Tết cô đơn trong mắt người trẻ là khi họ nhìn về bản thân nhiều hơn, thay vì hướng về gia đình

Minh Đức Design: Trường Dương, Theo Helino 14:36 21/01/2020

Người trẻ kết nối với bạn bè nhiều hơn trên mạng xã hội thì cũng mất kết nối với họ hàng, người thân trong cuộc sống thật. Chúng ta kết nối bản thân nhiều hơn thì cũng là lúc mất kết nối với gia đình. Người trẻ nói rằng Tết tẻ nhạt và cô đơn, đó là lựa chọn của họ khi để những kết nối truyền thống đứt gãy.


Một bài viết chia sẻ về sự cô đơn của người trẻ ngày Tết, đến từ tác giả Minh Đức trên MXH Lotus, sẽ đưa thêm góc nhìn cho các bạn về câu chuyện nỗi buồn ngày Tết hiện đại.

Lang thang trên Facebook những ngày Tết, thấy tài khoản của bạn sáng từ sáng tới đêm, không phải một mà nhiều người bạn như vậy. Nhắn tin hỏi bạn có đi đâu chơi không, đã sang chúc Tết người thân, hẹn hò bạn bè gì chưa, bạn nói chưa, chỉ ở trong phòng “cày film” và online từ sáng tới chiều. 10 phút sau, Facebook bạn có một dòng status.

“Tet is boring” - Tết tẻ nhạt, kèm theo biểu cảm thở dài thườn thượt.

Chúng ta có hai nơi để ăn Tết: ngoài đời thật và trên mạng. Nhiều người co cụm lại trong cái Tết ngoài đời thật, tách mình ra không khí Tết rộn ràng ngoài kia để tìm lấy cái Tết trên mạng; cũng có lời chúc, cũng có pháo hoa, bánh chưng, lì xì - tất cả đều qua Internet, hình ảnh, video hay vài ứng dụng điện thoại. Trong một thế giới siêu kết nối như vậy, người ta vẫn thấy lẻ loi, cô đơn - đặc biệt trong dịp Tết. Nhiều người thấy lạc lõng, cô đơn trong Tết khi không muốn mở lòng mình cho sự rộn ràng tẻ nhạt. Nhiều người cô đơn trong Tết khi mất dần kết nối với những giá trị truyền thống và gia đình. Nhiều người cô đơn trong Tết vì đơn giản, sự thừa thãi với thời gian và ảo vọng về hạnh phúc trên mạng xã hội được phô bày khiến họ suy nghĩ quá nhiều và cảm giác Tết của mình vô vị.

Người này là vậy, người kia là thế - nhưng có lẽ cái Tết trở nên cô đơn, lạc lõng trong mắt nhiều người trẻ kể từ lúc họ nghĩ về bản thân mình nhiều hơn, không phải hướng về gia đình hay mọi điều xung quanh.

Tết cô đơn trong mắt người trẻ là khi họ nhìn về bản thân nhiều hơn, thay vì hướng về gia đình - Ảnh 2.

Những kết nối gia đình, họ hàng rạn vỡ

Trong câu chuyện văn phòng cuối năm của những cô cậu trẻ tuổi, họ than thở nhiều về việc phải đi chúc tụng ngày Tết, thăm nom họ hàng và mừng tuổi bọn trẻ con. “Tao chẳng muốn sang thăm họ hàng tí nào, nói chuyện dông dài lại hỏi chuyện cưới xin lương thưởng” - “rồi tao cũng thế, nhà đấy lại có một đám trẻ con đông lắm, tốn bao tiền mừng tuổi”. Họ ngồi trên nhà từ sáng tới chiều, bất kể mùng Một hay mùng Năm, có khách tới cũng mặc kệ, trừ khi bị bố mẹ gọi xuống.

Chúng ta không muốn nhớ tên nhớ mặt những người họ hàng xa lắc xa lơ mà ngày xưa, bố hay dặn dò kỹ “dắt đi chúc Tết để nhớ mặt chú này cô kia con nhé, mai sau còn chào hỏi”. Chúng ta sợ việc đi thăm nhà họ hàng như một nghĩa vụ - “Con đâu có chơi thân với nhà đấy đâu, chẳng biết nói chuyện gì”. Chúng ta sợ phải lì xì, sợ người ta hỏi nhiều về đời tư cá nhân, sợ không biết nói chuyện gì với gương mặt ngán ngẩm đầu năm. Ngay ở trong nhà cũng vậy, ăn cơm xong với bố mẹ thì cũng chạy nhanh lên phòng, bỏ lại bố mẹ ngồi một mình phòng khách uống trà tiếp khách hay đi thăm họ hàng. Ngày Tết về cơ bản là như vậy, rốt cuộc chúng ta cố gắng để bản thân thoải mái không bực bội, khó chịu; còn những giá trị khác của họ hàng và gia đình cũng không quan trọng.

Những kết nối gia đình, họ hàng đứt gãy, rạn nứt khi chúng ta có quá nhiều kết nối trên không gian ảo. Ngày Tết từng là dịp hiếm hoi trong năm để người ta ôn lại chuyện cũ một năm, hàn huyên cả buổi không hết chuyện. Khi bố biết dùng Facebook, mẹ biết chơi Zalo, họ hàng nội ngoại bất kể lứa tuổi cũng có mạng xã hội, cuộc sống của mỗi người không cần chờ đến Tết để kể lể khi ngày nào cũng có status hay đăng ảnh. Sẽ là những câu chuyện tẻ nhạt, xã giao hay cái nhìn màn hình tivi ái ngại khi đi thăm họ hàng và chẳng biết nói gì. Sự đứt gãy trong những mối quan hệ họ hàng và sự phát triển của công nghệ như một chiếc bập bênh, bạn càng biết nhiều thông tin từ nhau, có nhiều sự lựa chọn thay thế trong ngày Tết thì càng có ít lý do để chạm mặt trong ngày Tết. Sự bận rộn trở thành cái cớ, sự tiện lợi thành công cụ và sự chán ngán thành động lực để bạn không muốn đi thăm họ hàng dịp Tết. Một vòng luẩn quẩn cứ thế xoay vần, càng nhiều đứt gãy chúng ta càng không muốn kết nối, bạn càng thấy Tết cô đơn và lặp đi lặp lại những điều nhàm chán.

Tết cô đơn trong mắt người trẻ là khi họ nhìn về bản thân nhiều hơn, thay vì hướng về gia đình - Ảnh 3.

Điều gì sẽ là câu chuyện của tương lai? Khi mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, họ hàng xa trở thành người lạ, những cái Tết sẽ chỉ còn bó hẹp trong 4 bức tường nhà, chẳng còn những chuyến ghé thăm nhà nhau hay quây quần đại gia đình trong ngày Tết. Những ngày nghỉ Tết sẽ trở thành chuỗi ngày để một người cô đơn gặm nhấm nỗi buồn của mình. Ngoài kia càng đông vui, náo nhiệt với pháo hoa rộn ràng, nỗi buồn của mỗi người lại thêm nặng gánh hơn.

Tết là hướng về gia đình chứ đâu chỉ cho riêng mình

Không phải sự sung túc đủ đầy hay lễ nghi rườm rà mới là điều làm nên ngày Tết, tinh thần của Tết Nguyên đán xoay quanh hai chữ đoàn viên. Sự thay đổi muôn hình vạn trạng của ngày Tết là điều dễ hiểu, nay không trưng mai thì trưng hoa đào, chán ăn bánh Chưng người ta sẽ gói một thứ bánh khác. Nhưng khi mỗi người bước vào trong Tết với sự chán chường, ăn Tết trong niềm cô đơn và kết thúc ngày Tết với những đứt gãy sâu sắc hơn, đó là khi người trẻ thất bại trong việc tiếp quản nét văn hóa truyền thống này.

Những ngày Tết trong con mắt người trẻ vô vị và nhàm chán khi mỗi người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, chọn ăn Tết như những ngày bình thường; vẫn dán mắt vào điện thoại, máy tính, vẫn thích ngồi trong phòng một mình đóng cửa với thế giới riêng, vẫn thích hẹn gặp bạn bè đi cà phê, trà sữa. Cuộc đời mỗi người chỉ đi qua vài chục cái Tết, bạn không thực sự sống với tinh thần của ngày Tết, sao lại than thở ngày Tết chán chường? Ngày Tết trong mắt nhiều người chỉ như một đợt lễ dài ngày chứ đâu còn là dịp để tận hưởng những trải nghiệm một năm chỉ có một lần nữa.

Cả năm kiếm tiền tiêu xài nhưng nghĩ mừng tuổi một chút thì sợ, có những người họ hàng hỏi han cũng đầy thiện chí thì giãy nảy lên là không tôn trọng cá nhân rồi lên Facebook than thở, đi chơi với bạn bè thì nhanh nhưng nói chuyện với bố mẹ thì không chịu, nói rằng bố mẹ không hiểu con nhưng chưa một lần chia sẻ câu chuyện cuộc sống, dù là ngày Tết. Chữ đoàn viên hay sum tụ, giá trị tinh thần cốt lõi của một ngày Tết - nếu không thực sự hiểu được điều đó thì làm sao mưu cầu một ngày Tết hạnh phúc vui vẻ? Chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân mình và dù cả năm chỉ có một ngày Tết, đó vẫn là ngày để bản thân hạnh phúc và thoải mái trước tiên. Ấy vậy, nhưng đâu phải ai cũng thoải mái.

Tết cô đơn trong mắt người trẻ là khi họ nhìn về bản thân nhiều hơn, thay vì hướng về gia đình - Ảnh 4.

Cô đơn với nhiều người là một hệ quả, nhưng với số khác lại là lựa chọn. Không ai biết rằng Tết có mai một không nhưng những giá trị tình thân, cộng đồng chắc chắn sẽ mờ dần cùng với sự vận động nhanh giữa thế giới siêu kết nối này.

Tết năm ngoái, bạn rủ tôi đi du lịch xuyên Tết, làm một chuyến tới Ấn Độ 2 tuần. Tôi chưa bao giờ đi đâu khỏi nhà vào dịp Tết, hỏi bạn rằng có để sau Tết được không. Bạn nói rằng Tết ở nhà chán lắm, cứ phải nghe bố mẹ ra rả mấy câu chuyện năm nào cũng lặp đi lặp lại, đi du lịch Tết cho thoải mái. Rồi bạn đi thật còn tôi thì không thể theo - tôi không nỡ nhìn bố mẹ lủi thủi như bố mẹ bạn, chẳng biết làm gì cho hết Tết khi quanh năm suốt tháng hai bác đã ở nhà với nhau. Ngày Tết với họ, vắng bóng cậu con trai cũng trở thành ngày thường. Nhiều người trẻ muốn đi trong dịp Tết, người già muốn con cái ở nhà quây quần. Giữa hai luồng tư tưởng đó là một vực sâu ngăn cách mà qua mỗi năm lại tách họ xa nhau hơn, bên nào cũng có một niềm cô đơn trong ngày Tết. Liệu rồi, những đứa con lớn lên có chấp nhận được sự cô đơn ấy khi làm bố mẹ không.

Tết cô đơn trong mắt người trẻ là khi họ nhìn về bản thân nhiều hơn, thay vì hướng về gia đình - Ảnh 5.

Ngày 30 Tết, có thể bạn đang ngồi ở bãi biển một mình, đang nằm trong phòng cày film hay chỉ đơn giản nằm chơi game từ sáng tới khuya. Rồi bạn nhận ra ở Việt Nam đang là Tết, dưới nhà bố mẹ đang sửa soạn mâm cơm cúng Giao thừa, bạn tự hỏi mình đang làm gì trong ngày Tết như vậy, chẳng có ai xung quanh và tẻ nhạt. Nỗi cô đơn cũng từ đấy mà ra. Mất kết nối với ngày Tết là mất kết nối với con người, những giá trị về tình thân và con người còn là còn Tết; bằng không, sẽ chẳng có một cái Tết nào trong tâm trí người trẻ, ngoài một cái Tết được bày ra trước mặt trong thực tế mà họ là một phần của xã hội.

Vì Tết thuộc về gia đình, chứ không chỉ của riêng mình.