Mới đây, một đoạn video có tên "Một nghìn tệ bị chia cắt" đã thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận của cư dân mạng Trung Quốc. Đằng sau câu chuyện tưởng chừng nhỏ bé ấy là những mâu thuẫn sâu sắc trong nhiều gia đình.
Nhân vật chính kể chuyện trong video là một sinh viên đại học. Trong kỳ nghỉ hè, cậu đi làm thêm và kiếm được hơn 1.000 tệ (khoảng 3,4 triệu đồng). Dù bị đau dạ dày nhẹ, cậu không tiêu số tiền ấy cho bản thân, mà định tiết kiệm.
Tuy nhiên, khi mẹ biết chuyện, bà lấy toàn bộ số tiền để đi nội soi dạ dày cho mình. Phần tiền còn lại, bà yêu cầu con mua vòng bạc tặng bà ngoại. Thậm chí, tiền xe buýt hôm đó cũng do cậu bỏ ra.
Không thể phản kháng, cậu chỉ biết đăng đàn than thở rằng số tiền mình vất vả kiếm được cuối cùng chẳng tiêu được một xu.
Ảnh minh họa
Sự việc gây bức xúc mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng con cái kiếm được ít tiền đã bị lấy mất, cha mẹ lại thoải mái tiêu tiền con hơn cả tiêu tiền mình.
Một số ý kiến nhận định đây không phải là sự yêu thương mà là hành vi kiểm soát. Mẹ không quan tâm đến bệnh tình của con, nhưng lại sẵn sàng sử dụng tiền con kiếm được để lo cho bản thân, điều này khiến nhiều người cảm thấy bất công.
Mâu thuẫn trong các gia đình nguyên sinh như vậy không hề hiếm gặp. Cha mẹ thường viện lý do có nhiều kinh nghiệm để chi phối lựa chọn của con cái. Họ có xu hướng coi tiền con kiếm được là không đáng giá, trong khi bản thân lại tiết kiệm từng đồng của mình.
Chính cách nghĩ này khiến con cái cảm thấy bị coi nhẹ nỗ lực, đồng thời trở nên lệ thuộc, thiếu tự tin và dễ tổn thương về mặt tinh thần.
Gia đình là nền tảng hình thành nhân cách. Một môi trường lành mạnh không chỉ cung cấp vật chất, mà còn cần tạo điều kiện cho con được tôn trọng và tự do phát triển.
Cha mẹ nên học cách buông bỏ kiểm soát, khuyến khích con suy nghĩ độc lập và tự đưa ra quyết định. Ngược lại, con cái cũng cần học cách bày tỏ mong muốn, quan điểm cá nhân và biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Một nghìn tệ không lớn, nhưng câu chuyện đằng sau số tiền ấy phản ánh chân thực mâu thuẫn trong nhiều gia đình ngày nay. Đó là cuộc giằng co giữa tình yêu, kiểm soát và hành trình trưởng thành của mỗi người con.
Yêu thương thực sự không chỉ là cho đi, mà còn phải đi kèm với sự tôn trọng. Khi cha mẹ biết lắng nghe và con cái biết chia sẻ, gia đình mới thật sự trở thành nơi an toàn và ấm áp để mỗi đứa trẻ trưởng thành một cách tự do và hạnh phúc.