5 năm trước, cứ thấy con định học ngành này là phụ huynh cản, giờ lương nghìn đô nhưng mong con học thì nhận cái kết: "Thôi, chẳng thích"

Đông, Theo Thanh niên Việt 00:09 11/04/2025
Chia sẻ

Bạn có rơi vào trường hợp này không?

Cách đây khoảng 5 năm, khi một học sinh lớp 12 cầm tờ giấy đăng ký nguyện vọng và mạnh dạn điền vào ô "Công nghệ thông tin", "Trí tuệ nhân tạo", "Khoa học dữ liệu", hay thậm chí là "Thiết kế Game", thì ngay lập tức nhận lại cái nhíu mày từ cha mẹ. Lý do rất đơn giản:

- Không ổn định.

- Làm mấy ngành này sau ra trường thất nghiệp như chơi.

- Ngồi máy tính suốt ngày thì có mà hỏng mắt.

- Nhà làm gì có điều kiện đâu mà học.

- Toàn ngành ảo?

Nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ 7X, 8X, từng đi qua một thời "nhất y, nhì dược" nên tư duy chọn ngành nghề cũng mang màu sắc ổn định, có vị trí, có tiếng nói trong xã hội.

Một phần khác thì kiên quyết theo đuổi con đường mình chọn, phải mất rất nhiều công sức thuyết phục, hoặc âm thầm "lén" chuyển ngành sau khi đã nhập học. Dù là trường hợp nào, thì cũng đều bắt nguồn từ một thực tế: ngành học liên quan đến công nghệ, dữ liệu, AI hay game design ngày đó vẫn còn là thứ gì đó quá xa lạ với phần lớn các bậc phụ huynh vào thời điểm đó.

Họ chưa hình dung được rằng một ngày nào đó, thế giới sẽ "khát" lập trình viên như thế nào, rằng những người biết cách trò chuyện với máy móc lại chính là người đang tạo ra giá trị thật cho xã hội và rằng chính trí tưởng tượng, sự sáng tạo của con người mới là thứ không thể bị thay thế.

5 năm trước, cứ thấy con định học ngành này là phụ huynh cản, giờ lương nghìn đô nhưng mong con học thì nhận cái kết: "Thôi, chẳng thích"- Ảnh 1.

Thế rồi, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi – khoảng 5 năm – thế cờ xoay chuyển. Những ngành từng bị coi là "vô định" giờ đây lại trở thành lựa chọn vàng. Những phụ huynh từng thẳng tay gạt đi ước mơ của con giờ lại là người chủ động hỏi: "Con có định học AI không? Ngành đó giờ hot lắm".

Hay thậm chí có những bậc cha mẹ không ngại đưa con đi học lập trình từ cấp 2, cấp 3, đầu tư cho con học thêm Python, học machine learning, học tiếng Anh chuyên ngành. Những thứ mà trước đây từng bị dè bỉu là "ảo tưởng" thì nay lại được săn đón. Vì họ đã thấy thế giới thực sự thay đổi. Vì họ đã thấy những người làm trong lĩnh vực công nghệ mà kiếm được hàng nghìn đô mỗi tháng. Vì họ đã thấy ngành Game không còn là trò trẻ con, mà là một ngành công nghiệp tiềm năng. Và vì họ bắt đầu nhận ra, công nghệ không còn là tương lai – mà là hiện tại.

Sự thay đổi của phụ huynh không chỉ xuất phát từ sự “đu trend”, mà còn từ quá trình học hỏi, cập nhật thông tin và chứng kiến những trường hợp thành công thực tế. Thêm vào đó, khi nhìn thấy các tập đoàn lớn như Google, Amazon, Meta, hay thậm chí là các công ty công nghệ trong nước như FPT, VNG, VinAI... đang tuyển dụng rầm rộ, mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc năng động, thì họ mới hiểu ra: "Ngành này không hề "ảo" như mình từng nghĩ".

Có phải ai cũng phù hợp để học công nghệ?

Tuy sự thay đổi tư duy của phụ huynh là một tín hiệu tích cực, nhưng cũng cần nhấn mạnh một điều quan trọng: không phải ai học công nghệ cũng sẽ thành công, cũng như không phải cứ ngành “hot” là phù hợp với mọi người.

Việc chọn ngành học – dù là 5 năm trước hay bây giờ – vẫn nên xuất phát từ sở thích, năng lực và định hướng cá nhân. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… tuy đang là xu hướng, nhưng cũng là những lĩnh vực đòi hỏi tư duy logic, khả năng tự học cao, sự kiên trì và đam mê thật sự. Nếu chọn chỉ vì "nghe nói lương cao", "bố mẹ bảo học ngành này đang thời", hay "bạn bè ai cũng theo", thì rất dễ rơi vào tình trạng học cho có, làm cho xong. Cuối cùng lại mất cả thời gian lẫn động lực.

5 năm trước, cứ thấy con định học ngành này là phụ huynh cản, giờ lương nghìn đô nhưng mong con học thì nhận cái kết: "Thôi, chẳng thích"- Ảnh 2.

Thực tế đã có không ít trường hợp sinh viên đăng ký ngành IT, AI, hoặc khoa học máy tính vì trào lưu, nhưng sau một vài học kỳ thì rơi vào khủng hoảng vì không thể theo nổi chương trình học, hoặc không hề có đam mê với lập trình. Ngược lại, có những bạn chọn học thiết kế đồ hoạ, văn học, công tác xã hội – những ngành tưởng chừng “ít thời” – nhưng lại phát triển mạnh mẽ nhờ đúng sở trường và đam mê cá nhân. Điều quan trọng mà mọi người cần hiểu rõ: chọn ngành không chỉ là chọn cho hiện tại, mà là chọn cho hành trình dài hạn của cuộc đời.

Dù thời đại có xoay chuyển ra sao, dù công nghệ có phát triển thế nào, thì việc chọn đúng ngành hay đúng hơn, là chọn đúng bản thân mới là thứ tạo ra giá trị lâu bền nhất. Ngành hot thì có thể hạ nhiệt, công nghệ ngày nay có thể bị thay thế vào ngày mai. Nhưng nếu bạn thực sự hiểu mình giỏi gì, thích gì, muốn sống một cuộc đời như thế nào thì dù có làm kỹ sư AI hay biên tập viên sách, bạn cũng vẫn đang đi đúng đường.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày