13 tuổi, vẫn là một đứa trẻ – dù là xưa hay nay cũng vẫn thế. Ở độ tuổi ấy, những đứa trẻ bình thường vẫn còn vô ưu vô lo sống dưới vòng tay chở che của cha mẹ.
Nhưng từng có một cậu bé tại Trung Quốc, mới 13 tuổi nhưng đã phải gồng mình sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Cậu tên là Bàn Giang Long, sống tại Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lẽ ra chỉ là anh cả trong nhà, vậy mà Bàn Giang Long lại phải đóng vai trò là "người cha" của 5 đứa em nhỏ.
Bàn Giang Long bất ngờ trở thành "cha" của 5 đứa trẻ
Không dám ăn cơm cùng các em vì sợ các em thiếu ăn
Biến cố ập đến khi cha của Bàn Giang Long vướng vòng lao lý, còn mẹ thì rời quê lên thành phố làm thuê kiếm sống. Từ đó, sáu đứa trẻ bơ vơ ở lại trong căn nhà nhỏ, và Bàn Giang Long - chỉ mới 13 tuổi - trở thành trụ cột duy nhất của cả gia đình.
Vì là anh cả, nên cậu buộc phải gánh vác mọi trách nhiệm trong gia đình. Từ chuyện ăn uống, mặc, ở đến sinh hoạt hằng ngày của cả nhà - tất cả đều do một mình cậu lo liệu. Chưa kịp trưởng thành đã phải nếm trải những nỗi vất vả của người lớn, mà cái vất vả ấy thậm chí còn nặng nề hơn rất nhiều lần. Bởi suy cho cùng, cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Trong một buổi phỏng vấn, Bàn Giang Long chia sẻ rằng: mỗi ngày, cậu phải dậy từ 5 giờ sáng để nấu cơm cho các em. Sau khi các em đến trường, cậu lại ra đồng làm việc, mà còn phải cõng theo đứa em út mới 3 tuổi vì không ai trông hộ.
Chỉ có làm lụng ngoài đồng, cả nhà mới có cái ăn, mới không phải chịu đói.
Thế nhưng, dù đã cố gắng là thế, có lúc Bàn Giang Long vẫn không ăn cơm cùng các em, bởi cậu sợ phần ăn không đủ. Chỉ khi chắc chắn các em đã ăn no, cậu mới lặng lẽ ăn phần còn lại.
Bàn Giang Long không dám ăn cơm cùng các em vì sợ các em thiếu ăn
Thường xuyên trốn dưới gốc cây để khóc một mình
Cuộc sống nhọc nhằn ấy cứ thế trôi qua suốt mấy năm trời. Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy những gì Bàn Giang Long phải trải qua gian truân đến nhường nào.
May mắn là các em của Bàn Giang Long đều rất ngoan – đứa nào cũng xung phong đỡ đần anh việc nhà, không hề than vãn. Nhưng với Bàn Giang Long, điều cậu mong mỏi nhất không phải là có người san sẻ việc vặt, mà là các em được đến trường, được học bài, viết chữ như bao đứa trẻ khác.
Cậu luôn cố gắng giấu hết mọi áp lực vào trong lòng, không muốn các em phải gánh lấy những nỗi lo mà mình đang mang.
Khi được phóng viên hỏi: "Có khổ không?", cậu bé chỉ chỉ cúi đầu, nhỏ nhẹ nói: "Lúc không có ai, em thường trốn dưới gốc cây... rồi lặng lẽ khóc một mình".
Có lẽ, đó là cách duy nhất mà một cậu bé 13 tuổi phải lớn lên quá sớm có thể tự cho phép mình yếu đuối, dù chỉ trong chốc lát.
Nhưng rồi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, bởi có khóc cũng chẳng thay đổi được điều gì.
Trong số 5 đứa em mà Bàn Giang Long đang chăm sóc, không phải tất cả đều là em ruột của cậu. Có những đứa là con của dì. Bố của Bàn Giang Long và chồng của dì đều đã vướng vòng lao lý, còn mẹ và dì thì phải rời quê lên thành phố làm thuê kiếm sống.
Vậy là bọn trẻ của hai gia đình gom lại sống chung dưới một mái nhà, và Bàn Giang Long – mới 13 tuổi – trở thành "người lớn" duy nhất ở lại trông nom tất cả.
Từ đó, chúng trở thành những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau – sống trong cảnh không cha, không mẹ bên cạnh, nương tựa vào nhau mà lớn lên, dưới vòng tay còn vụng về nhưng đầy yêu thương của người anh cả bé nhỏ.
Bàn Giang Long hay trốn dưới gốc cây để khóc 1 mình
Trách nhiệm của cha mẹ ở đâu sau câu chuyện này?
Câu chuyện về Bàn Giang Long sau khi được chia sẻ đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Nhìn vào hoàn cảnh của Bàn Giang Long, ai cũng xót xa, một cậu bé chỉ mới 13 tuổi, nhưng đã phải gánh vác vai trò của một người lớn trong gia đình.
Đằng sau những vất vả ấy là bóng dáng nhạt nhòa của cha mẹ - những người vì nhiều lý do khác nhau mà không thể ở bên con lúc các con cần nhất. Cha của Bàn Giang Long đang thụ án, còn mẹ thì rời quê đi làm thuê, để lại sáu đứa trẻ nương tựa vào nhau mà sống.
Tất cả các em còn quá nhỏ để tự lo cho mình. Việc Bàn Giang Long trở thành "người lớn" duy nhất trong nhà là một điều khiến ai nghe qua cũng không khỏi chạnh lòng. Người mẹ rời quê có thể vì gánh nặng cơm áo, nhưng đôi khi, ta cũng tự hỏi: giá như chị có thể ở lại quê, vừa chăm con, vừa trồng trọt, chăn nuôi đơn sơ, biết đâu mọi thứ sẽ bớt nhọc nhằn hơn cho bọn trẻ.
Nếu chẳng may một đứa trẻ ốm đau, thiếu ăn, ai sẽ là người ở đó để vỗ về, chăm sóc? Và nếu đã không đủ điều kiện để nuôi dạy, liệu có nên để những đứa trẻ sinh ra phải lớn lên trong quá nhiều thiệt thòi như thế? Khi trưởng thành, những ký ức tuổi thơ này liệu có trở thành điều day dứt trong lòng các em?
Nhất là với Bàn Giang Long - một đứa trẻ mới 13 tuổi - việc một mình lo toan cho cả gia đình chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Em có đang phải gồng mình quá sức so với tuổi? Và liệu đã có ai thực sự lắng nghe, thực sự nghĩ cho em?
Chỉ mong rằng, dù hoàn cảnh có ra sao, các em vẫn sẽ giữ được nụ cười trẻ thơ và có một tương lai nhẹ nhàng hơn những ngày đã qua.
Cha mẹ luôn là người đồng hành cùng con cái
Thực tế, những đứa trẻ lớn lên thiếu vắng tình thương của cha mẹ thường dễ gặp phải những khoảng trống trong tâm hồn. Có em sẽ trở nên thu mình, lặng lẽ; có em lại lạc lối vì không ai ở bên dẫn dắt. Đó là một thiệt thòi không dễ gì bù đắp được.
Vậy nên, việc một cậu bé chỉ mới 13 tuổi như Bàn Giang Long vẫn có thể đứng vững, và còn âm thầm chăm sóc cho các em nhỏ - thật sự là điều rất đáng trân trọng.
Không phải ai trong hoàn cảnh ấy cũng có thể mạnh mẽ như em. Và các em của Bàn Giang Long thật may mắn khi có một người anh như thế – kiên cường, ấm áp, và luôn nghĩ cho người khác.
Với các em, Bàn Giang Long không chỉ là anh trai, mà còn là chỗ dựa tinh thần – là người thay cha mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Sự hiện diện của Bàn Giang Long, chính là điều dịu dàng nhất trong tuổi thơ của các em.
Đâu đó trong hành trình trưởng thành của em, ta thấy được một điều giản dị mà sâu sắc: làm cha mẹ không chỉ là sinh con ra, mà còn là đồng hành, là yêu thương, là chở che.
Trước khi quyết định có con, có lẽ mỗi người đều cần một chút ngẫm nghĩ - liệu mình đã sẵn sàng để nuôi dưỡng một sinh mệnh bé nhỏ bằng tất cả yêu thương và trách nhiệm chưa? Liệu mình có thể cho con một mái nhà đủ ấm, một tuổi thơ đủ đầy?
Bởi con trẻ đến với đời này không mong gì lớn lao, chỉ cần có người ở bên, dịu dàng dắt tay đi qua những tháng năm đầu đời. Và nếu một ngày đã chọn trở thành cha mẹ, thì chỉ mong mỗi chúng ta đều có thể trở thành một điểm tựa vững vàng cho con, theo cách trọn vẹn nhất mà mình có thể.
Theo Sohu