Một cuộc khảo sát tại Trung Quốc về mối liên hệ giữa nghề nghiệp của cha mẹ và khả năng nuôi dạy con thành công đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều người không khỏi thở dài: “Con nhà nghèo ngày càng khó vươn lên thành tài”.
Vậy cha mẹ làm nghề gì thì dễ nuôi dạy ra “con nhà người ta”? Cùng xem qua kết quả khảo sát dưới đây:
Giáo viên và công chức – Hai nghề dễ tạo ra “con nhà người ta”
Theo số liệu khảo sát, cha mẹ làm nghề giáo viên và công chức là hai nhóm có tỷ lệ con học giỏi cao nhất. Với giáo viên xếp vị trí thứ nhất và công chức xếp vị trí thứ hai.
Không khó hiểu, đây đều là những ngành có trình độ học vấn cao. Giáo viên có chuyên môn sư phạm, biết cách dạy và đồng hành cùng con cái, trong khi công chức hiểu rõ giá trị của bằng cấp và thường có định hướng giáo dục rất rõ ràng cho con. Mục tiêu và lộ trình học tập của con cái trong những gia đình này được xây dựng cụ thể và nghiêm túc ngay từ đầu.
Bất ngờ với vị trí thứ ba: Quản lý doanh nghiệp – “ngựa ô” trong bảng xếp hạng
Điều gây bất ngờ là vị trí thứ ba không thuộc về bác sĩ hay quân nhân mà lại là… quản lý doanh nghiệp. Dù là nhóm bận rộn, ít thời gian kèm cặp con, nhưng họ lại có khả năng nhận diện vấn đề nhanh, biết con mình thiếu gì và cần gì để thành công. Họ ít khi tự mình giảng bài, nhưng lại đầu tư đúng chỗ, đúng lúc.
Hơn thế, đây là nhóm có thu nhập cao, sẵn sàng đầu tư lớn cho giáo dục, từ trường mầm non quốc tế đến các khóa học hàng chục triệu đồng, thậm chí gửi con du học từ tiểu học. Những đứa trẻ này không chỉ có điều kiện học tập tốt mà còn rất nỗ lực – vừa có tiền, vừa chăm chỉ – thành công gần như là điều tất yếu.
Ảnh minh họa
Những nghề khó “nuôi” ra con học giỏi nhất, không phải nông dân, mà là lao động dịch vụ
Điều khiến nhiều người bất ngờ là nhóm nghề xếp cuối trong bảng dữ liệu không phải là nông dân, mà lại là những nghề thuộc nhóm dịch vụ như phục vụ bàn, lái xe tải, công nhân nhà máy…
Lý do rất thực tế và xót xa: Đây là những nghề cực nhọc, thời gian làm việc không cố định, thu nhập thấp. Họ thường phải rời quê đi làm xa, con cái trở thành trẻ “bỏ lại phía sau”, không có điều kiện học hành tốt, cũng không có người đồng hành, hướng dẫn. Ngay cả khi được sống cùng cha mẹ, cha mẹ cũng đã kiệt sức sau mỗi ngày làm việc, không còn đủ năng lượng để kèm cặp con học hành.
Khoảng cách giáo dục giữa các tầng lớp – Một thực tế khó chối bỏ
Khảo sát này chỉ mang tính chất tham khảo, chưa thể đại diện cho toàn bộ xã hội, nhưng vẫn cho thấy một sự thật: “cửa” để trẻ em nghèo vươn lên ngày càng hẹp. Vì sao vậy?
Thiếu môi trường học tập và giáo viên giỏi: Trẻ em ở vùng nông thôn, thị trấn nhỏ học trong điều kiện thiếu thốn, ít giáo viên giỏi, trường lớp còn lạc hậu. Trong khi đó, học sinh ở thành phố lớn được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao hơn hẳn.
Thiếu nền tảng giáo dục vững chắc: Trẻ ở gia đình khá giả được học ngoại ngữ, toán nâng cao, rèn luyện kỹ năng từ nhỏ. Trẻ nhà nghèo hiếm khi có cơ hội đó, lại thêm việc học thêm ngoài giờ ở vùng sâu không chất lượng bằng thành phố.
Môi trường gia đình khác biệt: Cha mẹ có học vấn thấp thường không biết cách dạy con, thậm chí còn truyền tư tưởng “học cũng chẳng để làm gì”. Trẻ không được truyền động lực học, dễ chán nản và bỏ học sớm.
Tuy nhiên, ngoại cảnh không quyết định hoàn toàn số phận. Vẫn có những “con nhà nghèo học giỏi”, vượt lên nghịch cảnh. Chìa khóa vẫn nằm ở sự cố gắng không ngừng và tinh thần bền bỉ của bản thân học sinh.