Đoạn clip 1 phút 30 giây khiến nửa triệu người dừng chân: Điểm 10 là chưa đủ!

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 07:59 14/04/2025
Chia sẻ

Xem mà tưởng như đang được xuyên không ấy chứ!

Được đắm mình trong tiếng nhạc nhã nhạc du dương, giữa không gian cung đình lộng lẫy như các buổi yến tiệc thời xưa xửa xừa xưa có lẽ là một trải nghiệm rất "chanh xả" mà nhiều người muốn thử.

Và mới đây, một đoạn video TikTok từ tài khoản @ttw__08 đã khiến cộng đồng mạng "rần rần" vì mang lại đúng cảm giác đó. Clip nhanh chóng viral với hơn 482k lượt xem và cả ngàn bình luận, bởi khi mới lướt qua ai cũng ngỡ đây là cảnh trong một buổi biểu diễn nghệ thuật long trọng giữa cung đình Huế xưa – từ trang phục, nhạc cụ đến thần thái, tất cả đều toát lên sự trang nghiêm, tinh tế và đầy chất "cổ phong".

Xem mà ngỡ như đang dự tiệc trong triều đình ngày xưa. (Nguồn: @ttw__08)

Nhưng bất ngờ là – đây chỉ là một bài tập nhóm của sinh viên trong môn Cơ sở văn hoá tại Đại học Văn Lang. Một sản phẩm học thuật nhưng lại mang đậm chất nghệ thuật, được thể hiện đầy cảm hứng và sáng tạo, đủ để khiến người ta phải trầm trồ vì không nghĩ rằng sinh viên lại có thể "làm thật" và "làm tới" đến vậy. 

Môn Cơ sở văn hoá vốn là một học phần nền tảng quan trọng trong chương trình đào tạo, nhằm giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển của văn hoá Việt Nam – từ những phong tục tập quán đời thường đến các hệ giá trị tinh thần, các loại hình nghệ thuật truyền thống và các di sản được thế giới công nhận. Với nhiều trường đại học, đây có thể là một môn mang tính lý thuyết, khô khan và khó tiếp cận với sinh viên trẻ. Tuy nhiên, tại Đại học Văn Lang, môn học này đã được "thổi hồn" bằng một cách tiếp cận cực kỳ mới mẻ, gần gũi và sinh động.

Thay vì học bằng sách giáo khoa và lý thuyết thuần tuý, sinh viên được khuyến khích tự mình khám phá, tìm hiểu và thể hiện kiến thức bằng chính góc nhìn và ngôn ngữ sáng tạo của thế hệ trẻ thông qua các hoạt động sáng tạo, như biểu diễn nghệ thuật, mô phỏng lễ hội, làm phim ngắn... Và sản phẩm của nhóm bạn trẻ này là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hoàn hảo giữa tri thức và nghệ thuật. Có thể nói, trường Văn Lang thực sự đã tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được học mà chơi, chơi mà học một cách đầy cảm hứng. 

Đoạn clip 1 phút 30 giây khiến nửa triệu người dừng chân: Điểm 10 là chưa đủ!- Ảnh 1.

Phần biểu diễn khiến nhiều người ngỡ mình vừa "xuyên không"

Trong video, các bạn đã tái hiện lại một phần của nhã nhạc cung đình Huế – một loại hình âm nhạc bác học từng được trình diễn trong các dịp lễ nghi trọng đại của triều đình nhà Nguyễn và cũng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận. Từng thanh âm, từng tiết tấu trong nhã nhạc đều được lựa chọn và sắp xếp một cách công phu, mang tính biểu tượng cao, thể hiện sự uy nghiêm của vương quyền và đồng thời là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hoá cung đình Việt Nam. Nhã nhạc không chỉ là âm nhạc, mà còn là kết tinh của tinh hoa văn hoá, thẩm mỹ và tâm hồn người Việt xưa.

Đoạn clip 1 phút 30 giây khiến nửa triệu người dừng chân: Điểm 10 là chưa đủ!- Ảnh 2.

Nhã nhạc cung đình Huế được coi là một kiệt tác âm nhạc bác học và tao nhã

Các bạn sinh viên trường Đại học Văn Lang đã "hô biến" bài thuyết trình môn học tưởng chừng khô khan này thành một sản phẩm văn hoá nghệ thuật, không chỉ mặc trang phục truyền thống, múa chén uyển chuyển, mà còn chơi cả các loại đàn dân gian như đàn tranh, đàn bầu với thần thái "đỉnh của chóp". Clip tuy không dài nhưng đủ để khiến người xem trầm trồ không biết là đang coi TikTok hay được xuyên không về thời vua chúa ngày xưa.

Quan trọng hơn hết, phần trình diễn ấy còn truyền tải được một cảm xúc rất riêng – cảm giác tự hào và gần gũi với di sản dân tộc. Không chỉ là học, không chỉ là diễn, mà chính là đang kể lại một câu chuyện của quá khứ bằng ngôn ngữ nghệ thuật của hiện tại. Trong bối cảnh mà nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần bị lãng quên giữa làn sóng văn hoá đại chúng, những sản phẩm như thế này giống như một "ngọn lửa nhỏ" thắp sáng lại ký ức văn hoá, lan toả tình yêu dân tộc đến với giới trẻ một cách tự nhiên, không gượng ép.

Rõ ràng, khi giáo dục mở đường cho sự sáng tạo, sinh viên sẽ không chỉ tiếp thu kiến thức, mà còn biết cách lan toả những giá trị đẹp của văn hoá dân tộc – theo cách rất riêng, rất mới và rất "chất" của thế hệ mình.

Netizen cũng đã để lại rất nhiều bình luận thú vị dưới bài đăng:

Thật sự không chỉ riêng Cơ sở văn hoá Việt Nam không đâu, những môn về văn hoá khác học xong là thấy yêu nước hơn bình thường nữa, văn hoá Việt Nam mình còn nhiều thứ hay ho và đặc sắc lắm, bởi mới nói đặc trưng của văn hoá nước ta là sự thống nhất trong đa dạng.

- Bài tập mà làm tới đây thì thầy cô chấm điểm chắc cũng "áp lực" dữ!

- Đây là lý do mình thích văn hoá Việt, vừa chất vừa chill như này nè.

- Coi xong là muốn về Huế liền.

- Điểm 10 là chưa đủ cho phần thuyết trình này!

- Học về văn hóa Việt Nam thì phải có những trải nghiệm sâu sắc như thế này chứ!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày