Không phải tiền trăm ngàn hay tiền triệu, bức ảnh số dư tài khoản mà cặp vợ chồng này đăng tải chỉ hiện đúng 1 số: 5 - nghĩa là 5 đồng, nhưng lại khiến nhiều người rưng rưng, vui lây. Đọc những lời giãi bày mà người chồng viết, tất cả phải đồng tình: Đúng là không cơn mưa nào không tạnh.
Đôi khi chỉ cần đúng 2 từ này là cuộc đời sang hẳn trang mới, nhẹ nhõm dễ thở hơn nhiều: Hết nợ!
Bức ảnh do người chồng đăng tải
Trong bài đăng của mình, người chồng viết: “Tài khoản còn đúng 5 đồng mọi người ạ nhưng thấy thoải mái vô cùng vì cuối cùng cũng trả xong hết nợ rồi. Mình khởi nghiệp quán cà phê với vợ vào năm 2020. Gồng lỗ tới năm 2024, cũng phải bán nhà, bán xe rồi vay nợ để gồng nhưng vẫn phải dừng lại. Sau đó 2 vợ chồng mình đi làm ở khu công nghiệp trả nợ!
Ngày nào cũng có điện thoại, tin nhắn đòi nợ, mình sợ đến nỗi không dám đọc thông báo điện thoại. Nhưng hôm nay mình trả hết nợ rồi. Từ mai dù lương thấp hay cao, mình cũng được tiêu tiền của mình rồi. Cũng có buồn nhưng cũng nhẹ nhõm và thấy may mắn, vì vẫn còn sức trả nợ là tốt rồi. Có bác nào 33 tuổi bắt đầu từ số 0 như vợ chồng em không?”.
4 năm gồng lỗ, 1 năm đi làm công nhân kiếm tiền trả nợ, dù không rõ số nợ của cặp vợ chồng này là bao nhiêu nhưng đúng là với những người có nợ, việc trả được hết nợ luôn là 1 cột mốc khiến cuộc đời sang trang. Họ đã đi từ số âm đến được tới số 0, hành trình gây dựng, tích lũy lại từ đầu dù không đơn giản nhưng chắc chắn cũng sẽ không thể mệt bằng quãng thời gian gánh nợ.
“Chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại, kệ cái tuổi tác đi bác ạ, nó cũng chỉ là con số thôi. Chúc mừng vợ chồng bác nhé, đọc thấy nể 2 bác quá, đồng cam cộng khổ qua được khó khăn” - Một người động viên.
“Từ số âm về được số 0 thì chả sợ gì nữa bác ạ, em cũng mới hết nợ đây. Đúng là cảm giác nó nhẹ nhõm khó tả lắm, người chưa từng mắc nợ chắc chẳng bao giờ hiểu được. Chúc mừng gia đình bác nhé” - Một người khác bày tỏ.
“Giờ gây dựng lại từ đầu thì chúc vợ chồng bạn sáng suốt nhé, đừng để đi vào vết xe đổ của lần trước vì thời buổi này kinh doanh khó lắm, đi làm công ăn lương vẫn là ổn định nhất rồi. Dù sao cũng chúc mừng gia đình nhé” - Một người khuyên.
Câu trả lời rất đơn giản thôi: Chỉ cần cố gắng thì không có nợ nào mà không trả được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải công tâm để thừa nhận sự thật này: Kinh doanh mà không biết chừa đường lui cho bản thân và gia đình là quyết định quá rủi ro.
Ảnh minh họa
Một trong những sai lầm kinh điển khi bắt đầu kinh doanh, hoặc lần đầu làm chủ là dồn toàn bộ số tiền mình có vào dự án. Không ít người vét sạch tiền tiết kiệm trong nhiều năm, thậm chi bán xe, cầm cố tài sản,... Việc có niềm tin vào chính mình không sai, nhưng dồn hết tiền bạc cho một thứ có khả năng thất bại, thực tình không khác xuống dốc mà lại còn tăng ga…
Suy nghĩ "được ăn cả ngã về không" nghe có vẻ dũng cảm, nhưng bản chất lại là một kiểu nóng vội nguy hiểm.
Trong kinh doanh, tiềm lực vốn rất quan trọng nhưng không bao giờ là thứ quan trọng duy nhất. Bạn có thể giỏi, có thể chăm, có thể tận tâm, nhưng thị trường thì không vì điều đó mà nhân nhượng. Những biến động về kinh tế, hành vi tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh... có thể xoay chuyển kết quả kinh doanh chỉ trong vài tháng. Không phải ai thất bại cũng là vì làm sai. Đôi khi là vì làm đúng nhưng không còn kịp thời nữa.
Chính vì thế, việc chuẩn bị một khoản tiền dự phòng nên được xem như một phần bắt buộc trong kế hoạch kinh doanh. Khoản này không dùng để vận hành, không dùng để mua hàng hay thuê mặt bằng, mà tồn tại như một tấm lưới an toàn cho chính người làm chủ.
Ảnh minh họa
Có đường lui, bạn mới đủ tỉnh táo để bước tiếp nếu không may thất bại. Không có gì trong tay, bạn sẽ bị động ngay khi thị trường thay đổi, và rất dễ trượt dài trong lo lắng, mất kiểm soát dòng tiền, cuối cùng là buông bỏ luôn cả giấc mơ ban đầu.
Nhiều người sợ rằng nếu chừa tiền lại, không dốc hết vào kinh doanh thì sẽ thiếu lực, không tạo được nền tảng đủ mạnh. Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều thương hiệu thành công không bắt đầu bằng vốn khủng, mà bắt đầu từ một cấu trúc tài chính đủ bền để vượt qua 6 tháng, 1 năm đầu tiên. Có thể không tăng trưởng nhanh nhưng sống sót được. Mà trong kinh doanh, sống sót chính là một loại thành công.
Thế nên nếu muốn kinh doanh, đừng quên tự chừa cho mình 1 đường lui. Đó không phải biểu hiện của việc bạn thiếu niềm tin hay không dám quyết đoán, mà là biểu hiện của tư duy dài hạn. Nếu bạn tin mình có thể xây được một điều gì đó lớn, bạn cần chuẩn bị tâm thế để đi xa, chứ không phải là tăng tốc trong vài tháng rồi sau đó dừng lại.