Gửi con 3 tuổi học mầm non quốc tế, bé sặc cháo cấp cứu, mẹ đòi check camera thì được trả lời: "Camera chỉ hoạt động từ 8h đến 10h sáng"

Thiên An, Theo Đời sống & Pháp luật 00:07 09/04/2025
Chia sẻ

Người mẹ trong sự việc cảm thấy vô cùng bất bình vì mình đã bị "lừa" theo cách không ngờ đến.

Vụ việc xảy ra tại một trường mầm non quốc tế ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào năm 2021. Chị Lưu - một bà mẹ đơn thân sống tại thành phố Thành Đô - từng tin rằng mình đã đưa ra quyết định đúng đắn khi gửi con trai 3 tuổi vào một trường mầm non quốc tế danh tiếng, với mức học phí lên tới 28.000 tệ/năm (khoảng 100 triệu đồng). Trường được quảng cáo có giáo trình phương Tây, giáo viên người nước ngoài, camera giám sát 24/7 và chế độ dinh dưỡng cá nhân hoá.

Nhưng chỉ sau 3 tháng học, một cuộc gọi từ trường đã khiến cuộc sống của chị hoàn toàn đảo lộn.

"Cô giáo gọi cho tôi lúc hơn 11 giờ trưa, nói rằng con tôi bị sặc cháo, hiện đang được đưa đến bệnh viện gần nhất. Tôi lao đến nơi thì thấy con đang nằm trong phòng cấp cứu, mặt tím tái, bác sĩ bảo rất may là đưa đến kịp, nếu chậm vài phút có thể ngưng thở", chị kể.

Lo lắng nhưng vẫn giữ bình tĩnh, chị Lưu yêu cầu được xem lại camera để hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra trong lớp học. Tuy nhiên, nhà trường đưa ra một câu trả lời khiến chị phẫn nộ: "Camera của trường chỉ hoạt động từ 8h đến 10h mỗi ngày. Sau đó là giờ nghỉ và sinh hoạt riêng, để bảo vệ quyền riêng tư của giáo viên và học sinh".

Chị Lưu sốc nặng, vì trước đó hợp đồng ghi rõ: "Trường được trang bị hệ thống camera toàn diện, phụ huynh có thể theo dõi từ xa mọi hoạt động của trẻ". Khi chị đưa hợp đồng ra đối chiếu, đại diện nhà trường trả lời rằng đó chỉ là "cách diễn đạt marketing, không mang tính ràng buộc pháp lý".

Không có camera, không có biên bản sự việc, tất cả chỉ dựa vào lời kể của cô giáo phụ trách - người nói rằng bé "ăn nhanh quá, không kịp nuốt" và rằng "lúc đó lớp đông nên không kịp phát hiện sớm".

Điều khiến chị Lưu thêm nghi ngờ là khi yêu cầu cung cấp thực đơn bữa ăn hôm đó và số trẻ có mặt, trường từ chối vì "quy định nội bộ không cho phép tiết lộ thông tin liên quan đến lớp học".

Chị Lưu sau đó đã gửi đơn phản ánh đến Sở giáo dục Thành Đô, nhưng được trả lời rằng trường mầm non này là cơ sở tư thục có yếu tố đầu tư nước ngoài, nằm ngoài hệ thống quản lý trực tiếp.

Câu chuyện của chị Lưu sau khi được đăng tải đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Nhiều người đồng cảm với chị Lưu và cho rằng đây chính là một bài học cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khác cần cẩn trọng hơn khi chọn trường cho con, nhất là các ngôi trường có yếu tố nước ngoài.

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra tại các trường mầm non tư thục hoặc quốc tế. Nhiều trường học sử dụng danh nghĩa "quốc tế" để thu hút phụ huynh, nhưng hệ thống giám sát, quản lý lại không hề đạt chuẩn.

Vậy, cha mẹ cần lưu ý gì khi chọn trường mầm non cho con?

1. Không chỉ xem cơ sở vật chất, mà phải hỏi rõ các chính sách xử lý sự cố

Trường có quy trình xử lý ra sao khi trẻ bị té ngã, sặc thức ăn, hay có biểu hiện bất thường về sức khỏe? Có cán bộ y tế trực 24/7 hay chỉ gọi người thân? Khi xảy ra sự cố, có lập biên bản rõ ràng, có người chịu trách nhiệm cụ thể hay không? Đây đều là những câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng lại cực kỳ quan trọng để đánh giá mức độ chuyên nghiệp và minh bạch của một ngôi trường.

2. Hỏi kỹ về hệ thống camera giám sát và quyền truy cập của phụ huynh

Hầu hết các trường hiện nay đều có camera, nhưng không phải camera nào cũng bật 24/7, và không phải phụ huynh nào cũng được truy cập khi cần. Camera hoạt động trong khung giờ nào? Dữ liệu lưu trong bao lâu? Phụ huynh có quyền yêu cầu trích xuất hay chỉ xem được những gì nhà trường cho phép? Nếu camera chỉ là "vật trang trí", hoặc chỉ phục vụ... giờ đón khách tham quan, thì cha mẹ nên đặt dấu hỏi lớn về mức độ minh bạch thực sự.

3. Không nên quá tin vào yếu tố "quốc tế", "song ngữ", hay mức học phí cao

Nhiều trường mầm non sử dụng các khái niệm như "chuẩn Mỹ", "phương pháp Montessori", "học qua chơi" để thu hút phụ huynh, nhưng nội dung thực tế có thể rất khác. Hãy hỏi rõ về đội ngũ giáo viên: Có bằng cấp gì? Có được đào tạo chuyên môn sư phạm mầm non không? Tỷ lệ giáo viên/người chăm sóc so với số trẻ là bao nhiêu? Quan trọng hơn, trường có quy tắc ứng xử như thế nào với trẻ? Có chính sách xử lý phản ánh hay tố cáo từ phụ huynh không?

4. Đọc kỹ hợp đồng và nếu có thể, yêu cầu bổ sung điều khoản rõ ràng

Hợp đồng giữa phụ huynh và nhà trường cần được xem xét kỹ lưỡng như bất kỳ hợp đồng dịch vụ nào. Hãy chú ý các điều khoản liên quan đến trách nhiệm khi xảy ra sự cố, quyền truy cập thông tin, quyền được phản ánh, hoàn phí nếu có tranh chấp… Đừng ngần ngại yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ các điều khoản mập mờ, vì đó là quyền lợi chính đáng bảo vệ con cái bạn.

Theo Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày