EDM là một thể loại âm nhạc "khó nói" tại Vpop: kể cả những cái tên nổi bật nhất trong làng mainstream cũng có ít nhất một lần thất thế vì EDM, nhưng một khi đã để lại được dấu ấn tại địa hạt EDM thì sự nghiệp lại "dễ thở" hơn hẳn bởi cạnh tranh không khốc liệt như những ca sĩ chăm chăm đi theo sự an toàn của ballad.
Kể từ sau chương trình "The Remix" năm 2015, EDM dần dần được khán giả biết đến nhiều hơn và có cái nhìn tích cực hơn, thế nhưng đã 4 năm trôi qua và số lượng sản phẩm dance/EDM của nghệ sĩ Việt vẫn luôn dừng ở mức thử nghiệm. Sự khó khăn khi cho ra mắt một ca khúc EDM một phần vì gu nghe nhạc của khán giả Việt không quá chuộng những ca khúc sôi động. Thế nhưng sự cũ kĩ hay quá phức tạp trong cách thức sản xuất những ca khúc dance/EDM Việt cũng góp phần không nhỏ trong việc kéo lùi sự phát triển của dòng nhạc đang thịnh hành trên toàn thế giới ngay lúc này.
Ngày 13/4 vừa qua, nam ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã cho ra mắt sản phẩm mới có tên "Đã đến lúc", đánh dấu cột mốc thay đổi hình tượng và thể loại âm nhạc mà anh theo đuổi bấy lâu. Ca khúc "Đã đến lúc" là sự kết hợp của Soobin Hoàng Sơn với SlimV, một "phù thủy âm thanh" khá mát tay của Vpop. Dù "Đã đến lúc" được đầu tư kĩ lưỡng về hình ảnh và sự thay đổi trong ngoại hình của Soobin Hoàng Sơn cũng khiến khán giả quan tâm, nhưng "Đã đến lúc" không nhận được quá nhiều hưởng ứng tích cực. Sau 3 ngày ra mắt, MV "Đã đến lúc" của Soobin Hoàng Sơn mới đạt hơn 1,5 triệu lượt xem.
Tạo hình khác lạ của Soobin Hoàng Sơn trong "Đã đến lúc"
Trước Soobin Hoàng Sơn, Erik cũng "quay lưng" với thể loại ballad đã làm nên tên tuổi của anh để cho ra mắt ca khúc "Đừng có mơ". Gây tranh cãi vì lùm xùm tên viết tắt nhạy cảm, "Đừng có mơ" cũng chỉ đạt được 1,7 triệu lượt xem Youtube sau 4 tháng, con số quá khiêm tốn so với những bản hit trước đây như "Chạm đáy nỗi đau" và "Mình chia tay đi".
"Đừng có mơ" là ca khúc ít đình đám nhất trong sự nghiệp của Erik
Tóc Tiên là một trường hợp ngược lại với Erik và Soobin Hoàng Sơn. Trở về từ Mỹ và hoạt động không có quá nhiều đột phá, tên tuổi của Tóc Tiên được đông đảo công chúng biết đến sau khi tham gia vào chương trình "The Remix". "Vũ điệu cồng chiêng", cái tên phổ biến hơn cả ca khúc gốc là "Ngày mai" là một sản phẩm nổi đình nổi đám của năm 2015, sau khi Tóc Tiên trình diễn ở "The Remix".
Bước ra từ "The Remix" với lợi thế đã được "đóng đinh" trong tâm trí khán giả rằng Tóc Tiên là cái tên nổi bật ở dòng nhạc dance, nữ ca sĩ dần không vượt qua được cái bóng của "Vũ điệu cồng chiêng". Gần đây nhất, Tóc Tiên cho ra mắt ca khúc "Không ai hơn em đâu anh", một ca khúc sôi động khác hẳn với sản phẩm trước đó là "Có ai thương em hơn anh". Tuy nhiên, xét về cả lượt xem lẫn độ phổ biến, có thể thấy rằng những sản phẩm ballad của Tóc Tiên ("Em không là duy nhất", "Có ai thương em hơn anh") vẫn được khán giả đón nhận nhiệt tình hơn những ca khúc nhạc dance ồn ào của cô.
Tạo hình của Tóc Tiên trong "Không ai hơn em đâu anh"
Vốn là một dòng nhạc bị hạn chế trong những festival âm nhạc hay là các địa điểm giải trí nhỏ lẻ, EDM trở nên đại chúng hơn khi chương trình "The Remix" năm 2015 bắt đầu phát sóng. "The Remix" đã đưa EDM ra màn ảnh nhỏ, và cũng là bệ đỡ cho nhiều DJ, producer mà sau này đã trở thành những cái tên quen thuộc của làng nhạc dance/EDM Việt Nam.
Trong những năm qua, lần lượt những tên tuổi mainstream trong làng nhạc Việt đã dần chuyển hướng sang dance/EDM hoặc có một cuộc "cưỡi ngựa xem hoa" chóng vánh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm EDM chất lượng khiến khán giả có thể nhớ lâu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cùng với sự lên ngôi của những sản phẩm thuộc về lớp nghệ sĩ underground, các ca khúc dance/EDM dù được chăm chút nhiều nhưng càng ngày càng thất thế khi rap, hiphop và những ca khúc ballad đi kèm MV drama vẫn đang là trào lưu mà không ai có thể bỏ qua.
Tuy rằng sức ảnh hưởng bị thu hẹp, không thể nói rằng nếu "khai tử" cả dòng nhạc Dance và EDM thì cũng không để lại thiệt hại gì cho nghệ sĩ và khán giả. Với khán giả, dù ngày ngày vẫn trung thành với những bản ballad kể cả khi vui lẫn buồn, vẫn sẽ có lúc cần "đổi gió" bằng những giai điệu sống động hơn.
Với nghệ sĩ, việc sở hữu những ca khúc Dance và EDM đình đám sẽ khiến họ có vốn liếng để biểu diễn ở những sân khấu cần sự sôi động. Ôm một ca khúc ballad vào những điểm biểu diễn như club hoặc EDM festival là điều bất khả thi, remix một giai điệu buồn thảm bằng âm thanh điện tử, thêm thắt vào những đoạn drop và nhịp điệu dồn dập lại như một sự "bạo hành" với ca khúc. Bên cạnh đó, một nền âm nhạc chỉ sống bằng pop ballad thì quá an toàn và thiếu đột phá, trong khi dance và EDM vẫn là xu hướng âm nhạc nổi bật trên toàn cầu.
Nhìn về nền công nghiệp âm nhạc phát triển bậc nhất châu Á hiện nay là Kpop, có thể thấy rằng dance/EDM là thể loại chủ chốt và không gì có thể thay thế, bởi vũ đạo là 1 yếu tố vô cùng quan trọng mà các nhóm nhạc thần tượng muốn khoe ra. Tuy nhiên, sự thiếu ý tưởng và lặp đi lặp lại của thể loại này đã khiến cho chỉ một số ít ca khúc trở thành hit ngay chính tại đất Hàn. Trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến, ngoại trừ những cái tên sừng sỏ như BIGBANG, rất khó để các ca khúc nhạc điện tử ồn ào của thần tượng có thể cạnh tranh với IU hay Bolbagan4, những "quái vật digital" không có liên hệ gì với EDM.
Hiếm hoi lắm mới có nhóm nhạc Kpop chen chân lên đỉnh các bảng xếp hạng nhạc số nhờ các ca khúc nhạc điện tử
Năm 2018, SHAUN với "Way Back Home" dù gây tranh cãi tại Hàn nhưng lại được khán giả Việt ủng hộ hết mực. "EDM có thể nhẹ nhàng và "thấm" như thế này hay sao?", nhiều khán giả ngỡ ngàng nhận xét khi nghe "Way Back Home" và những sản phẩm khác của SHAUN. SHAUN là cú nổ lớn của âm nhạc điện tử Hàn Quốc đến với khán giả phổ thông Việt Nam, còn khán giả Việt từ lâu đã biết đến những ca khúc EDM đến từ nghệ sĩ US – UK nhưng phần đông… không hề coi đó là EDM.
"Closer" (The Chainsmokers ft Halsey), "Scared to be lonely" (Gartin Maxtrit, Dia Lupa), "Faded" (Alan Walker) đều là những ca khúc thuộc các nhánh khác nhau của EDM. Quan niệm EDM là phải ồn ào và chỉ dành cho những buổi tiệc tùng vẫn in sâu vào trong tâm trí của khán giả Việt, trong khi gu nghe nhạc của khán giả Việt cũng giống như khán giả của phần đông các quốc gia châu Á, luôn dành sự ưu ái cho dòng nhạc pop ballad.
Trên thực tế, việc ra mắt một ca khúc dance/EDM tại Vpop hoàn toàn không phải là sẽ cầm chắc thất bại. Năm 2017, "Túy Âm" – một sản phẩm kết hợp giữa Masew, Nhatnguyen và cái tên lạ lẫm là Xesi đã trở thành một bản hit "quốc dân" chứ không chỉ giới hạn trong giới Underground. Năm 2018, Xesi lại kết hợp với producer HoaproX để tái xuất với "Vô tình". Dù "Vô tình" không đạt được nhiều thành công như "Túy âm" nhưng vẫn trở thành một bản hit khác nữa của cô nữ sinh chưa từng học qua trường lớp âm nhạc nào.
Tại địa phận mainstream, Sơn Tùng M-TP cũng là một ví dụ cho việc những ca khúc được phối trộn nhiều âm thanh điện tử cũng có thể làm vừa tai công chúng. Hay là Chi Pu, chính những thế mạnh của EDM đã bổ khuyết được cho giọng hát có phần hạn chế, khiến cho những sản phẩm âm nhạc của cô nàng hotgirl đi hát được khán giả gật đầu chấp nhận vì độ bắt tai.
"Túy Âm", bản hit EDM đình đám của năm 2017
"EDM là phải ồn ào và phô diễn năng lực của producer", có lẽ quan niệm đó cũng là lí do khiến cho dòng nhạc dance/EDM tại Việt Nam rơi vào bế tắc.
Dễ thấy rằng Dance/EDM Việt hiện nay thường bị sa vào 2 trường hợp: hoặc đã quá cũ kĩ, hoặc quá mới-mẻ-và-cầu-kì.
"Live for this moment" (Hương Tràm) là một ví dụ cụ thể về sự an toàn trong việc sản xuất một sản phẩm nhạc dance. Để truyền tải thông điệp sống trọn từng khoảnh khắc, "Live for this moment" đi theo motif của những ca khúc cổ động đã xuất hiện từ vài năm về trước. Và "Live for this moment" không phải là trường hợp duy nhất, có nhiều ca khúc dance/EDM Việt hiện tại quá phụ thuộc vào những đoạn drop "ăn tiền" mà quên mất tổng thể bài hát, khiến cho người nghe không nhớ nổi trước và sau đoạn drop có những nội dung nào.
"Live for this moment" là sản phẩm dance trong ngưỡng an toàn và không đột phá của Hương Tràm
Trong trường hợp ca khúc quá phức tạp và "đánh đố" sự kiên nhẫn của khán giả, có thể kể đến "Đừng có mơ" (Erik). Người hâm mộ Kpop sẽ không thấy cấu trúc gồm nhiều phần của "Đừng có mơ" quá xa lạ, nhưng ca khúc này vẫn còn quá phức tạp đối với khán giả đã quen nghe nhạc Việt. Nhạc Việt lâu nay vẫn thường quẩn quanh trong việc một ca khúc chỉ bao gồm phiên khúc và điệp khúc, bất cứ sự phá cách nào cũng cần phải thay đổi từ từ để khán giả có thể thích nghi.
Sơn Tùng M-TP dường như là ngoại lệ của phân khúc dance/EDM Việt khi những sản phẩm của nam ca sĩ vẫn được đón nhận dù có cấu trúc phức tạp. Tuy nhiên, thành công của Sơn Tùng M-TP lại dễ dàng giải mã: Sơn Tùng M-TP sở hữu độ nổi tiếng không phải bàn cãi khiến khán giả chú ý mỗi khi tung sản phẩm mới, giai điệu bắt tai và ca từ ít khi vô nghĩa mà luôn đậm chất thơ. Mặt khác, âm thanh điện tử trong những sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP luôn được "nêm nếm" vừa phải, chưa bao giờ lấn át giai điệu, ca từ.
Âm thanh điện tử là gia vị, chưa bao giờ là "món chính" trong những sản phẩm của Sơn Tùng M-TP
Cần ý thức được rằng những âm thanh điện tử không thể là cứu cánh nếu như yếu tố cốt lõi của sản phẩm chưa "chín". Thành công của "Túy Âm" không chỉ nhờ vào một bản phối xuất sắc mà còn nhờ vào giọng hát và giai điệu pha trộn dân gian đương đại lạ lẫm mà khán giả ít có cơ hội được nghe. Nếu cứ phó mặc tất cả cho producer và ngồi chờ họ sẽ tạo ra 1 đoạn drop gây nghiện như "Vũ điệu cồng chiêng" (Tóc Tiên) thì dường như nghệ sĩ Việt sẽ không bao giờ đưa được EDM ra khỏi "vùng trũng" của nhạc Việt.
Tạm kết
Năm 2019, EDM vẫn là thể loại nhạc chiếm sóng mạnh mẽ trên khắp toàn cầu, trong khi tại Việt Nam, nhưng ca khúc có yếu tố nhạc điện tử lại liên tục bị thất thế trước ballad. Thay vì trách gu âm nhạc của khán giả, có lẽ nghệ sĩ nên nhìn lại lí do vì sao khán giả lại từ chối EDM và tìm một hướng đi đúng đắn. Khán giả Việt thích ballad, thích drama, sao không bắt đầu bằng những thể loại "dịu dàng" hơn là một bản nhạc dance ồn ào rồi sau đó mới dần dần "nâng cấp" để khán giả không bị hụt hẫng? Trong trường hợp đó, mỗi nghệ sĩ đều cần một chiến lược dài hơi hơn là cho ra mắt một hai sản phẩm để thử nghiệm và nhanh chóng quay lại vùng an toàn khi thử nghiệm không thành.