhờ cảnh sát can thiệp.

Ngân hàng từ chối hoàn tiền, khách hàng báo cảnh sát

Trước sự xuất hiện của cảnh sát, thái độ của phía ngân hàng lập tức thay đổi. Đơn vị này đề xuất phương án tạm thời: hoàn trả khoảng 6.000 NDT (hơn 21 triệu đồng), gồm khoản thanh toán 1 lần 4.000 NDT và 2.000 NDT tiền lợi nhuận từ ngân hàng, còn khoản tiền 300.000 NDT chỉ có thể rút sau khi hết hạn hợp đồng. Bà La không đồng ý với phương án này nên tiếp tục yêu cầu ngân hàng hoàn tiền

Trước sự có mặt của cảnh sát, bà La khẳng định bản thân chưa từng đồng ý mua bảo hiểm. Kiểm tra hồ sơ, cảnh sát địa phương phát hiện sản phẩm mà bà bị ép mua là một loại "Bảo hiểm trọn đời", giao dịch được thực hiện lúc 11h50 sáng 14/12/2020 - trùng thời điểm bà đến gửi tiết kiệm.

Ngân hàng cho biết họ đã thực hiện “chăm sóc” khách hàng qua liên kết WeChat trong 10 phút, nếu khách hàng không phản hồi, hệ thống tự động xem khách hàng đã đồng ý mua bảo hiểm. Tuy nhiên, theo quy định của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, việc xác nhận hợp đồng bảo hiểm bắt buộc phải qua điện thoại có ghi âm.

Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện nhân viên trực tiếp xử lý giao dịch cho bà La chưa có chứng chỉ bảo hiểm, chỉ mới đăng ký thi. Trước những bằng chứng rõ ràng, lãnh đạo ngân hàng buộc phải thừa nhận có sai sót trong quá trình tư vấn. 

Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng, nhân viên ngân hàng lập tức dùng tiền mua bảo hiểm, bị phát hiện còn thách thức: “Chị làm lớn chuyện chúng tôi sẽ báo cảnh sát”- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Internet

Một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập để xử lý khiếu nại của bà La. Ngân hàng đề nghị bồi thường thêm bằng hiện vật và 6.000 NDT tiền mặt, nhưng vẫn khẳng định chưa thể hoàn trả khoản 300.000 NDT cho đến khi hợp đồng bảo hiểm đáo hạn.

Không chấp nhận phương án này, bà La khẳng định sẽ không thỏa hiệp, đồng thời nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc. Cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc điều tra.

“Tôi chỉ là một người lao động bình thường, dành dụm cả đời mới có số tiền đó. Tôi không thể chấp nhận bị lừa như vậy”, bà La chia sẻ.

Dù kết quả vụ việc không được công bố, song ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, nó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng mạng Trung Quốc. Trên thực tế, không chỉ riêng bà La mà rất nhiều người dân Trung Quốc khác cũng từng rơi vào tình huống tương tự.

Từ vụ việc này, các chuyên gia tài chính Trung Quốc cũng khuyến cáo mọi người cần hết sức thận trọng khi tham gia các sản phẩm tài chính. Về phía ngân hàng, việc đảm bảo tính minh bạch trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng là điều bắt buộc, nhất là khi làm việc với những khách hàng không am hiểu sâu về tài chính. Các chuyên gia cho rằng sai sót trong tư vấn, dù vô tình hay cố ý, cũng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính và uy tín của các tổ chức tài chính.

(Theo Baijiahao)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày