Ngày xưa, khi người ta nói đến chữ “bất hiếu”, ai cũng dễ hình dung ra những hình ảnh rõ ràng và có phần kịch tính: những đứa con cãi lời cha mẹ, bỏ bê công ơn sinh thành, không gửi tiền về, không chăm lo lúc ốm đau, thậm chí nặng hơn là hành hạ, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Xã hội dán nhãn ngay: “Đồ con bất hiếu”.
Nhưng thời đại bây giờ, giữa những đứa con ngoan ngoãn, có học thức, biết kiếm tiền, biết tặng quà lễ Tết, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi – lại đang âm thầm xuất hiện một loại bất hiếu mới. Không ồn ào. Không cãi vã. Không một giọt nước mắt rơi ngay lúc đó. Nhưng gia đình thì tan vỡ. Mối quan hệ ruột thịt thì rạn nứt. Bữa cơm gia đình trở thành điều hiếm hoi. Tin nhắn “Con bận” trở thành câu trả lời mặc định. Và tệ nhất là: Tất cả đều cho rằng mọi thứ vẫn ổn.
Có một kiểu bất hiếu mới, đang gặm nhấm từng mái nhà như mối mọt. Không phải do con cái hư, mà là do con cái quá “ngoan” theo định nghĩa xã hội hiện đại: độc lập, tự chủ, biết sống cho bản thân, biết ưu tiên sức khỏe tinh thần, biết “cắt đứt những mối quan hệ độc hại” – đôi khi là… với chính cha mẹ mình.
Bố mẹ ngày ngày vẫn nấu cơm, dọn dẹp, chờ một tin nhắn hỏi thăm. Con cái ngày ngày bận rộn, chạy theo công việc, bạn bè, deadline và lý tưởng sống riêng. Mỗi người đều đang sống đúng “vai” của mình. Vậy mà không hiểu sao, càng về sau, họ càng xa nhau. Đến một lúc nào đó, căn nhà từng ấm áp chỉ còn là nơi về ngủ. Gia đình – vốn là “gốc rễ” – trở thành “nơi để về nếu còn chỗ”.
Một số người trẻ bắt đầu cảm thấy… không nhất thiết phải duy trì mối quan hệ thân thiết với bố mẹ. Họ viện dẫn lý do: “Bố mẹ cũng là người lớn, có cuộc sống riêng. Con có lỗi gì đâu nếu sống cho mình?” , hoặc: “Ngày xưa bố mẹ dạy con mạnh mẽ, tự lập mà, giờ con sống đúng như vậy thì lại trách à?”.
Những lý do nghe rất hợp lý, văn minh, trưởng thành. Nhưng vấn đề là: sự trưởng thành không đồng nghĩa với việc cắt đứt tình thân. Càng lớn, con người càng phải hiểu rằng, nếu tình cảm không được nuôi dưỡng, thì nó sẽ khô cạn. Nếu không có một ai chủ động vun đắp, thì sợi dây gia đình – tưởng bền chặt nhất – cũng có thể đứt lúc nào không hay.
Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh cũng góp phần vào loại “bất hiếu hiện đại” này bằng chính sự hy sinh thầm lặng và… cam chịu. Họ thường nói: “Miễn con cái sống tốt là được, cha mẹ không cần gì hết”. Nhưng thật ra, bên trong họ là nỗi cô đơn không nói ra, là sự chờ đợi một lời hỏi thăm, một bữa cơm cùng con, một cái ôm bất ngờ mà không cần lý do. Nhưng chính vì sự im lặng ấy mà con cái tưởng là không cần. Dần dà, họ không còn thấy vai trò của mình trong cuộc sống của bố mẹ, và ngược lại. Tình thân trở nên “lỏng lẻo trong hòa bình”.
Một nghịch lý đau lòng là: càng trong những gia đình “ổn”, thì sự tan vỡ âm thầm lại càng đáng sợ. Không có trận cãi nhau nào để nhận ra cần hàn gắn. Không có tổn thương rõ ràng để sửa chữa. Chỉ có khoảng cách, dần dần kéo giãn từng ngày. Mỗi người đều nghĩ: “Chắc mai sẽ gọi”. Nhưng mai cứ thế lặp lại trong vô tận, cho đến khi một ngày, chiếc ghế quen thuộc bên mâm cơm trống vắng. Lúc đó, mới bàng hoàng nhận ra: mình đã sống quá “đúng”, quá “tròn vai”, nhưng lại quên mất điều quan trọng nhất – yêu thương cần được thể hiện, không phải chỉ suy nghĩ trong đầu.
Loại bất hiếu mới này không dễ chỉ mặt đặt tên, nhưng hậu quả thì rất rõ ràng. Nó khiến gia đình trở thành một khái niệm trừu tượng, không còn là nơi để người ta thuộc về . Nó khiến những người trong cùng một nhà trở thành những “người lạ thân thiện”: không ghét nhau, vẫn chúc nhau sinh nhật vui vẻ, vẫn gửi quà biếu Tết, vẫn mời nhau cưới hỏi – nhưng không còn hiểu nhau, không còn kết nối.
Bất hiếu hiện đại không nằm ở hành động cụ thể, mà nằm ở sự thờ ơ có chủ đích. Là khi con cái đặt sự nghiệp, bạn bè, lý tưởng cá nhân lên trên cả việc dành thời gian cho cha mẹ. Là khi sự hiện diện của bố mẹ trong đời sống tinh thần chỉ còn là… ảnh đại diện Zalo. Là khi những câu chuyện ngày xưa từng là kỷ niệm, giờ trở thành thứ “nghe mãi cũng chán”. Là khi mỗi lần về quê lại là một lần “gắng gượng vì nghĩa vụ”, chứ không còn là niềm mong mỏi. Và tệ hơn nữa, là khi tất cả những điều đó được hợp lý hóa bằng mác “con bận”, “con độc lập”, “con cần không gian riêng”.
Sẽ có người phản biện: “Nhưng chẳng phải sống cho bản thân là điều tốt sao? Không lẽ vì bố mẹ mà con phải sống gượng ép, không được theo đuổi ước mơ à?” – Không. Không ai bắt bạn hy sinh cuộc sống cá nhân. Nhưng sống cho bản thân không đồng nghĩa với việc sống một mình . Gia đình không phải là sợi dây trói buộc, mà là nguồn gốc sức mạnh để bạn đi xa hơn. Nếu bạn đủ bản lĩnh để thành công ngoài xã hội, thì cũng nên đủ tinh tế để nhận ra: một cuộc gọi, một tin nhắn, một lần về thăm – đôi khi chính là thứ nuôi dưỡng tình cảm gia đình quý giá nhất.
Chúng ta không thể sống mãi bên cha mẹ. Cũng như cha mẹ không thể ở mãi để “luôn sẵn đó” như khi ta còn bé. Họ già đi, yếu đi, ít nói hơn – nhưng vẫn chờ. Không ai dạy chúng ta cách làm con khi đã trưởng thành. Nhưng chính vì vậy, ta càng phải học. Học cách chăm sóc tình thân, học cách quay về, học cách ngồi lại bên mâm cơm và lắng nghe không chỉ bằng tai, mà bằng trái tim.
Bất hiếu thời nay không còn là hành động chống đối. Mà là sự lạnh nhạt được bọc trong danh nghĩa “bận rộn”. Là khoảng cách được che giấu bởi sự lễ phép. Là lời yêu thương không bao giờ được nói ra, vì cứ nghĩ "họ biết rồi". Nhưng không, tình thân cũng như lửa: không châm thì tắt.
Và khi một ngày bạn ngồi trong căn nhà lớn, tài khoản đủ đầy, điện thoại đầy tin nhắn nhưng chẳng ai còn gọi bạn là “con ơi” – thì lúc đó, bạn mới hiểu: có những điều, mất rồi, không bao giờ lấy lại được.
Theo 163.com