Học sinh lớp 1 viết sai đáp án nhưng khiến rất nhiều người lớn phải thấy xấu hổ

Thiên An, Theo Thanh niên Việt 08:03 10/04/2025
Chia sẻ

Ngay cả cô giáo khi đọc đáp án em viết ra cũng rưng rưng nước mắt.

Trong một bài tập mỹ thuật dành cho học sinh tiểu học ở Trung Quốc với đề bài "Hãy tô màu thật đẹp cho những người vất vả quanh em, và viết lời em muốn nói với họ", hầu hết các em đều viết những lời cảm ơn, ngợi ca người lao động, từ lính cứu hỏa đến bác nông dân.

Thế nhưng có bài làm của một em học sinh lớp 1 - người có thành tích thường đứng "chót lớp" lại khiến cô giáo phải rưng rưng nước mắt.

Cậu bé đã vẽ một chú lính cứu hỏa mặc đồng phục đỏ cam rực rỡ và một bác nông dân cầm cào, rồi viết bên dưới: "Chú không cần làm việc nữa đâu ạ"/ "Bác không cần làm việc nữa đâu ạ".

Học sinh lớp 1 viết sai đáp án nhưng khiến rất nhiều người lớn phải thấy xấu hổ- Ảnh 1.

Bài tập của một cậu bé lớp 1 gây sốt

Khi cô giáo hỏi: "Tại sao em lại viết như vậy?", cậu bé nghiêm túc trả lời: "Vì họ vất vả quá rồi. Nếu em chỉ nói 'chú vất vả rồi' hay cảm ơn họ thì cũng chẳng giúp được gì. Em nghĩ họ nên nghỉ ngơi một chút, đừng mệt nữa…".

Đó rõ ràng là một câu trả lời sai với đáp án thông thường, nhưng lại đúng với cả một bài học về cuộc đời.

Trên thực tế, những bài làm như vậy không hiếm gặp trong các lớp tiểu học - nơi trí tưởng tượng và sự đồng cảm của trẻ em vẫn chưa bị đóng khung bởi "đáp án chuẩn".

Trước đó, MXH cũng từng lan truyền một bài tập khác gây sốt. Bài tập đưa ra yêu cầu có nội dung như sau: "Mẹ mua về 5 cái bánh, chia cho 4 anh em, làm sao chia cho công bằng?". Hầu hết học sinh đều chọn phương án chia cái bánh thứ 5 thành 4 phần - đáp án được cho là "đúng".

Nhưng một cậu bé lại trả lời: "Cho mẹ một cái".

Cậu bé không đạt điểm tuyệt đối. Nhưng em khiến không ít phụ huynh phải chững lại. Ai dám nói đáp án đó là sai?

Những bài làm "sai đáp án, đúng tình cảm" này khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ: Có đôi khi, việc nhấn mạnh quá mức đến đáp án đúng - sai, điểm số tuyệt đối, bảng thành tích dày cộm có thể khiến những suy nghĩ thuần khiết và nhân hậu bị đặt ra ngoài lề. Suy cho cùng, giáo dục không chỉ là để tạo ra người đạt điểm cao. Giáo dục là để nuôi dưỡng những con người biết suy nghĩ, biết yêu thương và dám nói ra những điều mình tin là đúng.

Học sinh lớp 1 viết sai đáp án nhưng khiến rất nhiều người lớn phải thấy xấu hổ- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Không ai phủ nhận vai trò của kiểm tra, đánh giá và các tiêu chuẩn học thuật. Nhưng nếu mọi bài kiểm tra chỉ chấm điểm theo "một đáp án đúng", thì rất nhiều suy nghĩ sáng tạo, nhân văn và độc lập sẽ bị coi là... sai.

Đó không chỉ là thiệt thòi cho học sinh, mà còn là một mất mát cho cả xã hội. Chúng ta cần nhiều hơn những giáo viên dám lắng nghe một câu trả lời khác biệt, và nhiều hơn những phụ huynh dám tự hào khi con mình nói: "Bác không cần làm việc nữa đâu ạ".

Giáo dục, về bản chất, không phải để tạo ra những "sản phẩm giống hệt nhau". Nó là hành trình khai mở từng cá nhân với suy nghĩ, cảm xúc và cách cảm nhận thế giới rất riêng. Và đôi khi, những bài học lớn nhất lại đến từ một bài làm tưởng chừng "sai be bét" nhưng lại đúng đến lạ kỳ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày