Thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport

Vân Thăng - Quote Card: Mạnh Đăng, Theo Trí Thức Trẻ 18:11 28/08/2019

Từ đầu năm 2019, nhiều huấn luyện viên, vận động viên tâm huyết với khiêu vũ thể thao mong muốn được thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao VN, tách khỏi Liên đoàn Thể dục VN. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyện vọng này vẫn bị “treo”.

Ngày 4/5/2019, Tổng cục TDTT đã có công văn phản hồi về đơn xin phép thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam được 4 kiện tướng hàng đầu, bao gồm Nguyễn Chí Anh, Nguyễn Khánh Thi, Phan Hồng Việt và Hoàng Thu Trang, đứng tên.

Theo đó, Tổng cục TDTT "thống nhất với ý kiến của Liên đoàn thể dục Việt Nam về việc ủng hộ chủ trương cho tách và thành lập mới Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam". Ngoài ra, Tổng cục TDTT cũng yêu cầu quy trình tách và thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam cần tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, trước mắt là việc thành lập ban vận động.

Thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport - Ảnh 1.

Bốn kiện tướng Phan Hồng Việt, Hoàng Thu Trang, Nguyễn Khánh Thi và Nguyễn Chí Anh. Ảnh: NVCC

Mặc dù vậy, sau hơn 3 tháng công văn được gửi, nguyện vọng của các huấn luyện viên, vận động viên khiêu vũ thể thao vẫn đang ở trạng thái "treo", với lý do "mọi diễn biến thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao đang đi theo lộ trình, phải làm từng bước và đúng luật, không thể đốt cháy giai đoạn" - theo phát biểu của một lãnh đạo ngành thể thao "giấu tên" gần đây.

Các kiện tướng bức xúc vì bị trì hoãn thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao VN

Kiện tướng Chí Anh đặt vấn đề: "Tất cả các phát ngôn cũng như thông tin về nguyện vọng thành lập Liên đoàn Khiêu vũ VN của cộng đồng khiêu vũ thể thao trong thời gian qua đều rất minh bạch, có tên và chức danh người phát ngôn rõ ràng. Ví dụ như những phát ngôn của ông Nguyễn Hồng Minh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT- PV), ông Trần Chiến Thắng (Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Thể thao VN), ông Vương Duy Biên (nguyên Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)...

Ngoài ra, khi tôi, chị Khánh Thi, Thu Trang hay anh Hồng Việt phát ngôn đều nêu tên rõ ràng. Vậy tại sao vị lãnh đạo TDTT phải giấu tên và liệu có hay không mục đích kìm hãm sự phát triển của khiêu vũ thể thao nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, trái với chủ trương của chính phủ và ngành thể thao về xã hội hóa các môn thể thao, tận dụng mọi nguồn lực xã hội và tiết kiệm chi phí quản lý Nhà nước?".

Thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport - Ảnh 2.

Khánh Thi vừa trở về từ Giải Vô địch khiêu vũ thể thao Đông Nam Á mở rộng 2019 với vai trò giám khảo, nơi Phan Hiển - Nhã Khanh xuất sắc giành HCV và lọt vào Top 6 thế giới nội dung Latin. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, sau khi trở về từ giải vô địch Đông Nam Á tại Singapore, trọng tài quốc tế Khánh Thi cũng chia sẻ về quá trình dày công và vất vả để có được danh sách ban vận động dự kiến: "Sau khi được Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Thể thao VN Trần Chiến Thắng gợi ý và được sự hướng dẫn của Vụ tổ chức cán bộ Tổng cục TDTT về việc lên danh sách ban vận động dự kiến, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và sẵn sàng đồng hành của rất nhiều cô chú lãnh đạo các sở Văn hóa Thể thao trong cả nước, của chủ nhiệm các CLB khiêu vũ thể thao uy tín tại mọi địa phương.

Từ đó, cộng đồng khiêu vũ thể thao đề xuất danh sách ban vận động đứng đầu là ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT & DL. Đây là bản danh sách ban vận động với những con người mà cộng đồng khiêu vũ thể thao tin tưởng thực sự tâm huyết với môn khiêu vũ thể thao để vận động thành lập liên đoàn. Ban vận động cũng sẵn sàng chào đón những cá nhân có uy tín, có khả năng cống hiến sức lực, tài lực cho khiêu vũ thể thao. Bản danh sách này không hề đơn giản là ai đó tự vẽ ra".

Nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport

Khiêu vũ thể thao đã có mặt trong hệ thống thi đấu đỉnh cao của thể thao Việt Nam 14 năm, phong trào rộng khắp cả nước, đem lại nhiều thành tích xuất sắc tại châu lục cũng như thế giới. Đến nay, tổ chức quản lý từ Liên đoàn Thể dục với khiêu vũ thể thao không còn phù hợp, kéo theo nhiều sự việc bất cập. Vì vậy, cộng đồng khiêu vũ thể thao mà đại diện là Chí Anh, Khánh Thi, Hồng Việt và Thu Trang đã đề xuất nguyện vọng thành lập liên đoàn riêng một cách bức thiết.

Thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport - Ảnh 3.

Vợ chồng kiện tướng Thu Trang – Hồng Việt. Ảnh: NVCC.

Nói về quãng thời gian dài đi gặp gỡ vận động, trọng tài quốc tế Thu Trang có rất nhiều cảm xúc. Đôi khi chị thấy cô đơn, chạnh lòng, nhưng đan xen đó là cảm giác ấm áp và được tiếp thêm động lực khi nhận sự ủng hộ: "Giờ đây cộng đồng khiêu vũ thể thao đã đủ lớn mạnh. Chúng tôi gửi đơn cụ thể đến từng cô chú lãnh đạo bộ và ngành, gặp gỡ tất cả các cô chú lãnh đạo bộ VHTT & DL và ngành thể thao, lắng nghe, tiếp thu, từng bước làm theo hướng dẫn của các cô chú. Và chúng tôi đã nhận được sự thấu hiểu ủng hộ rất lớn của các chú, các anh, chị trong ngành thể thao.

Song song đó, cùng với 147 CLB khiêu vũ thể thao, những anh chị em đồng nghiệp, người thân có, người chưa hề biết nhưng đã nghe tên quý trọng cũng có, cùng ký tên bày tỏ nguyện vọng gửi lên lãnh đạo bộ và ngành, tôi rất xúc động. Việc 147 CLB cùng lên tiếng cho thấy, đây là nguyện vọng cấp thiết chứ không thể nói là nôn nóng được nữa.

Và khi thể hiện nguyện vọng chính đáng, đã lắng nghe, tiếp thu và làm theo hướng dẫn, chúng tôi không bao giờ và chưa bao giờ làm sai. Chỉ có số ít cá nhân cố tình trì hoãn không hướng dẫn thì chúng tôi mới có những cách thức khác để thúc đẩy việc thực hiện nguyện vọng. Chúng tôi luôn nói và làm đúng luật pháp cũng như các quy định, nhưng có thể dẫn tới động chạm, mất lòng một số người. Nhiều lúc buồn nhưng phải chấp nhận thiệt thòi thôi".

Các kiện tướng Dancesport cũng khẳng định, Việt Nam chưa có liên đoàn khiêu vũ thể thao. Và cộng đồng khiêu vũ thể thao có nguyện vọng cấp thiết thành lập liên đoàn của mình, không vì bất kỳ lợi ích nhóm nào, mà vì sự dân chủ, minh bạch và phát triển của môn thể thao này.

"Ban vận động phải do cộng đồng khiêu vũ thể thao tin tưởng chọn ra, là những người thực sự thúc đẩy nhanh chóng việc thành lập liên đoàn bằng cả lời nói và hành động, chứ không phải những người chỉ nói, hoặc những người từ trước tới nay luôn mặc định Liên đoàn Khiêu vũ Việt Nam còn lâu mới thành lập được, vướng cái nọ hoặc ràng buộc kia.

Liên đoàn thể dục chỉ đại diện cho các môn thể dục, quản lý các hoạt động khiêu vũ thể thao khi chưa có liên đoàn của môn này. Chính vì sự quản lý bất cập với khiêu vũ thể thao trong thời gian qua nên cộng đồng khiêu vũ thể thao mới có nguyện vọng cấp thiết như vậy. Liên đoàn thể dục không thể là tổ chức đề xuất danh sách ban vận động, nếu như vậy là tiếp tục muốn khống chế khiêu vũ thể thao, và các bất cập sẽ tiếp tục xảy ra. Hãy trả khiêu vũ thể thao cho cộng đồng khiêu vũ thể thao. Chúng tôi sẽ tự phát triển, tuân thủ mọi chỉ đạo quản lý và định hướng của Tổng cục TDTT", các kiện tướng Dancesport cùng chung quan điểm.

Thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam, nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport - Ảnh 4.

"Cộng đồng khiêu vũ thể thao luôn sẵn sàng hợp tác với Liên đoàn thể dục một cách toàn diện, dân chủ, minh bạch để thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao VN, không theo cách áp đặt một phía như đã diễn ra từ trước tới nay.

Để thể hiện quan điểm minh bạch trong quá trình chúng tôi vận động thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao VN, tôi cam kết sẽ không tham gia bất kỳ một vị trí lãnh đạo, quản lý nào khi liên đoàn ra đời. Tôi sẽ tiếp tục với công việc đào tạo VĐV mà tôi yêu thích và gắn bó suốt 15 năm qua", kiện tướng Hồng Việt khẳng định.

Cũng liên quan tới Dancesport, cuối tuần qua, Đội tuyển Khiêu vũ Việt Nam đã tham gia Giải Vô địch khiêu vũ thể thao Đông Nam Á mở rộng 2019 với 10 đôi thuộc các đơn vị tỉnh thành như Đồng Nai, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Bình… và tất cả đều phải tự túc kinh phí khi đến với giải.

Tại SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay tại Philippines, Việt Nam tham gia tranh tài với 4 cặp đôi. Mọi kinh phí cho đội tại SEA Games 30 cũng đến từ nguồn xã hội hóa.