Khi kết quả kỳ thi đại học được công bố, những sĩ tử đã khổ luyện suốt mười năm đạt được thành tích như mong đợi. Thế nhưng, một học sinh họ Vương đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc) lại nộp đơn kiện ngược trường cấp 3 từng học, để "dạy cho nhà trường một "bài học cuối cùng".
Chỉ trong một khoảnh khắc, danh tiếng của trường bị hủy hoại, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trở nên căng thẳng. Được và mất, lợi và hại – không cần người tinh tường cũng có thể nhìn rõ ràng.
Mười năm đèn sách, một ngày hóa rồng, lẽ ra đây phải là một hành trình hai chiều, thầy trò cùng nhau hân hoan. Thế nhưng kết cục lại là sự căng thẳng, đối đầu, thậm chí lôi nhau ra tòa.
Ảnh minh hoạ
Được biết, một trường trung học ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã đăng tải bản quy chế tuyển sinh trên tài khoản công khai của trường vào tháng 4 năm 2019 nhằm thu hút học sinh giỏi, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, đến theo học. Trong đó có ghi rõ: "Những học sinh thi đỗ vào các trường đại học thuộc nhóm 985, 211 (nhóm đại học tinh hoa), sẽ được nhà trường thưởng từ 50.000 đến 300 ngàn nhân dân tệ (khoảng 170 triệu đồng đến 1 tỷ đồng).
Vương là một học sinh của trường này. Em mang theo ước mơ, khổ luyện suốt ba năm trung học và cuối cùng đã thi đỗ vào một trường thuộc hệ thống 985, nhận được giấy báo nhập học như mong muốn.
Vì thế, em rất vui mừng đến xin nhà trường thực hiện cam kết ban đầu – thưởng 50.000 nhân dân tệ. Không ngờ phía nhà trường lại chẳng mảy may coi trọng quy chế tuyển sinh này. "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy", chẳng lẽ một ngôi trường lớn như vậy lại coi những lời mình nói, việc mình làm như trò chơi trẻ con?
Vương không chịu bỏ cuộc, liền đưa nhà trường ra tòa. Rất nhanh sau đó, Tòa án Nhân dân quận Mao Tiễn, thành phố Thập Yển đã tuyên án buộc trường trung học phải trả cho bạn Vương phần thưởng 50.000 nhân dân tệ.
Nhà trường thua kiện, học sinh được nhận tiền thưởng.
Trong vụ việc này, không có ai là người chiến thắng. Điều lẽ ra phải là niềm vui song phương lại trở thành một trận đối đầu căng thẳng. Khi vụ án được công khai, cộng đồng mạng chia làm hai luồng ý kiến:
Có người chỉ trích Vương "vô ơn", cho rằng việc kiện chính ngôi trường cũ của mình thể hiện sự ích kỷ, lạnh lùng, dù em có thi đỗ 985 cũng không xứng đáng ngợi khen. Nhưng cũng có người ủng hộ: Nhà trường đã tự phá vỡ lời hứa trước, Vương hoàn toàn đúng khi đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình – đây chính là bài học mà nhà trường từng dạy: hãy bảo vệ quyền lợi chính đáng bằng pháp luật.
Bởi vì, để thu hút học sinh, những điều kiện ưu đãi mà nhà trường đưa ra với học sinh và phụ huynh là có hiệu lực pháp lý. Vì vậy, mối quan hệ pháp lý dân sự giữa học sinh và nhà trường hình thành – kèm theo điều kiện thi đỗ. Nay điều kiện đã thành hiện thực, hành vi pháp lý có hiệu lực, nhà trường buộc phải thực hiện nghĩa vụ.
Tòa án chọn mức 50.000 tệ – mức thưởng thấp nhất – để ra phán quyết, phần nào thể hiện sự "tiến thoái lưỡng nan" của tòa. Đây được xem là nỗ lực để giảm căng thẳng giữa hai bên.
Thế nhưng, chuyện đã như bát nước hắt đi, không thể thu lại. Từ nay về sau, nhà trường sẽ không còn tự hào về thành tích của Vương, và Vương cũng khó lòng cảm kích ba năm dạy dỗ nơi đây. Thậm chí có thể dẫn đến cảnh hai bên không còn qua lại, đoạn tuyệt quan hệ.
Con người mà không có chữ "tín" thì không thể đứng vững. Trường học là nơi dạy dỗ con người, lại càng nên làm gương về sự thành tín. Khi tuyển sinh thì hứa hẹn chắc chắn, nhưng khi điều kiện đạt được lại im lặng, thất tín – thì lỗi trước là ở nhà trường.
Vương khởi kiện không sai, mà đó là hành động nên được khuyến khích. Có người cho rằng bạn ấy không biết ơn, nhưng phải phân biệt rạch ròi: Công lao dạy dỗ là một chuyện, thưởng thi đỗ trường top là chuyện khác. Nếu nói thành tích của bạn Vương là nhờ 100% vào trường, thì chẳng lẽ mọi học sinh cùng trường đều đỗ 985, 211 hết sao?
Điều đó là không thể. Việc thi đỗ đại học danh tiếng là kết quả tổng hòa của sự nỗ lực cá nhân, gia đình và môi trường giáo dục. Hơn nữa, Vương đã đóng học phí, đương nhiên có quyền hưởng nền giáo dục tương xứng – điều đó không liên quan đến phần thưởng được cam kết thêm.
Nếu học sinh vì sợ phiền phức mà không dám đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp, mới là điều đáng chê trách.
Hành vi thất tín của trường học không chỉ làm tổn hại đến danh dự, mà còn tạo ra tiền lệ xấu cho học sinh, đi ngược với tinh thần giáo dục. Trường học nên tự hỏi lại chính mình: Cạnh tranh không thể chỉ dựa vào vật chất, mà phải dựa vào chất lượng dạy học, triết lý giáo dục.
Người thầy mà sống mẫu mực, không cần nói cũng khiến học sinh noi theo. Ngược lại, nếu bản thân làm không đúng, dù nói hay đến đâu cũng chẳng ai nghe theo.
Kết quả cuối cùng là: Trường bị bêu tên vì thất hứa, học sinh bị xa lánh vì khởi kiện, xã hội thì bàn tán thị phi – đó có phải điều chúng ta mong muốn?