Cuộc sống mà, ai lường trước được mấy cú plot twist. Hôm nay có thể là một pha "fail" đau điếng, nhưng biết đâu ngày mai lại là khởi đầu cho một chương mới đầy bất ngờ? Du học đôi khi cũng vậy. Đây không đơn thuần là chuyện "xách vali đi học xa", mà còn là hành trình khám phá, va vấp, lớn lên và gặp lại một phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình.
Mai Thanh Rin - chàng trai xứ Huế sinh năm 2002 với "chiếc" tên cực lạ - cũng từng rơi vào những khúc ngoặt không ai ngờ tới. Có lúc cậu hoài nghi bản thân, có lúc chẳng biết mình đang đi đúng hướng hay không. Nhưng thay vì đứng yên, Rin chọn bước tiếp. Hành trình du học tại Nhật Bản đã trở thành "bàn xoay số phận" giúp cậu học cách tự lập, trưởng thành và tìm thấy chính mình theo một cách không ai ngờ tới.
Năm 2020, biết điểm thi đại học không đủ để vào ngôi trường đại học mơ ước trong nước, thay vì buồn bã, Mai Thanh Rin chọn một hướng đi khác: du học Nhật Bản. Quyết định này đến từ nhiều yếu tố, nhưng lớn nhất là sự động viên của gia đình, đặc biệt là từ cậu và dì của Thanh Rin - những người đang sống ở Nhật.
"Lúc đó mình ngồi nói chuyện với ba mẹ và nghĩ, tại sao không thử bước ra vùng an toàn của bản thân?", cậu bạn kể lại.
Để đủ điều kiện thi ĐH tại Nhật Bản, Rin đã phải vượt qua rất nhiều "ải học thuật", sở hữu loạt chứng chỉ như JLPT N1, TOEIC, chứng chỉ kế toán, đặc biệt là kỳ thi EJU – kỳ thi bắt buộc dành cho du học sinh muốn vào đại học Nhật.
Nam sinh Việt quyết định du học Nhật Bản.
Lần đầu thi EJU, kết quả không như mong đợi vì Rin bắt đầu ôn khá muộn. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cậu bạn đã nhìn lại toàn bộ kế hoạch học tập – điều chỉnh lại thời gian biểu, ưu tiên các môn có thể cải thiện nhiều nhất, đặc biệt là tiếng Nhật và Sogo – môn tổng hợp kiến thức về Kinh tế, Lịch sử, Địa lý, Chính trị và Xã hội Nhật Bản & Thế giới.
"Môn này được xem là thử thách thực sự vì lượng kiến thức, từ vựng siêu rộng. Hơn 20 năm qua chưa ai từng đạt điểm tuyệt đối", Rin chia sẻ.
Có những giai đoạn, lịch học của Rin dày đặc đến mức "khó tin": sáng 9h đến 16h học trên lớp, tối từ 17h đến 21h ôn tiếng Nhật và Sogo, sau đó là Toán, rồi đến Kế toán, kết thúc ngày bằng một tiếng ôn bài khuya. Có hôm đến tiết học cuối cùng, nam sinh gần như muốn… sập nguồn luôn. Để "sạc pin" lại năng lượng bản thân, cậu bạn chủ động dành thời gian thư giãn bằng cách nghe nhạc hoặc đi dạo ngắn để lấy lại năng lượng.
Và đương nhiên, sự bền bỉ rồi đã được đền đáp xứng đáng: điểm môn Sogo của Rin lọt top 1% toàn cầu. "Đêm nhận kết quả mình không thể ngủ nổi vì vui quá. Mọi mệt mỏi trước đó bỗng chốc thấy… rất xứng đáng", cậu xúc động nhớ lại.
Sau quá trình nỗ lực, nam sinh trúng tuyển vào trường Đại học Shiga - một trường đại học quốc lập nằm ở thành phố Hikone, tỉnh Shiga, Nhật Bản, khoa Kinh tế tổng hợp.
Khi đã đạt đủ tất cả điều kiện - từ Huế, Rin xách vali, ôm theo một giấc mơ và lên đường đến một đất nước hoàn toàn xa lạ.
Nhưng ở "đất khách quê người" đâu phải chuyện dễ. Những ngày đầu, Rin từng lạc trôi đúng nghĩa giữa mê cung tàu điện ngầm Tokyo vì không hiểu tiếng Nhật trong đời sống hàng ngày. Nhiều lúc, nam sinh còn phải gọi bạn đến đón hoặc bấm máy gọi cứu trợ từ người quen.
"Lúc đó mình kiểu... lạc giữa thế giới luôn", Gen Z nhớ lại. Nhưng chính mấy cú "vật vã" đầu đời ấy đã giúp Rin trưởng thành, biết cách thích nghi và tự lo cho bản thân.
Hành trình khi mới bắt đầu qua Nhật của Thanh Rin gặp nhiều khó khăn.
Để trang trải cuộc sống trong quá trình du học, Rin xin làm thêm ở một quán ăn trong hệ thống chuỗi nhà hàng. Ban đầu, vừa không giỏi tiếng Nhật vừa chưa có kinh nghiệm, mọi thứ với cậu đều rất khó khăn. Nhưng chỉ sau 7 tháng, Rin đã được thăng lên vị trí cao nhất dành cho nhân viên part-time - một thành tích hiếm có trong hệ thống tại khu vực đó. Cậu nhận được lời khen từ quản lý, bằng khen từ công ty và cả sự yêu mến từ khách hàng. Cũng trong khoảng thời gian này, khả năng tiếng Nhật của cậu cải thiện rất nhiều.
Trong suốt hành trình, có lúc Rin cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần như thế, cậu lại nhắc mình nhớ về lý do bắt đầu: "Vì đây là con đường mình tự chọn. Dù có sai, cũng phải dám chịu và đi tiếp".
Nhờ tinh thần đó, cậu bạn 2002 đã từng bước trưởng thành - theo cách rất riêng.
Nhìn lại hành trình từ năm 2020 đến nay, Mai Thanh Rin nhận ra bản thân đã thay đổi rất nhiều: Bớt cái tôi, biết lắng nghe hơn và thật sự trân trọng việc học. Những người giỏi mà cậu có dịp gặp gỡ tại Nhật đã trở thành nguồn cảm hứng lớn, thôi thúc cậu không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Trong thời gian tới, Rin đặt mục tiêu giữ GPA thật cao trong năm nhất đại học, săn học bổng, bắt đầu chuẩn bị cho bậc Thạc sĩ. Xa hơn, Rin nuôi mộng khởi nghiệp trong ngành may mặc - với tham vọng xây dựng một thương hiệu thời trang Việt Nam đủ sức cạnh tranh với những "ông lớn" như Nike hay Uniqlo.
"Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Mình hy vọng có thể góp một phần nhỏ để tạo nên điều gì đó thật ý nghĩa cho đất nước", cậu chia sẻ.
Mai Thanh Rin trong buổi Talkshow để hướng dẫn cho du học sinh về kì thi EJU ở Nhật.
Song song đó, Rin cũng mong muốn được đồng hành cùng các bạn du học sinh Việt – hỗ trợ các bạn tìm được trường phù hợp và có định hướng rõ ràng hơn trên con đường học tập ở nước ngoài.
Dành cho những ai vẫn đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, Rin gửi gắm: "Chỉ cần bạn dám bước bước đầu tiên và kiên trì đi tiếp, kiểu gì cũng sẽ đến được cái đích mình mong muốn. Bí quyết của cuộc sống là vấp ngã 7 lần và đứng dậy 8 lần".