Thường xuyên bị cha mẹ mắng, trẻ dễ có 2 tính cách "ngầm" bất ổn này khi lớn lên

M.Tee, Theo Phụ nữ số 13:16 12/04/2025
Chia sẻ

Cha mẹ quát mắng có thể tạo ra những đứa trẻ nóng nảy hoặc sống để chiều lòng người khác. Vì thế, cha mẹ hãy lắng nghe và yêu thương để định hình tương lai tích cực cho con.

Trong hành trình nuôi dạy con, mỗi bậc cha mẹ đều có những phương pháp riêng. Một số phụ huynh chọn cách nhẹ nhàng, kiên nhẫn, đồng hành cùng con trong quá trình phát triển. Ngược lại, có những người lại sử dụng biện pháp quát mắng như một hình thức răn đe để tạo ra "kỷ luật".

Tuy nhiên, việc thường xuyên lớn tiếng với trẻ không chỉ làm căng thẳng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà còn có thể dẫn đến những khiếm khuyết về nhân cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Dưới đây là 2 kiểu tích cách dễ dàng xuất hiện ở trẻ nhất:

1. Trẻ trở nên nóng nảy, dễ bùng nổ

Trẻ em thường xuyên bị cha mẹ quát mắng sẽ có xu hướng trở nên nóng nảy, dễ mất kiểm soát cảm xúc. Khi trưởng thành, trẻ rất dễ rơi vào các tình huống mâu thuẫn, tranh cãi gay gắt, thậm chí có thể dẫn đến hành vi bạo lực trong giao tiếp hằng ngày.

Ảnh minh họa.

Trường hợp của anh Lâm - một người cha thích dạy con theo phong cách truyền thống là một ví dụ điển hình về phương pháp giáo dục con cái. Với niềm tin rằng "phải nghiêm khắc mới dạy được con", anh thường xuyên lớn tiếng mỗi khi con trai mắc lỗi, từ việc ăn chậm, học không tốt đến điểm thi không cao. Sống trong môi trường đầy tiếng mắng mỏ, cậu con trai dần trở nên giống hệt cha mình, thường xuyên nổi nóng, quát mắng người khác và không kiểm soát được hành vi của bản thân.

Vì sao trẻ lại trở nên như vậy?

Thứ nhất, tâm lý bị đè nén trong thời gian dài khiến trẻ dễ bộc phát cảm xúc ở những tình huống không phù hợp.

Thứ hai, trẻ học cách giao tiếp từ cha mẹ. Khi cha mẹ dùng tiếng hét để thể hiện quan điểm, trẻ sẽ cho rằng "la hét" là cách bình thường để xử lý mâu thuẫn.

Điều đáng lo ngại là những trẻ thường xuyên phản ứng bằng sự tức giận, cáu gắt và hành vi hung hăng sẽ có nguy cơ cao vướng vào các hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai như gây gổ, đe dọa người khác hoặc phá hoại tài sản.

2. Trẻ sống để chiều lòng người khác

Không giống như con trai của anh Lâm, con gái chị Lan – một người mẹ cũng hay quát mắng lại phát triển theo hướng ngược lại, bé luôn tìm cách làm vừa lòng người khác để tránh bị mắng.

Chị Lan thường quát con vì những lý do nhỏ nhặt, khiến bé sống trong trạng thái lo sợ bị từ chối, bị bỏ rơi. Từ đó, con hình thành xu hướng "làm vừa lòng người khác để được chấp nhận".

Thường xuyên bị cha mẹ mắng, trẻ dễ có 2 tính cách "ngầm" bất ổn này khi lớn lên- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Khi đến trường, bé sẵn sàng giúp bạn làm bài tập, nhường nhịn quá mức hay thậm chí lấy trộm tiền trong nhà chỉ để mua quà vặt cho bạn vì sợ bị cô lập.

Trẻ có tính cách "làm hài lòng" thường không biết cách nói "không", luôn sống vì cảm xúc của người khác và dễ bị lợi dụng, tổn thương. Khi trưởng thành, kiểu người này thường chịu đựng thiệt thòi, sống không là chính mình, và trong một số trường hợp, có thể bị cuốn vào những hành vi sai trái chỉ để duy trì các mối quan hệ.

Tóm lại, cách cha mẹ ứng xử với con không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc nhất thời, mà còn âm thầm định hình tính cách và hành vi của trẻ trong suốt cuộc đời. Những lời la mắng tưởng chừng vô hại, nếu lặp đi lặp lại mỗi ngày, có thể gieo vào lòng trẻ cảm giác sợ hãi, bất an, thậm chí hình thành những xu hướng hành xử tiêu cực về sau.

Thay vì dùng tiếng quát để dạy dỗ, cha mẹ hãy thử lắng nghe, trò chuyện và dẫn dắt con bằng sự kiên nhẫn và yêu thương. Một môi trường giáo dục tích cực không chỉ giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh về thể chất mà còn vững vàng về tinh thần.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày