Tết Nguyên Đán cận kề, mọi người đều tất bật chuẩn bị cho thời khắc sum họp. Nhiều gia đình có con nhỏ ở thành phố cũng gói ghém hành lý đưa những đứa trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng. Tuy nhiên, hành trình về quê đón Tết này đôi khi đi kèm câu chuyện khiến người ta không khỏi suy ngẫm.
Chị T.H.A có cậu con trai năm nay lên 8 tuổi. Những năm gần đây, mỗi lần đến Tết, vợ chồng chị đều "khăn gói quả mướp" đưa con trai về quê nội ở cách thành phố hơn 300km để ăn Tết. Năm nay không phải ngoại lệ, chị và chồng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, dự định 28 Tết cả nhà sẽ khởi hành. Ấy thế nhưng trong một cuộc trò chuyện cách đây ít hôm, Đậu - con trai chị bất ngờ nói một câu khiến vợ chồng chị không khỏi bàng hoàng đến lặng người.
Thằng bé vùng vằng nói: "Con không muốn về nhà bà nội ăn Tết đâu, chán lắm".
Câu nói này khiến chị T.H.A cùng chồng vừa lúng túng vừa bất lực. Bà nội cả đời tiết kiệm, rất thương yêu cháu, vậy tại sao cậu bé lại có suy nghĩ như vậy? Đằng sau sự từ chối này của đứa trẻ, liệu là những tâm tư như thế nào?
Người mẹ trẻ cho biết, truyền thống về quê nội ăn Tết đã được gia đình chị duy trì nhiều năm nay, kể từ khi con trai chị bắt đầu lên cấp 1. Môi trường ở quê đơn giản hơn so với thành phố, nhà bà nội không có WiFi, cũng không có những món đồ chơi hay sách vở mà con trai chị yêu thích. Mỗi lần về quê, Đậu chỉ biết loanh quanh trong sân, hoặc ngồi nhìn người lớn trò chuyện, nấu nướng.
Cậu bé nói: "Bà nội hay bắt con ăn những món con không thích, bố mẹ cũng bắt con nói chuyện với bà nhiều hơn nhưng con thấy chán lắm, chẳng biết phải nói gì".
Liên quan đến vấn đề này, chị đã đăng tải trong một group kín dành cho phụ huynh và nhận về nhiều lời khuyên từ các ông bố mẹ khác. Theo một vài vị phụ huynh, cảm xúc này của trẻ có thể xuất phát từ việc không quen với môi trường xung quanh. Sự khác biệt giữa cuộc sống ở quê và thành phố, cùng với việc thiếu vắng bạn bè đồng trang lứa, khiến trẻ cảm thấy cô đơn và bối rối.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, "đoàn tụ" là chủ đề trọng tâm của ngày Tết. Việc về quê ăn Tết không chỉ thể hiện sự tôn kính với người lớn tuổi mà còn là cách duy trì mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, môi trường sống của trẻ ngày nay đã thay đổi rất nhiều, sở thích và nhu cầu của các em cũng khác xa với những tập tục truyền thống.
Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị rằng, khi trẻ bày tỏ sự "từ chối", cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, thay vì đơn thuần ép buộc hay trách mắng.
Vậy làm thế nào để trẻ thích việc về quê đón Tết?
1. Để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị Tết
Trước khi về quê, cha mẹ nên thảo luận cùng con về các hoạt động mà trẻ mong muốn thực hiện khi về quê. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể nhờ trẻ chuẩn bị quà cho ông bà, hoặc cùng làm thiệp chúc Tết, giúp trẻ cảm nhận được sự tham gia và ý nghĩa của việc tặng quà, qua đó giúp trẻ cảm thấy có tiếng nói và được tôn trọng ý kiến của mình.
2. Tạo các hoạt động thú vị cho trẻ
Hãy mang theo đồ chơi, sách vở mà trẻ thích, hoặc lên kế hoạch cho những trò chơi tương tác như cùng ông bà gói bánh chưng, cắt tỉa hoa, giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với không khí Tết ở quê và tăng thêm niềm vui.
3. Dẫn dắt trẻ hiểu về ý nghĩa của tình thân
Thông qua việc kể chuyện, xem phim, kết hợp với việc xem những bức ảnh gia đình từ quá khứ, cha mẹ có thể giúp trẻ hình dung và cảm nhận rõ hơn về niềm vui của những ngày Tết trong quá khứ, từ đó hình thành lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với ông bà.
4. Dành cho trẻ nhiều tự do và sự đồng hành
Khi ở quê, cha mẹ nên dành thời gian bên trẻ, cùng đi dạo ngoài đồng, khám phá không gian quê, hoặc tham gia các hoạt động truyền thống, đồng thời tạo cơ hội để trẻ tự do khám phá và tìm hiểu về các truyền thống văn hóa, lịch sử của gia đình mình, giúp trẻ cảm nhận được niềm vui trong môi trường mới.