Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, cơ thể người già và trẻ em có hệ miễn dịch yếu hơn so với người trưởng thành khỏe mạnh. Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn đang hoàn thiện, trong khi ở người cao tuổi, khả năng miễn dịch suy giảm theo tuổi tác. Điều này khiến cơ thể phản ứng mạnh hơn hoặc không kiểm soát được phản ứng sau tiêm các loại vắc xin, gồm cả vắc xin sởi. Nếu có gặp trường hợp phản ứng nguy hiểm sau tiêm cũng khó xử lý hơn.
Trẻ em có hệ miễn dịch đang hoàn thiện nên thường phản ứng rõ ràng hơn sau khi tiêm vắc xin sởi so với người trưởng thành (Ảnh minh họa)
Chưa kể, người già thường có bệnh nền mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường… nên dễ nhạy cảm hơn với bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, kể cả phản ứng tiêu cực với vắc xin. Trong khi trẻ nhỏ lại thường chưa biết cách diễn đạt cảm giác bất thường, khiến việc phát hiện và xử lý phản ứng dễ bị chậm trễ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người già hay trẻ nhỏ không nên tiêm vắc xin sởi. Vắc xin sởi vẫn an toàn khi tiêm cho các nhóm này, thậm chí trẻ nhỏ trước khi vào lớp 1 là đối tượng tiêm chủng quan trọng nhất trong chương trình tiêm chủng mở rộng 2 mũi vắc xin sởi. Quan trọng là nên nắm rõ tình trạng sức khỏe, tham khảo ý kiến chuyên gia y tế và theo dõi sát sao hơn sau khi tiêm.
Những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin sởi bao gồm: sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), đau và/hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, phát ban nhẹ nhưng không ngứa, trẻ em có thể quấy khóc hoặc biếng ăn hơn trong 1 - 2 ngày. WHO và các tổ chức y tế, tiêm chủng quốc tế cũng như trong nước khẳng định các tình trạng kể trên là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể khi hệ miễn dịch đang tạo ra kháng thể chống lại virus sởi. Không gây nguy hiểm và thường tự hết trong vài ngày mà không cần điều trị ngay cả đối với trẻ em hay người già.
Người già và trẻ em có thể sẽ dễ sốt - sốt với nhiệt độ cao hơn hoặc đau vị trí tiêm, mệt mỏi hơn sau khi tiêm so với các nhóm tuổi khác. Nhưng nếu không đi kèm các dấu hiệu bất thường khác thì không quá đáng lo. Điều quan trọng là dù hiếm gặp nhưng đây cũng là 2 nhóm dễ gặp phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin sởi. Bao gồm:
- Sốt cao ≥ 39 độ C, không hạ sau dùng thuốc hạ sốt
- Khó thở, tím tái, co giật, mất ý thức.
- Phản ứng phản vệ: nổi mẩn toàn thân, ngứa ngáy, sưng môi/mặt, khó thở, tụt huyết áp (thường xuất hiện trong 30 phút sau tiêm).
- Quấy khóc liên tục hơn 3 giờ (với trẻ nhỏ).
- Phát ban lan rộng, kèm theo sốt cao và lừ đừ.
Theo WHO, tỷ lệ xảy ra các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất thấp, nhưng cần được xử lý nhanh chóng để tránh biến chứng nguy hiểm. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, cần ngay lập tức đưa người bệnh tới cơ sở y tế.
Để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt với trẻ nhỏ và người lớn tuổi, cần tuân thủ các bước sau:
- Khám sàng lọc kỹ trước tiêm: Đảm bảo người tiêm không đang sốt, nhiễm trùng cấp, hoặc mắc các bệnh lý nền chưa kiểm soát tốt.
- Báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, bệnh nền, thuốc đang dùng (nhất là corticoid, thuốc ức chế miễn dịch).
- Ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi các dấu hiệu phản vệ.
Nên kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm và theo dõi sát sao phản ứng sau tiêm vắc xin sởi ở người già, trẻ em (Ảnh minh họa)
- Theo dõi sát trong 48 giờ đầu: Đo thân nhiệt, quan sát biểu hiện bất thường, giữ liên lạc với nhân viên y tế.
- Tăng cường dinh dưỡng và nghỉ ngơi sau tiêm: Giúp cơ thể phục hồi nhanh và hạn chế tác dụng phụ.
Tóm lại, mặc dù có thể gây phản ứng ở một số trường hợp, nhưng vắc xin sởi vẫn là biện pháp an toàn và cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều quan trọng là tiêm đúng người, đúng thời điểm và theo dõi đúng cách để đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm - nhất là với người già và trẻ em.
Nguồn tổng hợp: CDC Hoa Kỳ, VNVC