Để có thể thức dậy đúng giờ, nhất là vào lúc thời tiết lành lạnh mát mẻ như thế này là một điều khó khăn với nhiều người. Họ sẽ lựa chọn nhiều cách để tỉnh dậy như sử dụng ánh sáng tự nhiên, nhờ người khác gọi dậy hoặc biện pháp hữu hiệu nhất chuông báo thức.
Nghĩ rằng để dễ dàng tỉnh lại, nhiều người lựa chọn báo thức trên đồng hồ truyền thông có tiếng chuông kêu rất to, vang, dồn dập hoặc chọn những bài nhạc sôi động trên điện thoại. Điều này giúp bạn thức giấc nhanh hơn nhưng kéo theo đó là những tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với huyết áp, tim mạch.
Khi bị đánh thức bởi tiếng chuông đồng hồ, rất nhiều người đã rơi vào tình trạng đánh trống ngực, thở dồn dập, cảm thấy hồi hộp.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện sức khỏe công nghiệp quốc gia Nhật Bản cho hay những người đột nhiên bị ép tỉnh dậy có huyết áp và nhịp tim cao hơn so với những người thức dậy một cách tự nhiên.
Bác sĩ Chris Idzikowski thuộc Trung tâm giấc ngủ Endinburgh (Scotland) giải thích rằng những thay đổi của cơ thể trong khi ngủ khiến chúng ta rất dễ gặp tổn thương về sức khỏe vào buổi sáng.
Tiếng chuông báo thức càng làm trầm trọng thêm điều này. Khi cơ thể đang ngủ sâu trong một môi trường yên tĩnh, tiếng ồn đột nhiên phát ra kích hoạt sản sinh hormone adrenaline trong cơ thể, gây tăng huyết áp đột ngột.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lưu Hằng Lượng, Khoa tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) khẳng định thường xuyên thức dậy bởi đồng hồ báo thức là một trong những nguyên nhân gây huyết áp cao.
“Nếu bạn bị đánh thức 1, 2 lần thì vẫn không có vấn đề gì. Nhưng nếu thường xuyên bị kích thích trong thời gian dài, các mạch máu dần sẽ cứng lại, huyết áp sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra còn gây ra các vấn đề về thần kinh, gây suy nhược cơ thể”, Chủ nhiệm Lưu Hằng Lượng chia sẻ.
Giấc ngủ của con người chia làm 5 giai đoạn ngủ khác nhau bao gồm giai đoạn ngủ nông, ngủ sâu (giai đoạn người ngủ rất khó tỉnh) và giấc ngủ REM (giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh, các giấc mơ xuất hiện). Mỗi giai đoạn của giấc ngủ kéo dài khoảng 90 phút.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, các nhà khoa học phát hiện rằng khi bị đánh thức trong giấc ngủ sâu, trí nhớ ngắn hạn, khả năng nhận thức, thậm chí cả kỹ năng đếm của con người sẽ bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu cho thấy những người tham gia sau khi tỉnh lại chỉ đạt 65% hiệu suất hoạt động, tương đương như đang bị say rượu và cảm thấy còn tồi tệ hơn so với lúc bị thiếu ngủ trong 26 giờ.
Mặc dù các ảnh hưởng nghiêm trọng đã mờ dần trong mười phút đầu tiên nhưng những ảnh hưởng vẫn còn kéo dài tối đa 2 giờ sau khi tỉnh dậy.
Ngoài ra, còn rất nhiều tranh cãi về ảnh hưởng của bức xạ trong đồng hồ báo thức điện tử đối với sức khỏe con người. Một số nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể gây ra ung thư hay một loạt các tác động thần kinh khác.
- Thức dậy với ánh sáng tự nhiên: Cơ thể con người có phản ứng một cách bản năng với ánh sáng tự nhiên. Nếu không tiếp xúc được với ánh sáng tự nhiên, hiện nay đã có rất nhiều phát minh “tạo bình minh”, các thiết bị dần làm sáng phòng ngủ cho đến khi bạn thức dậy.
Các nhà tâm lý tại Đại học Westminster (Anh) cho biết những người thức dậy bằng cách này sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn, ít mệt mỏi hơn.
- Lựa chọn nhạc chuông báo thức êm dịu: Đa số hiện nay chúng ta đều đặt chuông báo qua điện thoại di động. Khi đặt nhạc chuông, nên lựa chọn những bài có âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng và nhạc chuông dần dần to lên là tốt nhất, giúp giảm thiểu tác hại.
Một điều cần chú ý hơn cả là phải đặt thiết bị điện tử báo thức như điện thoại di động cách đầu của chúng ta ít nhất một mét.
- Tự tạo một đồng hồ sinh học riêng cho bản thân: Nên tạo dựng một đồng hồ sinh học hợp lý, đi ngủ sớm và đúng giờ, ngủ đủ giấc, thức dậy tự nhiên vào buổi sáng.
Nguồn: Dailymail, Sohu