"Bài tập chưa làm mà con vẫn còn chơi game, con không thấy áy náy à?". Đó là câu hỏi quen thuộc mà một người mẹ nọ thường dành cho con trai mình.
Ban đầu, chị thấy câu nói đó có tác dụng: đứa trẻ đỏ mặt vì xấu hổ và quay lại bàn học. Từ đó, chị thường xuyên dùng các câu hỏi kiểu phản vấn như: "Câu đơn giản thế này mà con cũng không làm được à?"; "Mẹ phải làm mọi thứ cho con, mẹ là osin à?".
Tuy nhiên, sau một thời gian, con trai chị không còn phản ứng như trước. Cậu bé trở nên cáu gắt, né tránh giao tiếp và thiếu động lực trong học tập. Những câu hỏi được cho là "thức tỉnh" ban đầu, dần biến thành mũi dao vô hình làm tổn thương tâm hồn con trẻ.
Câu chuyện của người mẹ này không phải là trường hợp cá biệt. Trên thực tế, việc cha mẹ sử dụng phản vấn trong giao tiếp với con cái là hiện tượng phổ biến, nhưng ẩn sau đó là nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.
Ảnh minh hoạ
Phản vấn là những câu hỏi mang hàm ý phủ định, chỉ trích hoặc mỉa mai, thường được dùng khi cha mẹ không hài lòng với hành vi của con. Dù không mang tính chất bạo lực thể chất, phản vấn lại được xem là một dạng bạo lực tinh thần tiềm ẩn. Các ví dụ điển hình có thể kể đến: "Con học cái này để làm gì nếu không biết làm?"; "đã nói bao nhiêu lần rồi mà vẫn như cũ?"; "thế này mà con cũng gọi là cố gắng à?".
Một trong những lý do phổ biến khiến phụ huynh sử dụng phản vấn là để thể hiện quan điểm hoặc kỳ vọng. Họ muốn nhấn mạnh việc trẻ cần tự lập, có trách nhiệm, nhưng cách thể hiện lại dễ khiến trẻ cảm thấy bị phán xét.
Bên cạnh đó, tâm trạng tiêu cực cũng là nguyên nhân không nhỏ. Khi mệt mỏi, áp lực, phụ huynh dễ mất kiểm soát cảm xúc. Những câu nói tưởng như vô tình lại trở thành phương tiện xả giận. Ngoài ra, một số phụ huynh vô thức sử dụng phản vấn như cách khẳng định quyền lực hoặc thể hiện sự vượt trội. Điều này không chỉ tạo khoảng cách mà còn khiến trẻ cảm thấy bị hạ thấp giá trị cá nhân.
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ thường xuyên bị phản vấn có nguy cơ cao gặp các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Một khảo sát thực hiện với 1.000 trẻ vị thành niên cho thấy, 25,7% có xu hướng tự ti, trầm cảm; 22,1% trở nên lạnh lùng, thiếu đồng cảm; 56,5% thường xuyên giận dữ, dễ kích động.
Phản vấn, đặc biệt khi đi kèm với lời lẽ phủ định và hạ thấp, có thể làm tổn thương sự tự tin, hạn chế khả năng sáng tạo và cản trở trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp lành mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên điều chỉnh cách giao tiếp theo hướng tích cực và xây dựng. Trước hết, cần diễn đạt mong muốn rõ ràng, tránh lời lẽ phủ định. Ví dụ, thay vì nói "Con không có mắt à?", hãy thử: "Con cần chú ý quan sát kỹ hơn để an toàn". Việc kiểm soát cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng. Khi phụ huynh giữ được sự bình tĩnh, trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu và dễ tiếp nhận góp ý.
Không nên nhắc lại lỗi cũ. Những câu như: "Con lúc nào cũng như vậy" chỉ làm trẻ thêm áp lực và mất động lực thay đổi. Thay vào đó, hãy khuyến khích: "Mẹ tin lần này con sẽ làm tốt hơn".
Cuối cùng, phụ huynh cần lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Khi trẻ cảm thấy được chia sẻ và tôn trọng, các cuộc trò chuyện sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Ngôn từ là công cụ nuôi dưỡng cảm xúc và xây dựng mối quan hệ trong gia đình. Phản vấn, nếu lặp lại thường xuyên, có thể trở thành vũ khí vô hình hủy hoại niềm tin và sự tự tin của trẻ nhỏ. Thay vào đó, phụ huynh hãy dùng lời nói như liều thuốc tinh thần, để khích lệ, nâng đỡ và đồng hành cùng con trong hành trình trưởng thành.