Một kiểu ăn bám mới nhưng hậu quả khôn lường: Con cái bào mòn hết tiền nhưng cha mẹ vẫn tự hào "Con tôi ngoan lắm"

Dương, Theo Đời sống & Pháp luật 15:30 09/04/2025
Chia sẻ

Nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh để con cái sống phụ thuộc vào mình.

Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Lâm (Trung Quốc) từng làm việc hai năm tại một thành phố lớn với mức lương khoảng 8000 tệ (~28 triệu đồng) mỗi tháng. Một nửa số tiền dùng để thuê nhà, ăn uống và đi lại tiêu thêm 2000 tệ (~7 triệu đồng) cuối tháng chẳng tiết kiệm được đồng nào.

Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc, trở về quê sống cùng bố mẹ. Ăn cơm nhà, thỉnh thoảng nhận làm vài việc lặt vặt, chi tiêu cả năm chỉ khoảng 3000 tệ (~10,5 triệu đồng). 

Cô nói: “Không phải là không muốn phấn đấu, mà là nhận ra dù có cố gắng thế nào cũng chẳng theo kịp giá nhà ở thành phố lớn, nên đành chọn cách sống khác”.

Đằng sau tâm lý đó là sự lung lay của thế hệ trẻ đối với niềm tin truyền thống rằng “có cố gắng là sẽ thành công”.

Giá nhà cao ngất ngưởng, văn hóa làm việc “996” (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần), và sự cạnh tranh khốc liệt nơi công sở khiến nhiều người trẻ cảm thấy kiệt sức, thậm chí chọn cách “nằm yên” thay vì tiếp tục chạy đua.

Dù không muốn bị dán nhãn “ăn bám”, nhưng nhiều người trẻ vẫn đang sống dựa vào cha mẹ một cách tinh vi hơn, tạo ra một loạt “hình mẫu độc lập giả”.

Họ bán đồ cũ kiếm thêm tiền lẻ, tận dụng điểm thưởng thẻ tín dụng, tìm kiếm tài nguyên miễn phí – bề ngoài có vẻ sống tiết kiệm và tự lập, nhưng thực chất vẫn dựa vào sự hậu thuẫn của cha mẹ: nơi ăn chốn ở, cuộc sống căn bản.

Một kiểu ăn bám mới nhưng hậu quả khôn lường: Con cái bào mòn hết tiền nhưng cha mẹ vẫn tự hào "Con tôi ngoan lắm"- Ảnh 1.

Nhiều cha mẹ không nhận ra con đang ăn bám mình (Ảnh minh hoạ)

Một kiểu “ăn bám” cha mẹ mới

Khi nhắc đến chuyện ăn bám, nhiều người thường nghĩ đến cảnh con cái suốt ngày chìa tay xin tiền bố mẹ. Nhưng thực tế giờ đây đã phức tạp hơn rất nhiều.

Thú vị là, giới trẻ hiện nay có những tiêu chuẩn riêng để đánh giá “ăn bám”:

Trong một cuộc khảo sát ẩn danh, 70% người tham gia cho rằng “ở nhà bố mẹ nhưng tự trả sinh hoạt phí thì không tính là ăn bám”.

Ngược lại, những hành vi như “để bố mẹ vét sạch tiền tiết kiệm mua nhà, mua xe” lại bị xem là điển hình của ăn bám thực sự.

Ranh giới mà họ đặt ra nằm ở chỗ: Có đang tiêu xài tương lai của bố mẹ hay không.

Sống cùng gia đình, ăn cơm nhà, dùng chung điện nước có thể được chấp nhận.

Nhưng nếu để bố mẹ dùng đến tiền dưỡng già, thậm chí phải đi làm thêm để trả nợ thay con, thì sẽ bị cả thế hệ lên án mạnh mẽ.

Thái độ của các bậc cha mẹ đối với chuyện con cái ăn bám phức tạp hơn ta tưởng.

Có một kiểu cha mẹ “chủ động chu cấp” – như dì Vương, hàng xóm tôi. Con trai bà nằm ở nhà suốt ba năm, nhưng bà vẫn nói: “Giờ kiếm việc khó lắm! Chúng tôi có lương hưu đủ dùng, coi như nuôi thêm vài năm nữa.”

Những người làm cha mẹ như vậy từng trải qua khổ cực, nên muốn con cái được sống thoải mái hơn, thậm chí xem việc chăm lo cho con là chỗ dựa tinh thần.

Một kiểu ăn bám mới nhưng hậu quả khôn lường: Con cái bào mòn hết tiền nhưng cha mẹ vẫn tự hào "Con tôi ngoan lắm"- Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh để con cái sống phụ thuộc vào mình (Ảnh minh hoạ)

Còn có kiểu cha mẹ “bị động gánh vác”.

Bạn tôi – lão Trương – từng than thở: “Con trai nói ở nhà ôn thi công chức, ba năm rồi vẫn chưa đỗ. Chúng tôi không dám thúc giục, sợ nó nghĩ quẩn”.

Những cha mẹ này mang trong mình cảm giác tội lỗi, cho rằng năm xưa không thể cho con điều kiện tốt, nên giờ đành gồng mình chịu đựng.

Tệ nhất là kiểu cha mẹ “tỉnh táo nhưng bất lực”.

Một cư dân mạng chia sẻ khiến người đọc không khỏi xót xa: “Con gái sống ở nhà 5 năm rồi, ngay cả tiền đi chợ cũng do tôi chi. Tôi cũng muốn cứng rắn đuổi con ra ngoài, nhưng lại sợ ép quá khiến nó đi sai đường…”.

Họ biết rõ vấn đề nghiêm trọng, nhưng vì tình thân mà không thể dứt ra.

Phá vỡ vòng luẩn quẩn

Muốn thoát khỏi mối quan hệ phụ thuộc này, cần cả hai thế hệ cùng nhận thức và thay đổi.

Với người trẻ, cần nhìn rõ nguy cơ của “sự độc lập giả”.

Nhà tư vấn tâm lý Tiểu Lâm từng kể về một trường hợp: Một chàng trai sống khép kín trong nhà suốt ba năm, đến mức không biết cách sử dụng máy đăng ký khám bệnh ở bệnh viện.

Khi bố mẹ cậu đột ngột nhập viện, cậu mới nhận ra mình hoàn toàn không có năng lực đối mặt với thực tế cuộc sống.

Sự độc lập thật sự không nằm ở việc tiêu ít tiền, mà là có thể gánh vác trách nhiệm cuộc đời.

Một kiểu ăn bám mới nhưng hậu quả khôn lường: Con cái bào mòn hết tiền nhưng cha mẹ vẫn tự hào "Con tôi ngoan lắm"- Ảnh 3.

Đối với con cái, sự độc lập thật sự không phải nằm ở việc tiêu ít tiền mà là năng lực gánh vác trách nhiệm cuộc đời

Còn cha mẹ, cần học cách “yêu thương có giới hạn”.

Một phương pháp hay được chia sẻ bởi một cư dân mạng: Con trai có thể ở nhà, nhưng phải trả tiền điện nước và nấu cơm ba ngày mỗi tuần.

“Ban đầu nó toàn đặt đồ ăn ngoài để đối phó, sau thấy tốn kém quá, đành tự học nấu ăn.”

Chính tình yêu “có điều kiện” như vậy mới giúp con cái học được trách nhiệm.

Chủ đề ăn bám luôn gây tranh cãi, nhưng có một điều cần nhìn nhận rõ: khi người trẻ học được cách sống tối giản để tồn tại, khi cha mẹ tự an ủi mình rằng “con chỉ đang tạm gặp khó khăn”, cả gia đình đang cùng nhau dệt nên một chiếc lưới mềm mại nhưng đầy rủi ro.

Trưởng thành thực sự không phải là tính toán chi ly để sống tiết kiệm nhất, mà là dũng cảm đối mặt với gian khổ của cuộc đời.

Tình yêu lớn nhất cha mẹ có thể dành cho con không phải là bao bọc mãi mãi, mà là giúp con đủ năng lực tự bước đi giữa cuộc đời.

Vì suy cho cùng, ai rồi cũng phải tự mình đối mặt với thế giới. Chỉ khi tỉnh táo sớm, hành động sớm, ta mới có cơ hội nắm bắt được vận may và tiến đến bến bờ thành công.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày