Tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng cao nhất từ đầu năm

Thái Phương, Theo Người lao động 19:27 06/07/2025
Chia sẻ

Lãi suất gửi tiết kiệm ổn định nhưng dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về số liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính tới cuối tháng 4-2025. Theo đó, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt mức cao nhất trong năm với hơn 7,53 triệu tỉ đồng, tăng mạnh gần 6,7% so với cuối năm ngoái. 

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, người dân gửi thêm gần 500.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm nhẹ 0,55% so với cuối năm ngoái nhưng cũng vượt 7,62 triệu tỉ đồng.

Nếu tính cả tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tổng lượng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống tổ chức tín dụng vượt 15,16 triệu tỉ đồng.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng cao nhất từ đầu năm- Ảnh 1.

Số liệu cập nhật mới nhất tới tháng 4-2025

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người cho biết vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm dù lãi suất ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. Chị Bích Ngọc (ngụ phường An Khánh, TP HCM) cho hay vừa đáo hạn 500 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và chọn gửi tiếp. Lãi suất tiền gửi kỳ trước tại một ngân hàng số khoảng 6%/năm, nay kỳ hạn mới chỉ khoảng 5,7-5,8%/năm.

"Lãi suất giảm nhẹ nhưng tôi chưa có kế hoạch đầu tư, kinh doanh gì nên vẫn chọn gửi ngân hàng. Giá vàng hiện tại quá cao, trong khi chứng khoán thì rủi ro cao" - chị Ngọc kể.

Số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm 26-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,3%.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng cao nhất từ đầu năm- Ảnh 2.

Chỉ trong 4 tháng, người dân gửi khoảng 500.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi vào hệ thống ngân hàng

Lãi suất huy động và cho vay bình quân ảnh hưởng đến tiền gửi tiết kiệm như thế nào?

Trong nửa đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Tại thời điểm tháng 5, lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4%/năm.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày