Tuổi thơ của tôi, như rất nhiều đứa trẻ khác, gắn liền với những chiều tà đầy tiếng cười. Tivi màn hình lồi, quạt máy chạy phành phạch, bà thì phe phẩy cái quạt mo, còn tôi ngồi xếp bằng trước màn hình, chờ từng tập Doraemon được phát sóng.
Tôi thích Doraemon. Nhưng tôi lại để ý đến Nobita nhiều hơn. Vì… sao mà cậu ấy dở thế không biết. Đi học thì điểm 0, thể thao thì đội sổ, bạn bè thì hay bắt nạt, đã thế lại còn mít ướt, hậu đậu, lúc nào cũng chỉ biết chạy về nhà khóc lóc đòi Doraemon giúp đỡ.
Tôi từng rất thương Nobita. Cậu ấy như đại diện cho kiểu nhân vật "xui xẻo toàn tập", giống như trời sinh ra chỉ để làm nền cho những bảo bối thần kỳ và bài học cuối mỗi tập phim. Mỗi lần thấy cậu ấy bị Chaien trêu, hay bị thầy giáo mắng vì không làm bài, tôi lại thấy tội tội. Lúc nhỏ xem phim, tôi thầm nghĩ: "Làm người mà yếu đuối như Nobita chắc khổ lắm".
Lúc ấy, tôi vẫn tin rằng mình sẽ khác. Tôi sẽ giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn, và lớn lên mà không cần phải khóc nhè hay năn nỉ ai giúp mình hết.
Nhưng rồi tôi lớn lên và tôi ngớ người nhận ra người đáng thương… là mình.
Tôi bắt đầu đi học, đi làm, đi họp, đi chạy deadline, đi lo trả tiền điện, đi đối mặt với những ngày không ai hiểu mình, đi qua những tháng mỏi mệt đến mức không còn thiết tha gọi điện về nhà. Tôi bắt đầu biết cảm giác bị nhấn chìm trong một thế giới không có ai đến cứu, không có túi thần kỳ, không có bảo bối, không có ai nói câu: "Đưa đây, để tớ lo".
Tôi bắt đầu hiểu rằng: hóa ra, được là Nobita cũng… hay đấy chứ.
Vì cậu ấy có Doraemon.
Cậu ấy có quyền yếu đuối. Có quyền thừa nhận mình sợ hãi, thất bại, kém cỏi. Có thể ngồi bệt xuống đất và khóc lóc thật to mà không bị đánh giá là “thiếu bản lĩnh”. Có thể xin giúp đỡ mà không thấy xấu hổ.
Còn tôi thì không.
Người lớn chúng ta lớn lên với định nghĩa: "Tự lập là phải tự lo", "Mạnh mẽ là không được khóc", "Thành công thì không được phép sai", "Trưởng thành rồi thì phải biết điều"...
Và thế là mỗi ngày, tôi - và rất nhiều người như tôi - tự mặc lên người một cái áo giáp vô hình. Chúng tôi cười khi buồn, gật đầu khi mỏi mệt, nói "ổn mà" khi tâm trí đã kiệt quệ. Chúng tôi đi làm như thể mình là robot – đúng giờ, đúng việc, đúng KPI nhưng chẳng ai biết rằng trong lòng vẫn là một đứa trẻ đang mong có một ai, bất kỳ ai, nói rằng: "Tớ biết cậu mệt rồi. Không sao đâu".
Chúng ta là Nobita - chỉ khác là không có Doraemon.
Có người bảo: "Nobita là hình mẫu của sự yếu đuối". Nhưng có lẽ, tôi đã từng quá vội vàng gán cho cậu ấy cái mác "vô dụng". Vì thật ra, Nobita sống thật với cảm xúc của mình. Cậu dám thừa nhận mình cần giúp đỡ. Dám nhờ cậy người khác. Dám bộc lộ những giới hạn mà người lớn chúng ta đã học cách che giấu đi.
Nếu ngày bé tôi thấy Nobita đáng thương vì cậu quá phụ thuộc vào Doraemon, thì giờ đây, tôi thấy bản thân mình đáng thương hơn vì chẳng dám dựa vào ai.
Cuộc sống người lớn không cho phép chúng ta yếu đuối một cách công khai. Không ai cho bạn 10 phút khóc giữa văn phòng chỉ vì hôm nay bạn cảm thấy tệ. Không ai đưa bạn cái bánh thần kỳ để bạn bỗng dưng giỏi tiếng Nhật sau một đêm. Không ai viết lại bài kiểm tra cuộc đời cho bạn khi bạn "làm sai".
Chúng ta cứ thế trưởng thành, lặng lẽ và đơn độc.
Nên đôi khi, tôi ước được một lần làm Nobita trở lại. Được khóc nức nở. Được vấp ngã và có người kéo tay dậy. Được tha thứ khi mắc sai. Và được yêu thương - không cần phải giỏi giang hay hoàn hảo.
Giờ tôi mới hiểu vì sao truyện Doraemon vẫn còn nguyên sức sống sau bao nhiêu năm. Vì nó không chỉ dành cho trẻ con. Nó dành cho cả người lớn – những người tưởng đã cứng rắn nhưng thật ra đang loay hoay tìm một nơi để mềm yếu.
Doraemon không phải là một giấc mơ công nghệ. Mà là giấc mơ tình cảm. Một khát khao rất người: được ở cạnh ai đó dịu dàng, biết lắng nghe và luôn ở bên dù ta là ai, dù ta giỏi hay dở.
Tuổi thơ tôi từng khóc cho Nobita. Bây giờ, tôi khóc cho chính mình.
Và nếu bạn - người đang đọc những dòng này - cũng thấy mình trong câu chuyện ấy, thì hãy cứ cho phép bản thân yếu đuối một chút. Cứ sống thật, dù chỉ là trong vài phút. Vì đôi khi, chính sự thừa nhận rằng "mình đáng thương thật" lại là bước đầu tiên để chữa lành.
Và biết đâu đấy, bạn sẽ gặp được một "Doraemon" theo cách của riêng mình.
Theo 163.com