"Bác sĩ ma" là cụm từ chỉ người phẫu thuật thay thế bác sĩ chính, khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân (thường là trong ca phẫu thuật thẩm mỹ). Đôi khi người thay thế này là y tá, điều dưỡng, trợ lý hay nhân viên bán thiết bị y tế.
Điều này là hoàn toàn trái ngược với những quảng cáo trước đó với lời cam kết bác sĩ chính sẽ thực hiện phẫu thuật từ đầu đến cuối. Vấn nạn nhức nhối này đang bùng nổ tại Hàn Quốc, đất nước có ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này đó là các bác sĩ thẩm mỹ nhận thực hiện đồng thời nhiều cuộc phẫu thuật, phải nhờ người thay thế để hoàn thành tất cả ca mổ.
Một phòng phẫu thuật được lắp camera giám sát
Tờ NY Times cho biết, có khoảng 5 bệnh nhân đã tử vong vì các cuộc phẫu thuật "ma" trong 8 năm qua. Một trong số đó là Kwon Dae-hee, sinh viên đại học Seoul. Nam sinh này đã tử vong vì xuất huyết trong một ca phẫu thuật thu gọn hàm năm 2016.
Bà Lee Na-geum, mẹ của nạn nhân đã thu thập các đoạn video trong phòng mổ và tìm được bằng chứng cho thấy người thực hiện phẫu thuật là một trợ lý điều dưỡng. Bác sĩ phẫu thuật chính sau đó đã bị kết tội ngộ sát và nhận 3 năm tù.
Để ngăn chặn vấn nạn "bác sĩ ma", các nhà lập pháp đã sửa đổi luật y tế, yêu cầu lắp camera trong tất cả phòng mổ dành cho bệnh nhân gây mê toàn thân. Hiện tại, Hàn Quốc trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này.
Bà Lee, 62 tuổi, cho biết: "Một khi camera được lắp đặt, các 'bác sĩ ma' sẽ bị lật tẩy. Ống kính máy quay sẽ tiết lộ sự thật".
Người Hàn Quốc đã quen thuộc với việc giám sát bằng video trên diện rộng. Đến năm 2020, chính phủ lắp đặt hơn 1,3 triệu camera ở các không gian công cộng, mục đích chính là để ngăn chặn tội phạm. Nhu cầu sử dụng camera trong các bệnh viện tăng cao trong những năm gần đây, phần lớn vì các báo cáo liên quan đến "bác sĩ ma".
Tiến sĩ Choi Sang-wook cho biết camera đã giúp bệnh viện lấy lại sự tin tưởng của người dân
Bệnh viện Kookmin, ở tỉnh Gyeonggi, đã tiên phong lắp đặt camera giám sát trong phòng mổ từ năm 2020. Tiến sĩ Choi Sang-wook, Giám đốc Bệnh viện Kookmin, cho biết camera đã cải thiện niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện. "Camera giúp chúng tôi có được sự tin tưởng của cộng đồng, đó là lợi thế lớn nhất", ông nói.
Theo Bộ Y tế, kể từ năm 2012 đến 2017, Hàn Quốc đã khởi tố khoảng 100 trường hợp phẫu thuật giả danh bác sĩ. Từ năm 2008 đến năm 2014, khoảng 100.000 người là nạn nhân của các ca phẫu thuật kiểu này, theo ước tính của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.
Nguồn: NY Times