Rõ ràng Công Phượng đã thay đổi rất nhiều trong một năm qua. Từ một cầu thủ có lối chơi cá nhân và rườm rà, chân sút của HAGL bây giờ đã biết khi nào cần chuyền, khi nào cần sút và tạo được nhiều sự đột biến khi khoác áo U23 Việt Nam ở SEA Games 28 vừa qua, cũng như trong màu áo U21 HAGL tại giải U21 quốc tế.
Tuy nhiên, thêm một lần nữa tiền đạo xứ Nghệ khiến người ta phải bất ngờ khi chứng kiến một Công Phượng rất khác trong lần đầu tiên được HLV Miura trao cho chiếc băng đội trưởng của U23 Việt Nam.
Trong lần đầu đeo băng đội trưởng ĐT U23 Việt Nam, Công Phượng đã rất tích cực tham gia tranh cướp bóng và hỗ trợ hàng phòng ngự.
Như thường lệ, Công Phượng được ông Miura trao cho vị trí một tiền đạo lùi có xu hướng đá tự do ngay phía sau tiền đạo cắm. Chân sút sẽ sang Nhật thi đấu kể từ mùa tới vẫn di chuyển linh hoạt và đôi khi thực hiện những pha đi bóng cá nhân đột biến như mọi khi.
Nhưng khác biệt ở chỗ, Công Phượng nhiều lần lùi về rất sâu để hỗ trợ cho hàng phòng ngự. Mỗi khi mất bóng, Phượng thay vì chỉ chạy lững thững như mọi khi, đã tranh cướp bóng rất quyết liệt và cố giành lại bóng đến cùng. Có tới ít nhất 3 lần Công Phượng có mặt ở trước khu vực cấm địa của U23 Việt Nam để tham gia phòng ngự cùng các đồng đội, một điều rất hiếm thấy ở cầu thủ này cả ở HAGL lẫn U23 Việt Nam trước đây.
Công Phượng cũng là người thực hiện nhiều pha chuyền bóng nguy hiểm nhất bên phía U23 Việt Nam, trong đó có 1 đường chuyền kiến tạo thành bàn.
Ngay cả trong cách chơi tấn công của đội tuyển, cầu thủ số 10 cũng rất tích cực di chuyển, theo bóng, ngay cả những pha không có bóng. Điều đó đã nhiều lần giúp U23 Việt Nam tạo được áp lực đáng kể lên khung thành đối phương.
Bên cạnh nhiều tình huống vẫn còn đôi chút cá nhân, vốn dĩ đã trở thành bản năng của một tiền đạo, Công Phượng trận đấu chiều nay cũng thể hiện khả năng chuyền bóng rất tốt. Trong hiệp 1, anh thực hiện 3 đường chuyền tạo cơ hội nguy hiểm cho Tuấn Tài, Văn Toàn và Mạnh Hùng, trong đó có một tình huống đã được chuyển hóa thành bàn thắng của Mạnh Hùng.
Sang hiệp 2, Công Phượng cũng là người thực hiện pha bấm bóng kỹ thuật để cho Tuấn Tài thoát xuống đối mặt với thủ môn đối phương. Có thể nói, dù không có trận đấu xuất sắc đúng khả năng của mình, nhưng xét về tinh thần và trách nhiệm, Công Phượng đã thể hiện một bộ mặt rất khác so với chính mình.
Trước đây, khi Công Phượng có thiên hướng chơi cá nhân, ông Graechen từng trao cho anh chiếc băng đội trưởng của ĐT U19 tại các giải U19 Đông Nam Á và U21 Quốc tế 2014, đó đều là những giải đấu anh chơi xuất sắc. Ở giải U21 Quốc tế 2015, khi được trao băng đội trưởng, anh lại là người hùng giúp U21 HAGL lên ngôi vô địch.
Lần này, ý nghĩa càng lớn hơn và trách nhiệm cũng lớn hơn với Công Phượng khi được đeo trên tay băng đội trưởng của U23 Việt Nam. Và có vẻ như, ông Miura thực sự đã tìm được người xứng đáng thay cho Quế Ngọc Hải làm thủ lĩnh mới của đội tuyển.