Thức đêm dạy con học ròng rã suốt 1 năm, ông bố sững sờ khi nhìn số điểm trên bài thi, bật khóc không ai dỗ được

Thiên An, Theo Thanh niên Việt 09:43 24/01/2025
Chia sẻ

Cảnh tượng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng đồng cảm.

Nếu phải chọn ra một trong những cơn "ác mộng" đáng sợ nhất trong quá trình nuôi dạy con cái, cá rằng nhiều ông bố bà mẹ sẽ chọn thử thách mang tên… dạy con học. Dạy con học, nhất là con ở độ tuổi tiểu học, nghe thì cực dễ dàng nhưng chỉ khi thực sự bắt tay vào làm, bạn mới hiểu đây là thứ khiến người ta đau đầu đến cỡ nào.

Gần đây, một đoạn video có liên quan đến chuyện kèm con học này đã gây sốt trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, với nội dung khiến người xem vừa buồn cười vừa cảm động. Đoạn video ghi lại cảnh một ông bố trẻ tuổi bật khóc nức nở khi biết điểm thi của con mình, làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi về cách giáo dục trẻ em.

Theo tờ Shanghai Morning Post đưa tin, cặp vợ chồng trong đoạn video sống tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cách đây ít ngày, hai vợ chồng nhận được bảng điểm cuối kỳ của con và phát hiện con chỉ đạt 6 điểm môn toán. Điều này khiến ông bố suy sụp tinh thần và bật khóc.

Thức đêm dạy con học ròng rã suốt 1 năm, ông bố sững sờ khi nhìn số điểm trên bài thi, bật khóc không ai dỗ được- Ảnh 1.

Ông bố trẻ shock nặng khi con trai chỉ đạt 6/100 điểm Toán

Người vợ đã quay lại cảnh chồng mình khóc. Trong video, ông bố trẻ tức giận nói: "Thôi thôi, không quan tâm nữa, mọi cố gắng đều là vô nghĩa, để nó tự sinh tự diệt thôi".

Người vợ chia sẻ rằng, chồng mình mỗi ngày đều giúp con học toán, thường xuyên kèm cặp đến nửa đêm. Tuy nhiên, sau một năm nỗ lực, kết quả đạt được lại thấp ngoài sức tưởng tượng, chỉ vỏn vẹn 6 điểm, khiến anh cảm thấy thất vọng tột độ và bật khóc. Cần nói thêm một chút ở đây là trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc, thang điểm tối đa cho môn Toán tiểu học là 100 điểm. 6/100 – con số đúng là hơi shock thật!

Cô cũng tiết lộ, trước đây, kết quả môn Toán của con trai cô không ổn định lắm, có khi được 40-50 điểm, cũng có khi thì 80-90 điểm. Nhưng không ngờ lần này, cậu bé chỉ đạt 6 điểm.

Mặc dù người chồng liên tục lau nước mắt nhưng người vợ khi chứng kiến cảnh tượng này lại không nhịn được cười và ngay lập tức giơ điện thoại lên quay lại làm kỉ niệm.

Thức đêm dạy con học ròng rã suốt 1 năm, ông bố sững sờ khi nhìn số điểm trên bài thi, bật khóc không ai dỗ được- Ảnh 2.

Ông bố hết khóc...

Thức đêm dạy con học ròng rã suốt 1 năm, ông bố sững sờ khi nhìn số điểm trên bài thi, bật khóc không ai dỗ được- Ảnh 3.

Lại đến quay mặt vào tường thở dài thườn thượt

Sau khi đoạn video được đăng tải, nó đã gây ra nhiều tranh luận. Một số người đồng cảm với ông bố trẻ và cho rằng chương trình học ngày càng khó, trong khi đó, một số người khác lại cho rằng có thể đứa trẻ đã ngủ gật trong giờ thi hoặc không thích môn Toán nên mới đạt kết quả kém như vậy.

- Khổ thân ông bố, vất vả cả năm trời cuối cùng lại như vậy.

- Haha, vừa thương vừa buồn cười, mình cũng bất lực cực kỳ lúc dạy con học, giờ chán luôn rồi, kệ nó thôi.

- Bố mẹ cũng không nên áp lực quá chuyện điểm số đâu, nhiều đứa trẻ lên cấp 2, cấp 3 mới bắt đầu tập trung học ấy.

- Đơn giản là vì thằng bé thực sự không thích môn Toán hoặc không có năng khiếu với môn này thôi, bố mẹ cứ nghĩ thoáng ra…

- Chương trình học bây giờ khó lắm, toán cấp 1 mà người lớn cũng chẳng dạy được, chán!

Ngoài ra, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm của mình về việc bắt trẻ học quá nhiều vào ban đêm. Họ cho rằng trẻ em cần phải ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức.

- Vấn đề nằm ở việc học đến nửa đêm ấy, trẻ chỉ cần ngủ đủ giấc, điểm sẽ không quá tệ.

- Trẻ em cần phải ngủ, học khuya không ngủ, đến lớp lại ngủ gật thì còn tệ hơn nữa. Dù sao, số phụ huynh giỏi hơn thầy cô cũng chỉ là số ít.

Có thể nói, đoạn video không chỉ khiến người xem cảm nhận được sự vất vả của bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái, mà còn khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc về phương pháp học tập và giáo dục gia đình. Giáo dục con cái là một quá trình dài và gian nan, cần sự nỗ lực của cả cha mẹ và con cái. Cha mẹ nên tìm ra phương pháp phù hợp với con mình, khơi dậy sự hứng thú học tập của con chứ không nên ép buộc quá mức.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày