Trong xã hội ngày nay, với mức sống không ngừng được cải thiện, ngày càng nhiều gia đình có cuộc sống vật chất chất lượng cao, thậm chí một số gia đình khá giả đã bắt đầu mua những chiếc xe hơi sang trọng đắt tiền làm phương tiện đi lại.
Tuy nhiên, hiện tượng này thường gây ra sự bàn tán và chỉ trích từ người khác, và thường bị gắn mác "khoe của" và trở thành chủ đề tranh cãi. Vậy, khi cha mẹ lái xe sang để đón con từ trường về, liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không? Cha mẹ nên hướng dẫn con cái mình phát triển tư duy cạnh tranh như thế nào?
Gần đây, câu chuyện về "một bà mẹ lái xe sang trọng đi đón con" đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên diễn đàn Sohu (Trung Quốc). Chuyện như sau: Một bà mẹ bị những phụ huynh khác trong nhóm phụ huynh cáo buộc "khoe của" vì bà lái chiếc xe sang trị giá 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 30 tỉ đồng) để đón con tan học mỗi ngày. Lúc đầu, cô cũng không coi trọng chuyện này lắm, vì hoàn cảnh tài chính của mỗi gia đình đều khác nhau, nhưng khi những lời buộc tội ngày càng lớn, cô bắt đầu cảm thấy bất mãn.
Cuối cùng, người mẹ không chịu nổi nữa nên trả lời: "Đây là chiếc xe rẻ nhất trong nhà chúng tôi. Hơn nữa, đây là chiếc xe sang trị giá 8 triệu NDT. Sao họ không thử thuê nó một ngày xem? Phí thuê một ngày là 6.500 NDT (khoảng 22 triệu đồng), có thể bằng lương tháng của một người lao động đang bàn tán về chúng tôi!." Cô cũng cho biết việc lái xe nào là chuyện riêng của cô và cô không muốn người khác chỉ trích mình.
Sau khi câu trả lời của người mẹ được lan truyền rộng rãi trên Internet, mọi người bắt đầu bàn tán về vấn đề này. Nhiều người cho rằng những bậc phụ huynh chỉ trích người mẹ kia thực chất đang thể hiện tâm lý cạnh tranh của mình theo một cách bất lực. Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều người lại không hài lòng với sự giàu có của người khác? Có phải vì ghen tị, hay là vì không thể từ bỏ ham muốn so sánh?
Dù là trong thế giới người lớn hay trẻ em, tâm lý so sánh dường như hiện hữu ở khắp mọi nơi. Trẻ em nói riêng thường có xu hướng so sánh mạnh mẽ vì những đứa trẻ khác có thứ mà chúng không có. Vậy, cha mẹ nên đối mặt và xử lý thế nào với tâm lý này của con em mình?
Khi trẻ bắt đầu biểu hiện tâm lý cạnh tranh, cha mẹ không nên nhắm mắt làm ngơ. Một số phụ huynh có thể nghĩ rằng những so sánh nhỏ của trẻ chỉ là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển. Có lẽ trong một số trường hợp, cha mẹ sẽ vô tình đáp ứng nhu cầu vật chất của con cái để tránh cho chúng cảm thấy lo lắng và không vui.
Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm này sẽ khiến trẻ hình thành thói quen phụ thuộc vào vật chất, ngày càng trở nên phù phiếm, thậm chí hình thành những giá trị sai lầm. Một khi cha mẹ không nhận thức được tâm lý này, con cái họ có thể hình thành ý nghĩ rằng "có nhiều hơn là tốt hơn".
Điều này cực kỳ có hại cho sự phát triển tâm lý của trẻ, vì sự so sánh không thể thực sự mang lại hạnh phúc và sự thỏa mãn lâu dài. Ngược lại, nếu trẻ em có thể học cách đối phó với tâm lý so sánh ngay từ khi còn nhỏ, chúng sẽ độc lập hơn và có nhận thức vững chắc hơn về bản thân trong cuộc sống tương lai.
Là một học sinh, nhiệm vụ chính của trẻ em phải là học tập chăm chỉ thay vì theo đuổi sự thỏa mãn vật chất một cách mù quáng. Khi cha mẹ thấy con cái mình cạnh tranh về vật chất, họ cũng có thể hướng dẫn con mình biến tâm lý này thành động lực học tập.
Ví dụ, cha mẹ có thể khuyến khích con cái vượt trội hơn người khác trong học tập bằng cách thảo luận với con về thành tích học tập của các bạn cùng lớp, thay vì chỉ so sánh chúng về mặt vật chất.
Theo cách này, tâm lý cạnh tranh của trẻ không còn giới hạn ở "con cũng muốn sở hữu thứ gì đó" nữa mà chuyển thành "con cũng muốn đạt kết quả học tập tốt hơn". Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển mà còn nuôi dưỡng hứng thú học tập và tính cạnh tranh của trẻ, đồng thời truyền cảm hứng cho trẻ theo đuổi những mục tiêu cao hơn.
Việc giáo dục con cái không thể tách rời khỏi lời nói và hành động của cha mẹ. Là cha mẹ, hành vi, thái độ và giá trị của bạn sẽ ảnh hưởng tinh tế đến con cái bạn. Nếu cha mẹ luôn so sánh mình với sự giàu có của người khác, con cái họ dễ bị ảnh hưởng và nghĩ rằng của cải vật chất là điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Vì vậy, cha mẹ nên bắt đầu từ chính mình và cố gắng tránh thảo luận cởi mở về những vấn đề vật chất. Nếu cha mẹ luôn khoe khoang về quần áo, xe hơi hay ngôi nhà đắt tiền mà họ mua, con cái sẽ dễ dàng coi những điều này là tiêu chuẩn của sự thành công.
Nếu cha mẹ có thể thể hiện sự theo đuổi học thức trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như nhấn mạnh vào các giá trị phi vật chất như kiến thức, tình bạn và sức khỏe, thì con cái họ sẽ dễ dàng thiết lập được thế giới quan và quan điểm sống đúng đắn.
Trong xã hội hiện đại, sự giàu có về vật chất dường như đã trở thành chuẩn mực mà nhiều người dùng để đánh giá người khác, đặc biệt là trong một số gia đình giàu có về vật chất, nơi những chiếc xe hơi sang trọng, những thương hiệu nổi tiếng và lối sống xa hoa thường trở thành chủ đề bàn tán trong các vòng tròn xã hội.
Khi đang trong quá trình phát triển, trẻ em thường không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng trong môi trường như vậy. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có thể nhận ra rằng sự so sánh không mang lại hạnh phúc thực sự mà thay vào đó sẽ dẫn đến sự lo lắng và cạnh tranh vô tận thì họ sẽ có thể giúp con mình đối phó tốt hơn với áp lực bên ngoài và bồi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập cho trẻ.
Trong câu chuyện của người mẹ này, chúng ta thấy được áp lực vô hình từ xã hội và sự chú trọng quá mức vào sự giàu có. Nhưng xét cho cùng, tâm lý so sánh không mang lại hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nó khiến nhiều gia đình rơi vào xung đột tình cảm và gánh nặng tâm lý.
Vì vậy, cha mẹ nên cho con cái biết rằng giá trị của cuộc sống không nằm ở số lượng vật chất chúng sở hữu mà là những gì chúng có thể tạo ra và những đóng góp chúng có thể mang lại cho xã hội.
Nếu cha mẹ có thể giúp con cái thiết lập những giá trị đúng đắn và để chúng học cách tự tìm thấy hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống thì trẻ sẽ lớn lên trong một môi trường lành mạnh và tích cực hơn và cuối cùng sẽ có cuộc sống phong phú và ý nghĩa hơn.