* Dưới đây là tâm sự của một người phụ nữ tên Gia Gia (Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc) vào những ngày giáp Tết về câu chuyện xảy ra cách đây không lâu tại gia đình chị.
Năm nay, vì muốn bày tỏ lòng cảm ơn với cô giúp việc đã làm việc chăm chỉ và tận tụy suốt cả năm, tôi quyết định thưởng cho cô ấy 100 triệu đồng dịp Tết. Đây không chỉ là khoản tiền công xứng đáng, mà còn là sự trân trọng dành cho người đã thay tôi chăm sóc gia đình, nhất là các con.
Nhưng ngay lúc cô ấy nhận thưởng và nói lời cảm ơn, một câu nói vô tình của cô ấy đã làm tôi ngỡ ngàng. Tôi không ngờ rằng, số tiền thưởng này lại khiến một bí mật trong nhà tôi được tiết lộ, và nó liên quan trực tiếp đến cách tôi đang giáo dục con cái.
Khi nhận khoản thưởng lớn, cô giúp việc vừa cảm động vừa có chút lưỡng lự. Cô ấy nói:
"Cảm ơn chị nhiều lắm! Cháu nhà chị rất ngoan, nhưng tôi thấy thương cháu lắm. Cháu thường tâm sự với tôi rằng, cháu không dám xin bố mẹ mua đồ chơi hay những thứ mình thích, vì cháu sợ bố mẹ sẽ không vui".
Tôi chết lặng. Con tôi từ bao giờ đã trở thành một đứa trẻ luôn dè dặt với chính bố mẹ mình?
Tôi nhớ lại, mỗi khi con xin một món đồ gì đó, tôi thường đáp lại bằng câu "Con không cần đâu, thứ đó chỉ tốn tiền thôi". Tôi luôn nghĩ mình đang dạy con tiết kiệm, nhưng thật ra tôi đã khiến con cảm thấy mình không được phép thể hiện mong muốn, thậm chí là cảm xúc của mình.
Lý do con tâm sự với cô giúp việc thay vì tôi, có lẽ vì con không thấy bố mẹ là những người sẵn sàng lắng nghe.
Chúng tôi là một gia đình có điều kiện. Tôi không tiếc tiền đầu tư cho con học trường quốc tế, tham gia các lớp kỹ năng, thậm chí những món đồ chơi tôi cũng mua những loại đắt tiền. Nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng, con mình lại không cảm nhận được sự thoải mái trong gia đình.
Câu nói của cô giúp việc khiến tôi nhận ra, điều con cần không chỉ là tiền bạc hay vật chất. Đó là sự đồng hành và sự quan tâm thực sự từ bố mẹ. Việc tôi bận rộn kiếm tiền và trao việc chăm sóc con cho người khác đã khiến tôi dần trở nên xa cách với chính con mình.
Số tiền thưởng 100 triệu tôi trao cho cô giúp việc là tấm lòng biết ơn, nhưng nó cũng khiến tôi nhận ra sự thiếu sót của bản thân. Lẽ ra, người mà con tôi nên chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc phải là tôi, không phải cô ấy.
Cô giúp việc không sai khi làm tròn trách nhiệm, nhưng việc con dần tìm kiếm sự đồng cảm từ người khác thay vì bố mẹ chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tôi. Điều này khiến tôi tự hỏi: Liệu tôi có đang nhầm lẫn giữa việc "cho con tất cả" và việc "đồng hành cùng con"?
Hóa ra, tiền mãi mãi không thể thay thế tình cảm. Dù nhà đủ đầy, nhưng nếu bố mẹ không dành thời gian chất lượng bên con, trẻ sẽ dễ cảm thấy cô đơn. Tiền bạc có thể mua nhiều thứ, nhưng không thể bù đắp được khoảng trống tinh thần.
Hóa ra, đứa trẻ nào cũng cần sự lắng nghe và thấu hiểu. Thay vì áp đặt suy nghĩ "Con cần gì thêm nữa đâu", những ông bố bà mẹ nhưng tôi cần lắng nghe con muốn gì và hiểu vì sao con muốn điều đó. Những cuộc trò chuyện chân thành sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng.
Hóa ra, cảm giác người khác thay thế vai trò của bố mẹ của mình thực sự không dễ chịu gì. Chúng ta có thể nhờ người giúp việc hỗ trợ chăm sóc con, nhưng không ai có thể thay thế được bố mẹ trong việc dạy dỗ và xây dựng mối quan hệ với con. Nếu không cẩn thận, trẻ sẽ coi người khác như chỗ dựa thay vì chính bố mẹ mình, giống như cách con tôi đã tâm sự với chị giúp việc, thay vì với chính tôi.
Câu chuyện thưởng Tết này đã giúp tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất trong việc làm cha mẹ không phải là kiếm nhiều tiền để con có cuộc sống đủ đầy, mà là sự hiện diện thực sự bên con.
Hy vọng câu chuyện này sẽ là lời nhắc nhở tới những bậc cha mẹ khác: Đừng chỉ lo kiếm tiền để "cho con tất cả", mà hãy dành thời gian để con cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm. Có như vậy, Tết mới thực sự trọn vẹn với con trẻ và cả gia đình.