Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc

L.T., Theo Pháp luật & Bạn đọc 02:59 16/11/2021

Từ một bệnh nhân sống trong bệnh viện tâm thần trở thành công chúa cao sang quyền quý, câu chuyện này đã đánh lừa cả thế giới suốt gần 1 thế kỷ?

Vào ngày 17 tháng 7 năm 1918, gia đình 7 thành viên gồm Sa hoàng Nicholas II, Hoàng hậu Alexandra Feodorovna, 4 cô công chúa Anastasia, Maria, Tatyana và Olga, hoàng tử út Alexei (khi ấy mới 13 tuổi) cùng một vài người hầu thân cận bị giết hại trong một tầng hầm ở Yekaterinburg. Vậy là, 300 năm cai trị của hoàng tộc lừng lẫy Romanov đã kết thúc trong hỗn loạn, dưới sự tàn ác của súng đạn và lưỡi lê.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 1.

Hình ảnh gia đình Romanov trước khi bị hành quyết

2 năm sau đó, một cô gái không rõ tên tuổi bất ngờ nhảy cầu ở Berlin, Đức. Cô gái ấy được cảnh sát đưa lên từ dưới con kênh Landwehr sau khi cố gắng tự sát bất thành. Cô gái trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện tâm thần Dalldorf Asylum mà không có giấy tờ tùy thân trong túi, không có nhãn mác trên quần áo và còn im lặng từ chối xác định danh tính. Người ta gọi tạm là "Madame Unknown".

Hình ảnh các công chúa và hoàng tử nhà Romanov

Lời tuyên bố của kẻ tâm thần gây xôn xao

Cô ta ở lại đó trong khoảng 2 năm. Trong 6 tháng đầu tiên, cô gái không hé răng nửa lời, cứ lầm lũi như người bị câm. Sau đó, người ta bắt đầu chú ý đến thái độ xa cách của cô gái, những vết sẹo kỳ lạ trên cơ thể và cả chất giọng Nga khi cô bất ngờ cất lời.

Đúng thời điểm đó, các tờ báo châu Âu liên tục đưa tin về những tin đồn kỳ lạ bên ngoài nước Nga, rằng: Một trong những công chúa là con gái của Sa hoàng Nicholas II bằng cách nào đó đã sống sót thần kỳ sau vụ hành quyết đẫm máu năm ấy.

Thế rồi, một bệnh nhân khác tại bệnh viện tâm thần Dalldorf Asylum, tên Clara Peuthert, bắt đầu nghi ngờ cô gái nhút nhát này chính là con gái hoàng tộc Romanov. Khi rời khỏi bệnh viện, Peuthert đã tìm đến những lãnh đạo cấp cao của Nga, thúc giục họ đến gặp người phụ nữ mà cô ta tin là Công chúa Tatiana, con gái thứ 2 của Sa hoàng Nicholas II.

Không rõ bằng cách nào, Peuthert gặp được một số ít bạn bè và người hầu trước đây của hoàng tộc Romanov, khiến họ bị thuyết phục khi chỉ qua cũng khẳng định rằng đây là con gái của Sa hoàng quá cố.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 3.

Chân dung cô gái tự nhận mình là công chúa Nga

Bản thân cô gái bí ẩn kia không đưa ra lời nói nào. Đôi khi, cô sợ hãi trốn dưới ga trải giường, cứ có ai đến gặp là tỏ ra khiếp sợ.

Đại úy Nicholas von Schwabe, một cựu cận vệ riêng của Thái hậu (tức bà nội của công chúa Nga và là mẹ đẻ của Sa hoàng Nicholas II), cho cô gái xem những bức ảnh cũ của gia đình Romanov, cô đỏ mặt và tỏ ra khó chịu, nhưng từ chối nói bất kỳ lời nào.

Chỉ sau đêm đó, cô gái ấy mới nói với các y tá rằng: "Quý ông đó có một bức ảnh của bà tôi". 

Một ngày nọ, Đại úy von Schwabe lại đến, lần này ông biết rằng việc gây sức ép với bệnh nhân tâm thần hoặc thậm chí đặt một câu hỏi trực tiếp sẽ chẳng có kết quả gì. Thay vào đó, ông đưa ra một danh sách tên của các công chúa nhà Romanov. Cô gái gạch bỏ tất cả những cái tên trừ một cái tên. Không nói một lời, "Madame Unknown" bỗng trở thành Công chúa Anastasia, con gái út của Sa hoàng Nga đã chết. Cô được lấy tên là Anna Anderson.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 4.

Hình ảnh công chúa út Anastasia

Tin tức này quả thực giống như một tin mừng khôn xiết đối với không ít người, bởi gia đình hoàng tộc lừng lẫy nhất châu Âu cuối cùng cũng còn có một thành viên sống sót sau vụ hành quyết gây rúng động khắp thế giới.

Trong gần một thập kỷ, Anderson được tự do đi lại trong lâu đài và các dinh thự của hoàng gia, sống phụ thuộc vào lòng tốt của những người xa lạ giàu có hoặc người của hoàng gia Nga. Dòng người tìm đến tận nơi để gặp cô vẫn nhiều. Bên cạnh những người ủng hộ, khẳng định Anderson là công chúa út thoát chết trong vụ hành quyết thì cũng có nhiều người nghi ngờ, phản đối, buông lời gièm pha.

Y tá cũ, gia sư cũ và các nhân viên hoàng gia khác thẳng thừng phủ nhận Anderson là công chúa Anastasia, nhưng những người khác vẫn tin.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 5.
Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 6.

Hình ảnh công chúa Anastasia khi còn sống

Năm 1927, Anderson gặp Gleb Botkin, con trai của Tiến sĩ Yevgeny Botkin - một trong số ít thị vệ được phép đi cùng với gia đình hoàng gia khi họ bị đày đến Ekaterinburg, và cũng là người đã bị sát hại trong tầng hầm cùng với họ. 

Khi Gleb nhìn thấy Anderson, anh không biết nên phán đoán như thế nào nhưng khi cô đề cập đến "các con vật ngộ nghĩnh" mà anh thường vẽ và những trò chơi khác mà họ đã chơi khi còn nhỏ, niềm tin của anh bắt đầu lớn dần lên.

Gleb trở thành người ủng hộ nhiệt thành nhất của Anderson, và khi những lời xì xào về khối tài sản của Romanov ngày càng lớn, thì chính Gleb là người đã thuê luật sư Edward Fallows để chứng minh rằng Anderson là Anastasia.

Cho đến tận năm 1928, 10 năm sau vụ hành quyết, vị trí chôn cất của gia đình hoàng gia Nga chỉ có những kẻ thực hiện mới được biết, và nếu không có thi thể, cái chết của Sa hoàng không thể được chứng minh về mặt pháp lý. Nhưng tài sản của ông để có thể được đưa ra giải quyết sau 10 năm.

Kết quả ADN gây ngỡ ngàng

Câu chuyện bắt đầu "bẻ lái" khi một tờ báo tại Berlin năm 1927 đăng một bài phóng sự điều tra cho biết tên thật của Anderson là Franziska Schanzkowska, một công nhân nhà máy người Ba Lan.

Cũng theo bài báo đó, Franziska Schanzkowska vốn có tiền sử tâm thần bất ổn và từng bị thương trong một vụ nổ tại nhà máy nên có nhiều sẹo trên người.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 7.

Trùng hợp thay, Franziska lại mất tích đúng vào năm 1920, trùng thời điểm Anderson xuất hiện tại Berlin. Bên cạnh đó, anh trai của Franziska, tên Felix, khẳng định Anderson là em gái mình. Dẫu vậy, Anderson vẫn một mực phủ nhận tất cả và nhấn mạnh mình là Anastasia Romanov, công chúa của Hoàng gia Nga.

Một thời gian sau, Anderson chuyển đến Mỹ và kết hôn với một giáo sư lịch sử. Đến năm 1984, bà qua đời vì bệnh viêm phổi.

Khi khoa học công nghệ phát triển, kỹ thuật xét nghiệm ADN đã cho các nhà khoa học biết chính xác rằng các thi thể được tìm thấy trong khu rừng gần thành phố Yekaterinburg vào những năm 1990 là của gia đình Romanov, bao gồm cả công chúa Anastasia.

Đồng thời, mẫu mô của Anderson được lấy từ một bệnh viện ở bang Virginia lại cho kết quả không trùng khớp với gia đình Romanov. Một nhóm nghiên cứu của Mỹ cũng tiến hành so sánh dựa trên tóc của Anderson và thu về kết quả tương tự.

Sau đó, các nhà khoa học so sánh ADN của Anderson với Karl Maucher, cháu của Franziska Schanzkowska. Kết quả trùng khớp và cho thấy Anderson chính xác là cựu công nhân nhà máy Ba Lan.

Thiếu nữ tự xưng công chúa quyền quý nhất châu Âu thoát chết sau cuộc hành quyết đẫm máu, vài thập kỷ sau lộ kết quả ADN gây sốc - Ảnh 8.

Anderson chuyển đến Mỹ và kết hôn với một giáo sư lịch sử. Đến năm 1984, bà qua đời vì bệnh viêm phổi

Vậy là bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20 về dòng dõi gia đình Hoàng gia Nga đã được giải quyết nhờ sự phát triển của công nghệ ADN tiên tiến.

Nguồn: refinery29