Thời gian trước, tại Trung Quốc, một vụ kiện giữa nhóm sinh viên năm nhất và bạn cùng phòng tên Tiểu Đường từng gây xôn xao dư luận.
Ban đầu, Tiểu Đường được bạn bè trong ký túc xá yêu quý vì ngoại hình xinh đẹp, tính cách thân thiện. Tuy nhiên, từ khi cô bắt đầu hẹn hò với bạn trai Đổng Mỗ Phi, cô dần thay đổi: Thường xuyên nói chuyện điện thoại hàng giờ trong phòng, ít giao tiếp với các bạn và có phần tỏ ra kiêu ngạo.
Một ngày, Tiểu Mỹ – bạn cùng phòng – vô tình thấy Tiểu Đường lén chụp ảnh các bạn khác khi họ mặc đồ ngủ. Khi bị chất vấn, Tiểu Đường biện minh rằng chỉ muốn "tự động viên bản thân" vì các bạn quá xinh đẹp, và hứa sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, lời xin lỗi ấy chỉ là vỏ bọc.
Không lâu sau, Tiểu Mỹ trong lúc tắm phát hiện một chiếc điện thoại đang quay lén đặt gần cửa phòng tắm. Cô nghi ngờ và lén kiểm tra điện thoại của Tiểu Đường khi cô vắng mặt. Những gì phát hiện ra khiến cô bàng hoàng: hàng loạt ảnh và video quay lén các bạn cùng phòng – cả khi mặc đồ, lẫn lúc thay đồ – được lưu trữ trong máy và gửi cho bạn trai của Tiểu Đường.
Các đoạn tin nhắn giữa hai người còn hé lộ điều kinh khủng hơn: "Cho anh xem bạn cùng phòng em hôm nay nè, đồ ngủ ren đó"; "Ước gì được ngủ với cô ấy, em không ghen chứ?"; "Vậy em sẽ chụp thêm cho anh, anh cứ tưởng tượng đi, dù sao em mới là bạn gái anh. Tối nay họ về, em sẽ chụp thêm cho anh"...
Ảnh minh hoạ
Cảm thấy bị xúc phạm và xâm hại nghiêm trọng, nhóm sinh viên lập tức báo cáo sự việc với nhà trường và cơ quan chức năng. Kết quả, Tiểu Đường bị kỷ luật cảnh cáo – một hình phạt mà các nạn nhân cho là quá nhẹ.
Không chấp nhận sự im lặng, họ quyết định khởi kiện dân sự, yêu cầu Tiểu Đường xóa toàn bộ hình ảnh và bồi thường thiệt hại tinh thần. Cuối cùng, họ đã thắng kiện.
Phán quyết này không chỉ đòi lại công bằng cho các nạn nhân, mà còn đặt ra hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ quyền riêng tư trong môi trường học đường – nơi mà lẽ ra sự an toàn và tôn trọng phải được đặt lên hàng đầu.
Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của vụ việc xuất phát từ việc tiểu Đường quá đặt nặng chuyện tình cảm - hiện tượng thường được gọi là "cuồng yêu". Họ đã trở thành "công cụ biết nói" trong tay người yêu, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu dù vô lý đến đâu. Không có khả năng từ chối, kể cả khi bị ép làm những việc vi phạm pháp luật. Với họ, tình yêu là lẽ sống duy nhất, mất đi tình yêu đồng nghĩa với mất cả sự sống
Tình yêu là một phần tự nhiên trong hành trình trưởng thành của mỗi người trẻ. Nhưng cha mẹ không nên chỉ né tránh hay cấm đoán khi con bắt đầu biết yêu, mà cần là người đầu tiên dạy con cách yêu một cách tỉnh táo và có giới hạn.
Điều đầu tiên mà con cần hiểu rõ: Yêu không có nghĩa là đánh mất chính mình. Một mối quan hệ lành mạnh là khi con vẫn được là chính mình, vẫn giữ được giá trị sống riêng, nguyên tắc riêng và không bị ép buộc làm điều gì khiến lương tâm day dứt hay vi phạm pháp luật.
Người yêu thương con thật sự sẽ không yêu cầu con vi phạm đạo đức hoặc pháp luật, không bao giờ bắt con tổn thương người khác chỉ để chiều lòng họ. Nếu ai đó thường xuyên yêu cầu những điều "khó nói", "khó từ chối" và núp bóng dưới cái mác "vì anh yêu em", thì đó là thao túng, không phải yêu.
Cha mẹ hãy dạy con rằng: Biết từ chối là biểu hiện của sự mạnh mẽ, không phải là sự lạnh lùng. Trong tình yêu, nếu ai đó thật lòng yêu thương con, họ sẽ tôn trọng giới hạn của con, sẽ không bao giờ đòi hỏi con làm điều con không muốn.
Hãy dạy con rằng: Người yêu thật sự sẽ không "ra lệnh", mà sẽ lắng nghe. Khi một người luôn đưa ra yêu cầu, luôn muốn kiểm soát, luôn lấy "tình yêu" làm cái cớ để thao túng con, thì đó không phải là tình yêu – đó là sự lệ thuộc nguy hiểm.
Cha mẹ có thể kể cho con nghe những câu chuyện như vụ việc của Tiểu Đường – để con thấy rằng không phải cứ yêu là mù quáng hy sinh, không phải ai nói "yêu" cũng đáng tin. Tình yêu mà làm tổn thương người khác, làm tổn thương chính mình, thì không còn là tình yêu nữa — nó là sự lệch lạc, và cần được chấm dứt.
Con cần hiểu rằng: Một người có thể là học sinh giỏi, là người nổi bật, nhưng nếu họ không biết tôn trọng người khác thì vẫn không xứng đáng với tình yêu của con.
Cuối cùng, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con, tạo không gian an toàn để con chia sẻ và hỏi han. Đừng chỉ phán xét, hãy lắng nghe và hướng dẫn con đi qua những giai đoạn "yêu lần đầu" một cách nhẹ nhàng và đúng đắn. Hãy để con hiểu rằng: tình yêu chân chính không khiến mình mệt mỏi, đau khổ hay đánh mất bản thân, mà sẽ khiến mình mạnh mẽ và tử tế hơn mỗi ngày.