Mầm non vốn nên là chốn vô tư, rộn ràng tiếng cười của trẻ thơ. Thế nhưng đôi khi, nó cũng là nơi xuất hiện những “ám ảnh vô hình” – như bắt nạt học đường hay bạo lực lạnh.
Hôm nay, chúng ta không bàn về bắt nạt học đường, mà nói đến một dạng bạo lực tinh thần mà phần lớn phụ huynh không hề hay biết: bạo lực lạnh ở trường mầm non. Trẻ bị rơi vào hoàn cảnh này sẽ vô cùng đau khổ, trong khi bố mẹ lại tưởng con vẫn ổn, vẫn vui vẻ đến lớp mỗi ngày.
Ngay cả người lớn cũng khó chịu đựng nổi sự lạnh lùng, huống gì là những đứa trẻ chỉ mới 3-6 tuổi?
Chị Lý (Trung Quốc) là mẹ của một cậu bé đang học mẫu giáo tên Đậu Đậu. Sau khi sinh em bé thứ hai, chị Lý không còn theo sát Đậu Đậu như trước. Dạo gần đây, chị thấy thấy Đậu Đậu thường xuyên tè dầm và quấy khóc, luôn miệng nói: “Con không muốn đến trường!”.
Lúc đầu, chị Lý nghĩ là do mình thiếu quan tâm nên đã cố gắng bù đắp bằng cách dành thời gian chơi với con sau giờ học và cuối tuần. Nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Khi hỏi lý do, bé chỉ biết khóc, không nói được gì rõ ràng.
Mãi đến một hôm trên đường đến trường, chị tình cờ nghe thấy một bạn cùng lớp của Đậu Đậu chỉ vào bé và nói với mẹ mình: “Đó là bạn tè dầm của lớp mình đó mẹ, cô giáo cũng không thích bạn ấy!”.
Nghe vậy, chị Lý giật mình, liền tìm gặp hiệu trưởng để xem lại camera giám sát. Chị phát hiện cách đây không lâu, trong một giờ nghỉ trưa, Đậu Đậu có giơ tay rụt rè xin đi vệ sinh. Tuy nhiên, không biết vì sao mà cô giáo chỉ liếc qua rồi quay sang nói với bạn khác: “Thật phiền phức, có vài bạn chuyện gì cũng làm quá lên”. Rồi cô phớt lờ Đậu Đậu và bỏ đi.
Đậu Đậu bị giáo viên phớt lờ nhiều lần (Ảnh minh hoạ)
Đậu Đậu cố nhịn đến run rẩy, cuối cùng không chịu nổi nên tè ra quần. Thấy vậy, cả lớp xúm lại chỉ trỏ gọi bé là “vua tè dầm”.
Tình huống tương tự lặp đi lặp lại trong nhiều đoạn camera. Cô giáo kia rõ ràng không thích Đậu Đậu và thường xuyên cố tình làm ngơ khi bé cần giúp đỡ.
Chị Lý xem xong mà đau lòng, tự trách mình đã không sớm phát hiện điều bất thường, để con phải chịu đựng sự tủi nhục quá lâu. Cuối cùng, dù cô giáo đã bị nhà trường khiển trách, chị Lý vẫn quyết định chuyển trường cho con.
Bạo lực lạnh là như vậy – không la mắng, không đánh đập – mà là phớt lờ, cô lập, giễu cợt, từng chút một làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Loại “dao mềm” này không hề hiếm gặp, và có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào. Phụ huynh cần tỉnh táo và quan sát kỹ hơn để bảo vệ con.
- Những biểu hiện thường thấy của bạo lực lạnh ở trường mầm non
(1) Cố tình phớt lờ - biến trẻ thành “người vô hình”
Một số bé nghịch ngợm hoặc có phần “khó chiều” sẽ dễ bị giáo viên thiếu kiên nhẫn cho vào “danh sách đen”. Với những cô giáo thiếu đạo đức nghề nghiệp, họ chọn cách phớt lờ, làm ngơ trước nhu cầu của trẻ.
Ví dụ: trẻ giơ tay phát biểu thì bị lờ đi, sản phẩm sáng tạo không bao giờ được khen ngợi, trong các hoạt động tập thể thì luôn bị xếp đứng ngoài rìa.
Bé Đậu Đậu chính là ví dụ – rõ ràng xin đi vệ sinh, cô vẫn mặc kệ.
(2) Cô lập trẻ thông qua tập thể
Ở độ tuổi mầm non, lời cô giáo như “chân lý” với trẻ. Nếu cô dán nhãn tiêu cực cho ai đó, các bé khác cũng sẽ làm theo.
Chẳng hạn từng có một cô bé ăn khá chậm, cô giáo của em thấy vậy liền nói trước lớp: “Ai ngồi với bạn thì sẽ là người cuối cùng được ra chơi!”. Từ đó, không ai dám lại gần em, em trở nên cô đơn hơn bao giờ hết.
Bạo lực lạnh có thể diễn ra ở ngay cả cấp mầm non (Ảnh minh hoạ)
(3) Doạ nạt để trẻ ngoan hơn
“Còn khóc là chú công an bắt đi đó!”.
“Không nghe lời là ba mẹ không đón con nữa đâu!”.
“Trẻ hư thì chẳng ai yêu đâu!”.
...
Những câu nói như vậy là hoàn toàn không nên. Trẻ nhỏ chưa đủ khả năng phân biệt thật – giả, sẽ rất dễ sợ hãi, bất an, cảm thấy mình không được yêu thương, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài.
(4) Thờ ơ khi trẻ yếu thế bị bắt nạt
Có những giáo viên chọn “làm ngơ” nếu không có thương tích rõ ràng, chỉ để giữ yên chuyện. Hệ quả là một số bé bị bắt nạt kéo dài, sống trong sợ hãi mỗi ngày.
Hãy để ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
- Đột nhiên không muốn đi học, sáng dậy khóc lóc, viện cớ đau bụng, đau đầu dù khám bệnh không có gì.
- Tính cách thay đổi: từ hoạt bát thành trầm lặng, hay từ ngoan ngoãn thành cáu gắt.
- Biểu hiện thoái lui: bé từng biết đi vệ sinh nay lại tè dầm thường xuyên.
- Hay mơ thấy ác mộng, giật mình hét to giữa đêm: “Cô đừng mắng con nữa!”.
- Kiểm tra, xác minh ngay: Nói chuyện với giáo viên, nhà trường. Nếu có điều kiện, nên chuyển lớp hoặc chuyển trường.
- An ủi tâm lý cho trẻ: Dành thời gian lắng nghe, ôm con thật nhiều, nhẹ nhàng nói:
“Con không sai. Bố mẹ sẽ luôn bảo vệ con. Con rất tuyệt vời!”.
- Dùng sách tranh, truyện thiếu nhi giúp con hiểu: bị người khác ghét không đáng sợ, quan trọng là con luôn có giá trị.
- Xây dựng lại sự tự tin: Mỗi ngày hãy nói với con một lời khen, một điểm tốt để con cảm thấy mình được công nhận và yêu thương.
Cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu để phát hiện có là nạn nhân của bạo lực lạnh (Ảnh minh hoạ)
Bạo lực lạnh không gây ra vết thương ngoài da, nhưng lại có thể làm tổn thương cả tâm hồn non nớt. Trẻ không biết đó là “hành vi sai trái”, chỉ tưởng rằng mình “không đủ tốt”, rồi dần dần sinh ra mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng đến cả cuộc đời.
Và bạo lực lạnh không chỉ có ở mầm non. Khi con lớn lên, bước vào tiểu học, trung học, thậm chí khi đã trưởng thành, nó vẫn có thể lặp lại – trong học đường, trong công việc, hay trong tình cảm.
Vì vậy, điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm, là dạy con cách vượt qua bạo lực lạnh, đứng vững và tự tin hơn, không sợ bị người khác ghét bỏ.
Theo Sohu