Trong những năm qua, ngành Báo chí - Truyền thông luôn được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu với học sinh tốt nghiệp THPT trên cả nước. Số lượng học sinh dự thi lớn, chất lượng cao khiến điểm chuẩn đầu vào ngành này tăng mạnh.
Đơn cử, mùa tuyển sinh 2024, điểm xét tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện lên tới 28,25 điểm, ở tổ hợp 3 môn Ngữ văn, Toán và Khoa học Xã hội (trung bình 9,41 điểm/môn). Với ngành Báo chí, chuyên ngành Báo truyền hình, Tổ hợp D78, gồm tiếng Anh nhân đôi, Ngữ văn và Khoa học Xã hội có điểm chuẩn lên tới 37,21 điểm (trung bình quân 9,31 điểm/môn). Đây là những mức điểm xét tuyển cao bậc nhất trong toàn bộ khối các trường đại học về Khoa học Xã hội.
Trong tiến trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, mà Báo chí là một trong những ngành thực hiện đầu tiên, tạo ra những dao động nhất định với học sinh trước ngưỡng cửa đại học, và cả các sinh viên trường báo. Không ít học sinh thận trọng hơn khi được hỏi về lựa chọn ngành học Báo chí - Truyền thông.
Không ít học sinh trở nên thận trọng hơn khi được hỏi về lựa chọn ngành Báo chí - Truyền thông.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi, những lo lắng trên chỉ là nhất thời, bởi tiến trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang ở bước đầu, còn nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phải thu gọn, nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng nếu thực sự có kỹ năng báo chí, người làm nghề sẽ không bao giờ lo thiếu việc làm.
"Những người rời khỏi các cơ quan báo chí nếu thực sự có kỹ năng nghề nghiệp sẽ nhanh chóng tìm được việc làm mới. Tất nhiên, đó phải là những công việc đòi hỏi họ thực sự lao động, vận dụng kinh nghiệm của mình, chứ không thể làm qua loa mà mong được hưởng thành quả", ông Tuyến nói.
Từ quan điểm là cơ sở đào tạo sinh viên ngành báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá, những biến động về cơ hội việc làm tác động đến công tác tuyển sinh của nhà trường, nhưng đây cũng được xem là cơ hội, bộ lọc hữu ích.
"Sẽ không còn tình trạng nhiều sinh viên chọn học Báo chí theo trào lưu như các năm trước. Thời gian tới, những sinh viên theo đuổi ngành này sẽ là những học sinh thực sự yêu nghề, có tâm huyết. Đây là tín hiệu tích cực đối với công tác đào tạo của nhà trường", bà Giang nói.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - việc làm 2025. (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, khi cơ hội nhóm ngành Báo chí giảm đi, thì nhóm ngành Truyền thông (như Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng, Quan hệ công chúng) vẫn được đánh giá là hấp dẫn với cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai.
Thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn chú trọng xây dựng chương trình đào tạo những ngành này theo hướng hiện đại, bắt kịp xu hướng quốc tế và nhận được sự đánh giá tích cực từ phía nhà tuyển dụng.
Những năm qua, dù doanh thu ngành Báo chí toàn cầu giảm xuống, nhưng tổng doanh thu của lĩnh vực Truyền thông (bao gồm cả ngành Báo chí) vẫn đang tăng lên. Điều đó cho thấy, tổng thể hoạt động Báo chí - Truyền thông không hề co lại, mà đang chuyển từ dạng này sang dạng khác, theo sự phát triển khoa học công nghệ và xu thế chung của thời đại.
"Cơ hội việc làm cho sinh viên nhóm ngành Báo chí - Truyền thông vẫn rất lớn, miễn sao các em lựa chọn được phân ngành vừa phù hợp với năng lực, phù hợp với xu thế vận động của lĩnh vực này", bà Giang khẳng định.