Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh "cà khịa": ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều?

Moon, Theo Trí Thức Trẻ 14:55 01/09/2019

Tình yêu và vấn đề xã hội không phải thước đo sự đẳng cấp trong âm nhạc, hay Grammy chưa bao giờ là một giải thưởng công tâm... Thái Vũ, Tùng Dương đã vô tình để lộ ra nhiều lầm tưởng và sự "lạc hậu" của chính họ về âm nhạc thế giới.

Những ngày vừa qua, Thái Vũ khiến cộng đồng mạng xôn xao khi đăng tải đoạn story nhắc đến lễ trao giải Grammy năm 2015. Chuyện sẽ chẳng có gì to tát lắm nếu chỉ dừng lại ở việc Vũ bày tỏ sự thất vọng vì album mình yêu thích trượt giải. Nhưng anh chàng lại cho rằng một album viết về tình yêu như "1989" (Taylor Swift) không xứng đáng dành chiến thắng trước một album lấy đề tài chính trị, xã hội, lịch sử như "To Pimp a Butterfly" (Kendrick Lamar)Chưa dừng lại ở đó, Vũ còn ngầm ủng hộ màn giật mic khỏi tay Taylor Swift của Kanye West trên sân khấu MTV Video Music Awards năm nào. 

Trước Thái Vũ, Tùng Dương cũng gây ra những ồn ào khi bình luận Taylor Swift chỉ là một "nghệ sĩ giải trí" chứ không xứng đáng làm huyền thoại hay diva. Hay Uyên Linh từng khiến khán giả "dậy sóng" khi dùng hình ảnh "con rắn hao trai" để ám chỉ Taylor Swift và album "reputation". Liên tục công kích Taylor Swift bằng quan điểm cá nhân như vậy, liệu nghệ sĩ Việt có đang lầm tưởng về cách thị trường âm nhạc thế giới vận hành? 

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 1.

Ngầm ám chỉ Taylor Swift không xứng đáng nhận giải Grammy, Thái Vũ khiến công chúng phẫn nộ

Tình yêu và vấn đề xã hội không phải thước đo sự đẳng cấp trong âm nhạc 

Trong đoạn story gây tranh cãi của mình, Vũ cho rằng một album về tình yêu cũ thì không xứng đáng nhận được chiến thắng bằng một album mang giá trị xã hội, lịch sử, chính trị và dùng những từ ngữ luyến láy, ẩn dụ như "To Pimp a Butterfly". Nhưng thật ra, chẳng có thước đo chuẩn xác nào cho sự đẳng cấp và ý nghĩa của một sản phẩm âm nhạc. Chủ đề sáng tác của một album hay một ca khúc không thể dùng để quyết định mức độ xứng đáng của nó với một giải thưởng.

Làm nhạc về tình yêu hay làm nhạc về vấn đề xã hội, không có bên nào khó khăn hơn, bên nào dễ dàng hơn. Bởi vì nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào cảm hứng sáng tạo và câu chuyện riêng của mỗi người. Có nghệ sĩ muốn hướng tới chủ đề mang tính bao quát về xã hội, con người, nhân quyền... nhưng sẽ có nghệ sĩ chỉ tập trung vào chủ đề mang tính cá nhân như tình yêu, gia đình... Và tất cả họ, vẫn luôn xứng đáng với những thành công, những giải thưởng khác nhau, chinh phục được một đối tượng khán giả cho riêng mình.

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 2.

Tình yêu luôn là một đề tài bất tận trong âm nhạc của nhiều nghệ sĩ lớn

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 3.

"Lover" của Taylor Swift chuẩn bị lập kỉ lục triệu bản trong tuần đầu phát hành

Không ai có thể phủ nhận được giá trị của những ca khúc về tình yêu trong âm nhạc. Đó là một chủ đề hấp dẫn đối với nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trên toàn thế giới. "Hoạ mi nước Anh" Adele lập hàng loạt kỉ lục bán đĩa triệu bản nhờ những bản tình ca da diết và giành tới 5 tượng vàng Grammy chỉ nhờ album "25". Còn "Lover" - album ngập tràn các sáng tác ngọt ngào về tình yêu của Taylor Swift cũng đang chuẩn bị cán mốc 1 triệu bản trong tuần đầu tiên phát hành tại Mỹ. Hay Lady Gaga cũng bội thu tại Grammy với bản ballad lãng mạn "Shallow", còn Ariana Grande dành kèn vàng lần đầu tiên với "Sweetener" - một album mang đậm tính nữ.

Không chỉ trên thế giới, ngay tại Việt Nam, những sáng tác về tình yêu luôn được khán giả nhiệt tình đón nhận. Từ thế hệ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn... đến các ca sĩ trẻ như Hương Tràm, Đức Phúc, Bích Phương... đều thành công với các ca khúc về tình yêu. Và ngay cả Vũ - người vừa so sánh một album tình yêu với một album chính trị cũng là ca sĩ được nhớ đến bởi những bản tình ca như "Lạ Lùng", "Đông Kiếm Em"...

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 4.

Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn đều là những nghệ sĩ "hát tình ca" thành công tại Việt Nam

Ngược lại, việc đưa các vấn đề nổi cộm về chính trị, xã hội và lịch sử vào âm nhạc cũng không phải điều gì quá lạ lẫm. Micheal Jackson đã trở thành huyền thoại với những album và ca khúc về chủ đề môi trường, thiên nhiên và quyền con người. Nhưng Miley Cyrus với màn trở lại cùng "Nothing Breaks Like A Heart" - một sản phẩm đậm màu chính trị từ phần lyrics đến MV, đề cập đến nhiều điểm nóng trong xã hội Mỹ lại không hề thành công khi chỉ giữ vị trí 67 tại Billboard Hot 100.

Tất nhiên, chất lượng của một sản phẩm luôn bao gồm nhiều yếu tố từ dòng nhạc, cách hoà âm - phối khí, bản thu âm chứ không thể và không nên chỉ đánh giá bằng tiêu chí đề tài của sản phẩm đó là gì. Giá trị thực thụ của một sản phẩm âm nhạc sẽ được chứng minh bằng sức sống của nó với thời gian, khi những giai điệu đó ở lại lâu dài trong lòng công chúng. Một giải thưởng danh giá mang tính thời điểm, hay sự tiếc nuối của "những người có tiếng trong và ngoài giới âm nhạc" như Vũ đề cập cũng không phải là bảo chứng chắc chắn cho giá trị của một album, một bài hát ở thì tương lai.

Taylor Swift không cần làm... diva

"Lội ngược dòng" trở lại với ồn ào phát ngôn của Tùng Dương về Taylor Swift năm nào. Nam ca sĩ cũng vướng phải một sai lầm tương tự với Thái Vũ, đó là áp đặt những quan điểm cá nhân và sự lầm tưởng của mình vào nền âm nhạc thế giới. Cụ thể, trong một bài đăng trên fanpage của Whitney Houston tại Việt Nam, Tùng Dương thẳng thắn bình luận: "Không thể nghe nổi Taylor Swift một bài" và còn chất vấn thêm: "Entertainer là đúng rồi, còn muốn gì nữa? Muốn làm diva/legend nữa à?".

Kì thực, Taylor Swift chưa từng phát biểu muốn trở thành một huyền thoại hay diva. Đơn giản là bởi vì cô ấy không còn hoạt động âm nhạc trong thời đại diva còn trên "đỉnh cao" mà bất kì nghệ sĩ nào cũng cần phải hướng tới nữa. 

Cần phải hiểu, diva là một thuật ngữ xuất phát từ Opera, còn trong âm nhạc, diva lại dùng để chỉ những nghệ sĩ nữ chảnh choẹ, kiêu kì. Đến những năm cuối thập niên 80, khi Whitney Houston nổi lên với giọng hát nội lực, đầy kĩ thuật trong dòng nhạc Pop thì thời đại của các diva mới bắt đầu hình thành. 20 năm cuối thập niên 90, diva trở thành điều mà nhiều nghệ sĩ hướng tới khi Mariah Carey, Céline Dion tạo ra sự bùng nổ với "Power Ballad" - cách hát ballad sử dụng nhiều kĩ thuật khó. 

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 5.

Whitney Houston là nghệ sĩ mở màn cho thời đại diva trong nền âm nhạc thế giới

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 6.

Nhưng ở thời đại của Taylor Swift, diva đã không còn là đỉnh cao cô nàng cần chinh phục

Tuy nhiên, khi Britney Spears, Avril Lavigne, Christina Aguilera, Beyonce xuất hiện, thời đại âm nhạc của những diva dần lùi vào trong quá khứ để nhường bước cho sự phát triển của âm nhạc mang tính hình ảnh và giải trí nhiều hơn. Đến kỉ nguyên của Lady Gaga, Katy Perry, Taylor Swift hay gần đây là Ariana Grande, Billie Eilish... lại là thời điểm nghệ sĩ đảm nhận cả hai vai trò ca sĩ, nhạc sĩ trong mỗi sản phẩm âm nhạc, với sự hỗ trợ của lực lượng Producer hùng hậu. Khi thành công được đong đếm qua các nền tảng streaming thì đích đến của mỗi nghệ sĩ đã không còn là hình tượng một diva với giọng hát "khủng". 

Nhìn vào sự chuyển mình của nền công nghiệp âm nhạc thế giới, công chúng sẽ dễ dàng nhận ra đích đến của mỗi nghệ sĩ trong thời đại đó là gì. Với cá nhân Tùng Dương, có thể diva là một danh xưng cao nhất cần chinh phục, nhưng với sự nghiệp của Taylor Swift ở thị trường âm nhạc mà cô ấy cùng nhiều đối thủ khác đang hoạt động, diva chỉ là một mục tiêu cũ kĩ và không còn cần thiết nữa. 

Grammy chưa bao giờ công tâm nhất, mà cũng chẳng thể làm vừa lòng tất cả mọi người!

Còn nhớ thời điểm lễ trao giải Grammy lần thứ 61 vừa kết thúc, nhật báo New York Times đã đăng tải một bài viết với tựa đề "Grammy có thể làm hài lòng bất cứ ai?". Câu trả lời dĩ nhiên là "Không thể!". Grammy được coi là bữa tiệc âm nhạc lớn nhất, là đỉnh cao mà mỗi nghệ sĩ muốn chinh phục và trong những năm qua, Ban tổ chức của Grammy cũng luôn cố gắng cân bằng giữa các yếu tố văn hoá - xã hội, giới tính, chủng tộc... trong từng hạng mục đề cử và giải thưởng. Nhưng suy cho cùng, những chiếc kèn vàng danh giá của Grammy cũng chỉ phản ánh một phần lịch sử âm nhạc ở thời điểm đó chứ không thể trở thành bức tranh toàn cảnh cho nền âm nhạc thế giới. 

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 7.

Nỗ lực cân bằng giữa các yếu tố văn hoá - xã hội, giới tính, chủng tộc... trong mỗi mùa Grammy vẫn chưa làm công chúng hài lòng

Năm 2019, nhiều người hạnh phúc khi chứng kiến khoảnh khắc Rap/Hip-hop lên ngôi tại Grammy với hàng loạt chiến thắng của Drake, Childish Gambino, Cardi B ở các hạng mục giải thưởng quan trọng nhất. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người khác cho rằng Grammy đã mất đi tính hàn lâm và "thị trường hoá" hơn khi trao giải cho những nghệ sĩ da màu với dòng nhạc mang hơi hướng đường phố, tự do như Hip-hop. 

Vào năm 2018, khán giả cũng bức xúc bởi album "4:44" của Jay-Z là tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng người da màu nhưng không được Grammy vinh danh. Mặc dù Jay-Z trở thành nghệ sĩ được đề cử nhiều nhất mọi thời đại nhưng lại ra về "tay trắng" trong khi Kendrick Lamar "thắng lớn" ở hạng mục Rap, còn Bruno Mars nhận được những giải thưởng quan trọng nhất như "Ca khúc của năm", "Album của năm", "Bản thu âm của năm". 

3 tháng sau đó, Kendrick Lamar tiếp tục giành tượng vàng Pulitzer cho âm nhạc - giải thưởng quan trọng và danh giá hơn cả Grammy tại Mỹ. Nhưng điều đó cũng không chứng tỏ Grammy đã sai lầm khi trao 3 trong 4 giải thưởng quan trọng nhất của họ cho Bruno Mars chứ không phải Kendrick Lanmar. 

Taylor Swift bị Thái Vũ, Tùng Dương, Uyên Linh cà khịa: ca sĩ Việt hiểu sai về âm nhạc thế giới quá nhiều? - Ảnh 8.

Trao hết kèn vàng cho Bruno Mars và bỏ qua album đầy ý nghĩa của Jay-Z, Grammy cũng từng gây nhiều sóng gió

Người hạnh phúc, kẻ bực tức hay album này thắng, album kia thua là điều rất hiển nhiên mà ai cũng phải chấp nhận tại Grammy hay tại bất kì lễ trao giải nào trên thế giới. Mỗi năm, kết quả ấy luôn được quyết định bởi một tổ chức và tuân theo tiêu chí do hội đồng giám khảo đặt ra. Grammy chưa từng là giải thưởng công tâm nhất bởi vì từ trước đến nay, nó chỉ phản ánh một phần giá trị, thế giới quan và gu thưởng thức của một bộ phận khán giả. 

Với Vũ, sự công tâm của Grammy đã "sụp đổ" khi một album viết về tình yêu như "1989" của Taylor Swift lại dành chiến thắng trước album "To Pimp a Butterfly" của Kendrick Lamar. Nhưng màn "lội ngược dòng" về lại năm 2015 để gán cho Grammy một giá trị âm nhạc đích thực rồi "hạ bệ" chiến thắng của Taylor Swift phải chăng là sự thức tỉnh muộn màng trong Vũ? Bởi Grammy chưa từng là thước đo công tâm nhất và định nghĩa về giá trị đích thực của một sản phẩm nghệ thuật đối với mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau.

Tạm kết 

Tại Việt Nam, những ồn ào phát ngôn của nghệ sĩ Việt về các nghệ sĩ quốc tế đã không còn là điều gì đó quá xa lạ với công chúng. Taylor Swift có lẽ chỉ là một trong những "nạn nhân" của nhiều cuộc công kích trên mạng xã hội. Nhưng dù vô tình hay hữu ý, việc nghệ sĩ như Thái Vũ, Tùng Dương đưa ra quan điểm về âm nhạc thế giới đã để lộ ra một điểm yếu của chính họ, đó là sự lầm tưởng và "lạc hậu" giữa dòng chảy âm nhạc chung của thế giới ở mỗi thời đại. 

Sự sáng tạo và cống hiến của mỗi nghệ sĩ cho nền âm nhạc đều cần được tôn trọng như nhau, bất kể sản phẩm của họ mang chủ đề về tình yêu hay chính trị, giành được giải thưởng Grammy hay không. Việc một nghệ sĩ dùng cái nhìn chủ quan để "hạ bệ" sản phẩm của một nghệ sĩ khác nhằm "nâng tầm" cho quan điểm của mình là điều mà công chúng khó chấp nhận. 

Thái Vũ đã công khai gửi lời xin lỗi vì đoạn story của mình, chắc chắn câu chuyện này cũng sẽ chìm vào quên lãng giữa trăm ngàn "trận cà khịa" khác của showbiz Việt. Nhưng điều mà Vũ không bao giờ lấy lại được, chính là sự tôn trọng và niềm tin của một bộ phận khán giả dành cho nam ca sĩ - một người vừa kí hợp đồng với hãng đĩa quốc tế Warner Music Group và từng hứa hẹn về hoài bão đem âm nhạc của mình bước ra thế giới.