Tháng 2/1917, phong trào biểu tình lớn chống chiến tranh và bãi công tập thể ở Nga biến thành khởi nghĩa vũ trang chống lại sự cai trị của Sa hoàng Nikolai II. Cuộc Cách mạng tháng Hai năm ấy đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng. Từ đó, triều đại Romanov - vương triều thứ hai và cũng là Vương triều quyền quý cuối cùng trong lịch sử nước Nga, trị vì từ năm 1613, chính thức sụp đổ.
Dù không còn tồn tại nhưng vương tộc Romanov đã để lại cho nước Nga những trang sử bề thế mà cho đến nay người ta vẫn phải tìm tòi, nghiên cứu. Trong đó có chuyện nuôi dạy các hoàng tử công chúa là con cháu Sa hoàng và câu hỏi đặt ra là: Những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa liệu có được hưởng sự sung sướng không ai bằng, như người ta vẫn nghĩ?
Sa hoàng đầu tiên của gia tộc Romanov là Mikhail Romanov. Ông lên ngôi năm 1613, khi mới 16 tuổi. Sa hoàng Mikhail có người cháu nội đích tôn tên Tsarevich Alexei Alexeyevich.
Người thừa kế ngai vàng, Tsarevich Alexei Alexeevich (1654-1670), đã chết trước khi bước sang tuổi 16
Tsarevich là con trai thứ 2 của Sa hoàng Alexis và Hoàng hậu Maria Miloslavskaya. Dù là con trai thứ 2 nhưng Tsarevich lại nằm trong danh sách kế vị ngôi báu bởi anh trai của ông đã chết từ khi ông còn chưa lọt lòng. Từ khi mới 2 tuổi, Tsarevich đã được tuyên bố thừa kế ngai vàng. Ngay lúc cất tiếng khóc chào đời, Tsarevich đã được nuôi dưỡng trong môi trường của gia đình hoàng gia cao quý, được đưa vào khuôn khổ, tuân theo sự giáo dục nghiêm ngặt để trở thành một vị vua trong tương lai, đủ khả năng lãnh đạo đất nước.
Theo lời kể của một số người đương thời, Hoàng tử Tsarevich khi ấy được đích thân nhà thơ nổi tiếng của Nga dạy dỗ văn chương, ông cũng được nghiên cứu số học, ngữ tộc Slav (một nhóm ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Ấn - Âu, xuất phát từ Đông Âu) và triết học. Hoàng tử Tsarevich khi ấy tỏ ra là cậu bé chăm chỉ, có trí nhớ tốt và rất thích mày mò tìm hiểu.
Thời gian trôi đi, năm Tsarevich 16 tuổi, cậu bé đột ngột tử vong. Trước đó, không có bất kỳ tin tức nào về bệnh tật của hoàng tử nên khi Tsarevich qua đời, nhiều tin đồn đã lan truyền trong dân chúng. Có người cho rằng, chính vì sự hà khắc quá mức cần thiết trong cách dạy dỗ của hoàng gia khiến đứa trẻ chết yểu. Cho đến nay, chưa có lời xác nhận chính thức nào về nguyên nhân cái chết của Hoàng tử Tsarevich nhưng có nhiều bằng chứng lịch sử và cả những câu chuyện về cuộc sống của các hoàng tử, công chúa trong hoàng gia khiến người ta bất ngờ.
Như nhà sử học Igor Zimin từng viết trong cuốn sách của ông rằng 2 căn bệnh chính của các Sa hoàng đầu tiên của triều đại Romanov là bệnh lao truyền nhiễm và bệnh còi xương - thường biểu hiện bằng đôi chân vòng kiềng và đau nhức xương. Điều này có nghĩa là các Sa hoàng khi còn nhỏ có khả năng miễn dịch thấp, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Nhưng làm sao một gia đình giàu có như vậy lại đối xử tệ bạc với con cái của họ đến thế?
Câu trả lời là do các quy tắc truyền thống!
Trước khi các hoàng tử, công chúa tròn 5 tuổi, họ đều ở trong khu dành cho phụ nữ trong cung điện.
Chân dung Đại Công tước Alexander của hoàng gia Nga
Nhưng tại sao những đứa trẻ phải ở trong phòng riêng cho đến khi 5 tuổi? Bởi vì các Sa hoàng Nga rất lo ngại về ma thuật đen. Như nhà sử học Vera Bokova đã viết trong cuốn sách mang tên "Thời thơ ấu trong nhà của Sa hoàng": Bà đỡ là người đứng đầu trong nhóm người hầu chăm sóc đứa trẻ, bà biết mọi thứ liên quan đến sức khỏe của đứa bé, và khi bác sĩ vắng mặt, bà sẽ chịu trách nhiệm chính về các vấn đề y tế và cả những vấn đề về ma thuật.
Cho tới khi đứa trẻ được 5 tuổi, chỉ họ hàng thân thiết và người hầu mới được phép nhìn những đứa trẻ hoàng gia này. Nếu chúng phải đến nhà thờ, người hầu sẽ mang theo rèm bằng len để che hai bên. Con cái của Sa hoàng đi bằng xe ngựa có cửa sổ che rèm, chơi trong sân riêng đóng kín cửa. Tuy nhiên, những đứa trẻ này vẫn có bạn chơi cùng là con cái của các gia đình quý tộc.
Những đứa trẻ hoàng gia cũng cần không khí trong lành (tức không được giao tiếp với bất kỳ ai khác để tránh lây bệnh, nhiễm vi khuẩn có hại). Chúng bị "nhốt" trong các căn phòng với những ô cửa sổ đóng kín, bởi vì gia đình Sa hoàng lo ngại bất cứ ai nhìn thấy con họ (và để ý đến chúng). Các phòng luôn được sưởi ấm, tường và sàn được bọc bằng vải để giảm nhiệt, nôi cũng được lót bằng vải hoặc thậm chí lông thú. Trẻ sơ sinh thì được quấn chặt bằng lông vũ và gối, dưới một tấm chăn lông thú. Người ta cho rằng nếu đứa bé không được quấn chặt trong những năm chập chững biết đi, nó sẽ lớn lên với dáng người vẹo vọ và có bướu.
Những đứa trẻ hoàng gia được rất nhiều người hầu phục vụ 24/24: Y tá, vú em, y tá trực đêm, người giúp việc, người giặt giũ, thợ may... Nhưng những người này liệu có thực sự quan tâm đúng cách đến sức khỏe của đứa trẻ?
Một phòng ngủ (ảnh chụp vào thế kỷ 19) trong Cung điện Terem bên cạnh Điện Kremlin, Moscow, Nga. Cung điện là nơi ở chính của các hoàng đế Nga vào thế kỷ 17
Nhà sử học Vera Bokova mô tả trách nhiệm hàng ngày của những người hầu đối với con cháu hoàng gia rằng: “Người ta dự đoán số phận của một đứa trẻ bằng số lượng và vị trí nốt ruồi trên cơ thể. Họ giữ cho chiếc nôi không bị ánh trăng chiếu thẳng - để bọn trẻ không bị mất giấc ngủ. Cấm không ai được nhìn đứa trẻ khi nó đang ngủ, bôi bồ hóng (nhọ nồi) sau tai đứa trẻ để bảo vệ khỏi những 'con mắt ác' và trước khi gặp người lạ, phải rắc một ít muối lên đầu”. Rõ ràng, tất cả những điều này khác rất xa so với những sự chăm sóc y tế mà một đứa trẻ cần có.
Ai cũng biết, trẻ nhỏ cần được hoạt động vui chơi, chạy nhảy - nhưng thay vào đó, các em bé hoàng gia buộc phải đi chậm, không bao giờ được chạy hoặc la hét, vì điều đó không phù hợp với những người thuộc dòng dõi hoàng gia. Và cứ như vậy, bọn trẻ lớn lên rồi quen với nếp sống gò bó, cư xử nghiêm trang, nhã nhặn.
Nghe có vẻ vô lý, con nhà giàu mà ăn thiếu dinh dưỡng? Nhưng sự thật là như vậy! Các Sa hoàng Nga không bao giờ ăn bắp cải vì bắp cải được coi là "thức ăn của nông dân", và thực tế thì bắp cải đúng là món ăn thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của nông dân Nga. Trong khi đó, bắp cải muối lại chứa nhiều Vitamin C, rất cần thiết cho sức khỏe.
Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi các thành viên của gia tộc Romanov lại mắc bệnh scorbut (một căn bệnh do thiếu hụt vitamin C, với biểu hiện đặc trưng là nướu bị sưng, chảy máu và vết thương chậm lành).
Nhưng các em bé hoàng gia lại được cho ăn rất nhiều đồ ngọt. Nếu một đứa trẻ la khóc ầm ĩ, ngay lập tức sẽ được dỗ dành bằng một số ít bánh ngọt, kẹo, các loại hạt... Các hoàng tử, công chúa được cho ăn 5 lần một ngày và giữa các bữa ăn còn được cho đồ ăn vặt không giới hạn.
Đây chính là lý do mà các Sa hoàng Nga đều khá mập mạp.
Người Nga còn quan niệm rằng những cuộc trò chuyện nghiêm khắc, khắt khe sẽ làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ con. Do đó, bảo mẫu chỉ có thể sử dụng giọng điệu ngọt ngào, nhỏ nhẹ để lấy lòng các tiểu chủ nhân. Dĩ nhiên là những đứa trẻ này chẳng bao giờ bị phạt, chỉ bị nhắc nhở.
Đối với các con gái của Sa hoàng, tức các công chúa cao quý, cả đời họ phải sống ẩn dật. Sau 5 tuổi, họ sẽ ở trong khu dành cho phụ nữ trong cung điện, và ít khi được đi đây đó. Trái lại, các hoàng tử lại có cuộc sống rất khác. Các bảo mẫu và hầu gái sẽ ngừng việc chăm sóc và những bé trai này sẽ sống ở khu vực dành riêng cho đàn ông trong cung, dưới sự giám sát của gia sư - thường là một quý tộc quyền lực và được kính trọng.
Nhiệm vụ của gia sư là dạy các cậu bé cách đọc, viết, cưỡi ngựa và cư xử theo phong cách quý tộc. Các Sa hoàng Nga phải cư xử theo cách để không ai có thể khinh thường hay chế giễu. Vì vậy, các hoàng tử nhỏ được dạy đi bộ, di chuyển chậm rãi, oai vệ, không vội vàng.
Gia sư sẽ là những người duy nhất được trừng phạt những đứa trẻ hoàng gia này. Vào thời bấy giờ, việc nuôi dạy được dựa theo văn chương Cơ đốc giáo, chẳng hạn như St. John Chrysostom viết: "Hình phạt ghê sợ đang chờ đợi những đứa trẻ không chịu nghe lời cha mẹ chúng". Roi làm từ gỗ bạch dương sẽ được dùng để đánh những đứa trẻ không chịu học, lười biếng và không nghe lời. Đây là một sự thay đổi phũ phàng so với những lời âu yếm, dịu dàng trước đó từ các bảo mẫu và hầu gái.
Nguồn: RBTH